Đại biểu Quốc hội: “Nhiều người ăn còn không đủ, làm gì chú ý phòng bệnh”

Gia Bình Thứ hai, ngày 29/05/2023 11:15 AM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội cho hay, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam là hơn 73 nhưng chỉ “sống tốt, sống khỏe” đến 64 tuổi, thấp nhất khu vực. Nguyên nhân một phần vì nhiều người khó khăn, “cái ăn còn không đủ, làm gì chú ý phòng bệnh”.
Bình luận 0

Phát biểu trên là của Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Giao (Đoàn Kiên Giang), tại buổi thảo luận về báo cáo giám sát phòng, chống dịch Covid-19 và y tế dự phòng của Quốc hội sáng 29/5.

Theo nữ đại biểu, công tác phòng, chống bệnh thường tập trung nhiều vào bệnh truyền nhiễm, trong khi gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm lại chiếm tỷ lệ 70% và tỷ lệ tử vong của nhóm này chiếm tới 74%.

Tử vong do dịch Covid-19 cũng tập trung phần lớn ở người mắc các bệnh nền như tim mạch, ung thư, tiểu đường, phổi… "Đây là nguyên nhân dẫn tới quá tải ở nhiều bệnh viện", bà Giao nói.

Đại biểu Quốc hội: “Nhiều người ăn còn không đủ, làm gì chú ý phòng bệnh” - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Giao cho rằng, bệnh không truyền nhiễm đang gây gánh nặng lớn.

Bà Giao dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê thể hiện, tuổi thọ trung bình Việt Nam trên 73 tuổi, rất đáng mừng. Tuy nhiên, tuổi thọ trung bình để "sống tốt, sống khỏe" chỉ 64 tuổi, thấp nhất các nước trong khu vực và "đây là điều đáng lưu tâm".

Có trên 67% người cao tuổi có chất lượng cuộc sống thấp bởi "đau yếu liên miên vì bệnh không lây nhiễm" và xu hướng hiện nay là "trẻ hóa lứa tuổi mắc những bệnh này".

Nguyên nhân một phần do nhiều người khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa với "cơm áo gạo tiền, cái ăn còn không đủ, làm gì chú ý phòng bệnh". Đồng thời, người dân còn mơ hồ về nguy cơ dẫn tới bệnh không lây nhiễm như hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý, môi trường…

Bà Giao cũng đóng góp ý kiến về nguồn nhân lực trong y tế dự phòng, cho hay chỉ đáp ứng 42%, trong khi người lao động ở nước ta có trên 55 triệu người và số làm việc trong môi trường độc hại ngày một tăng. "Y tế dự phòng chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân trong tình thế cấp bách là chúng ta chịu ảnh hưởng an ninh phi truyền thống về bệnh tật", bà Giao nêu quan điểm.

Nữ đại biểu kiến nghị, cần tăng cường tuyên truyền để cả hệ thống chính trị, người dân hiểu tầm quan trọng của y tế dự phòng; bản thân mình phải biết nguy cơ dẫn tới bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm bởi tự mình kiểm soát sức khỏe của mình là kênh quan trọng đầu tiên.

Thứ hai, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bệnh không lây nhiễm mà hiện nay còn khoảng trống như không chú trọng phòng bệnh, thiếu các quy định đảm bảo dinh dưỡng cộng đồng, tăng cường thể lực cho người dân… Việc này liên quan các luật bảo hiểm y tế, an toàn thực phẩm, đề án tăng cường vận động thể lực…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem