|
Các nhà văn vui mừng gặp nhau tại Hải Phòng. |
Nhà văn Đình Kính - ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn các tỉnh phía Bắc bộc bạch: “Trong những đề tài chung, hiện nay mảng đề tài ít được quan tâm nhất là nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Năm 2003, Hội Nhà văn các tỉnh phía Bắc đã có hội nghị lớn về chủ đề: “Văn học phía Bắc với đề tài nông nghiệp nông thôn”. Trong thời gian tới, Hội sẽ có thêm hội nghị lớn về đề tài này”.
Nói là ít nhưng trong làng văn chương vùng phía Bắc hiện đang có không ít những cây bút “ăn đời ở kiếp” với nông thôn, nông dân Việt Nam. Chôn rau cắt rốn ở làng quê Phú Thọ, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn yêu làng quê mình nồng nàn.
Không một truyện ngắn hay một tiểu thuyết nào của ông là không có bóng dáng lũy tre, sân đình, điệu hát và cái chân chất rõ rệt của người nông dân ngày xưa và bây giờ. Ông nghiên cứu và viết một cách say mê về nông thôn. Chưa lúc nào dừng bút, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn cho biết ông sẽ tiếp tục cày xới về nông thôn, nông dân đương đại đến khi nào ông không còn sức cầm nổi cây bút.
Ông bảo: “Dù là ở thành thị, dù là trí thức hay công nhân, chúng ta đều sinh ra từ làng quê. Trong lịch sử, người ta chỉ mất nước chứ chưa bao giờ mất làng. Làng quê có một sức mạnh ghê gớm trong sự gắn kết của cộng đồng. Càng viết về nông thôn, tôi càng thấy yêu cái văn hóa của làng quê mình đến lạ lùng!”.
Cũng mang nặng ân tình với nông thôn, nông dân, độc giả và những văn nghệ sĩ cùng giới cũng gọi ông là nhà văn thứ thiệt của nông thôn. Đấy là nhà văn Trần Quốc Tiến của vùng đất chiêm trũng Hà Nam với tác phẩm “Ổ rơm”. Đôi tai ông đã nặng, dù không lắng nghe đủ đầy âm thanh biến động của làng quê nhưng ông viết bằng cảm nhận, bằng cách nhìn đằm thắm về làng quê.
Còn nữa, nhà văn Hà Trung Nghĩa ở Hòa Bình, nhà văn Cao Năm của Hải Phòng... lúc nào cũng nặng lòng với nông thôn bởi họ lấy đó là đề tài vận vào đời và vận vào cả nghiệp văn chương của mình rồi.
Bùi Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.