Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Hiến kế giải pháp tăng Quỹ hỗ trợ nông dân, thúc đẩy nông dân khởi nghiệp
Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Hiến kế giải pháp tăng Quỹ hỗ trợ nông dân, thúc đẩy nông dân khởi nghiệp
Nhóm P.V
Thứ hai, ngày 25/12/2023 16:20 PM (GMT+7)
Chiều 25/12, tiếp tục ngày làm việc thứ nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển" tiến hành các phiên thảo luận tại tổ.
Tham gia thảo luận tại tổ 7, ông Nguyễn Văn Thận, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam xúc động chia sẻ: Cá nhân tôi rất vui mừng và xúc động khi lần thứ 2 được cùng đoàn Hội ND tỉnh Quảng Nam ra Hà Nội dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN, thấy công tác chuẩn bị rất chu toàn, từ hình thức, điều kiện ăn ở, đi lại, công tác hậu cần đều vô cùng chu đáo.
Tham gia góp ý về các dự thảo văn bản, chỉ tiêu đề ra tại Đại hội, ông Thận đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, đề xuất xây dựng dự án nông dân khởi nghiệp, thực hiện tốt vai trò chủ thể, nòng cốt của Hội theo Nghị quyết 19. Trong đó, Hội ND cơ sở, huyện, tỉnh đóng vai trò trung tâm kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp, kết nối với các cơ chế chính sách.
"Mới đây tôi có tham gia 1 diễn đàn ở tỉnh về chủ đề nông dân khởi nghiệp sáng tạo. Nếu làm tốt sẽ giúp nông dân tham gia thuận lợi hơn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Muốn khởi nghiệp, nông dân sẽ phải tìm hiểu thông tin từ tất cả lĩnh vực, từ thủ tục đất đai, cơ chế chính sách, bảo vệ môi trường…, Hội cần thể hiện vai trò nòng cốt trợ giúp nông dân khởi nghiệp nắm vững các quy định này", ông Thận nói.
Thứ hai, về hoạt động của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ nông dân, ông Thận cho rằng cần xây dựng hệ thống các văn bản tổ chức hoạt động của Trung tâm, và thống nhất cơ quan ra quyết định trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và hướng dẫn danh mục dịch vụ công mang tính đặc thù.
Góp ý cho các văn kiện Đại hội VIII, ông Hoàng Thanh Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho rằng: Qua nhiều lần nghiên cứu, góp ý, tôi nhận thấy chủ đề, bố cục các văn kiện ĐH đã hoàn thiện hơn, trong đó có cập nhật các chủ trương của Đảng trong việc đánh giá nhiệm vụ nhiệm kỳ VII.
Tuy nhiên, thay mặt Hội Nông dân huyện Đạ Huoai, tôi xin đề xuất thêm về mặt nội dung: Thứ nhất, chúng ta đang trong xu hướng chuyển đổi số, và ngay trong phiên họp sáng nay chúng ta đã được chứng kiến sự ra mắt của Ứng dụng App Nông dân Việt Nam và hiện nay tôi nghĩ nông dân nào cũng đều có điện thoại thông minh, thậm chí xem đó là công cụ lao động, bởi chúng ta có thể cập nhật rất nhanh thông tin, các định hướng, chủ trương, cách làm… chứ không đợi tập huấn mới năm được.
Do đó, tôi kiến nghị chúng ta nên đưa chỉ tiêu 100% Hội Nông dân cơ sở tổ chức chương trình vận động, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; đến năm 2027, 95% hộ gia đình hội viên nông dân lập và sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.
Điều này cũng thể hiện vai trò của tổ chức Hội trong tham gia xây dựng xã hội số, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kiến nghị thứ 2, ông Nam cho rằng, tại điều 3 dự thảo sửa đổi Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam, đề nghị sửa đổi thành: "Hội viên Hội Nông dân Việt Nam là công dân Việt Nam đang lao động, học tập, công tác trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ 18 tuổi trở lên, tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện tham gia tổ chức Hội; có tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc; nhiệt tình tham gia các phong trào của Hội; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; gắn bó mật thiết với nông dân, nông nghiệp, nông thôn". Đưa từ lao động lên trước so với Điều lệ hiện hành vì nông dân chủ yếu là người lao động trực tiếp. Quy định như vậy sẽ súc tích hơn, và thuận lợi cho mở rộng đối tượng hội viên.
Có định hướng về tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân
Tại tổ thảo luận số 5, ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang đánh giá Báo cáo chính trị được Trung ương chuẩn bị rất kỹ, toàn diện, sát với thực tế với công tác hội và phong trào nông dân năm 2023.
Về chỉ tiêu số 15 về tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân bình quân từ 10%/năm trở lên, trong đó 2% là vận động từ nguồn ngoài ngân sách. Ông Đoàn cho rằng, đây là chỉ tiêu rất khó để thực hiện đối với một số tỉnh.
Theo ông Đoàn, nên có quy định cụ thể vốn cấp tỉnh là bao nhiêu? Cấp huyện là bao nhiêu?. Vì vậy chỉ tiêu này không phù hợp, nên điều chỉnh tăng có định lượng rõ ràng.
Thảo luận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang, đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang bày tỏ mong muốn có quy chế hoạt động, có định hướng về tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân. Các nội dung vận động Quỹ thì nên quy định thêm để gắn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.
Bà An lấy ví dụ, có thể đưa vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, phải có định hướng rõ nét, tránh mỗi tỉnh làm một kiểu. Tỉnh nào "quyết mạnh" đưa vào Nghị quyết HĐND thì hàng năm được cấp, còn nếu không "vác cặp đi để xin quanh năm", lúc được nhiều, lúc được ít, điều này không đảm bảo được tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương giao.
"Vốn điều lệ phải là Nhà nước cấp, có định lượng, định hướng theo quy định, theo tỷ lệ và sự thống nhất theo ngân sách của địa phương", bà An nói.
Còn theo ông Vũ Văn Thắng, đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên, Trung ương đưa ra chỉ tiêu số 15 là "hợp lý". "Tăng trưởng 8% chỉ cao hơn so với tăng trưởng kinh tế chung của toàn quốc. Và nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân cần có sự tăng trưởng để tạo điều kiện nâng cao đời sống, sản xuất của nông dân. Bởi vậy, chúng ta phải đặt mục tiêu tăng trưởng Quỹ cao hơn một chút so với mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới khu vực khác".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.