Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Hội Nông dân Hà Nội thực hiện 2 đột phá về chuyển đổi số và liên kết

Thu Hà (thực hiện) Thứ sáu, ngày 22/12/2023 16:24 PM (GMT+7)
Với tinh thần “Đoàn kết - Trách nhiệm – Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”, nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân TP Hà Nội xây dựng 3 chương trình công tác và 6 đề án. Đặc biệt, Hội Nông dân Hà Nội tập trung thực hiện 2 đột phá về chuyển đổi số và liên kết sản xuất.
Bình luận 0

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay, Báo điện tử Dân Việt có bài phỏng vấn Bà Phạm Hải Hoa – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VII cũng như kế hoạch hành động trong nhiệm kỳ VIII tới.

Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Hội Nông dân Hà Nội thực hiện 2 đột phá về chuyển đổi số và liên kết- Ảnh 1.

Bà Phạm Hải Hoa – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội cho biết, nhiệm kỳ mới Hội Nông dân TP Hà Nội tập trung thực hiện 2 đột phá về chuyển đổi số và liên kết sản xuất.

Xin bà cho biết những kết quả trong triển khai Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Hội Nông dân TP Hà Nội?

-Công tác Hội và phong trào nông dân Thủ đô nhiệm kỳ 2018-2023 đã hoàn thành với 14/14 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so với chỉ tiêu Đại hội IX đề ra, trong đó một số chỉ tiêu đạt cao như phát triển hội viên (150 %), xây dựng Quỹ hội (175%); xây dựng mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường (135%), tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân (134%)...

Nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, tập trung hướng mạnh về cơ sở; tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân có trọng tâm, trọng điểm mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân được đẩy mạnh, thực hiện sâu rộng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; Tổ chức bộ máy, cán bộ Hội được củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động; Đội ngũ cán bộ Hội được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm; Chất lượng hội viên được nâng lên, quyền lợi của hội viên được đảm bảo, ngày càng tin tưởng gắn bó với tổ chức Hội; Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật được chú trọng tăng cường.

Các phong trào thi đua, cuộc vận động do Hội phát động được lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. Vai trò của Hội trong tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới ngày càng được khẳng định, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân, góp phần khẳng định vị trí của Hội trong hệ thống chính trị Thành phố.

Từ những kiến nghị đề xuất được nêu trong loạt bài Hướng tới Đại hội VII về hoạt động của chi hội, tổ nghề nghiệp, trong nhiệm kỳ này, Hội Nông dân TP Hà Nội có những giải pháp, cách làm như thế nào để thực hiện?

-Thực hiện Nghị quyết số 04 - NQ/HNDTW, ngày 05/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về "Đẩy mạnh xây dựng Chi Hội, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp"; Hội Nông dân TP Hà Nội đã chỉ đạo các huyện, thị xã hướng dẫn cơ sở thành lập Chi Hội, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo theo tiêu chí"5 tự" và "5 cùng": Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04, đến nay đã thành lập và ra mắt 232 Chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 5.813 hội viên tham gia; 1.852 Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 22.584 hội viên tham gia cho vay 457 dự án cho vay 457 dự án vay vốn quỹ HTND xây dựng Chi hội, Tổ Hội Nông dân Nghề nghiệp với số tiền 235 tỷ 355 triệu đồng.

Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Hội Nông dân Hà Nội thực hiện 2 đột phá về chuyển đổi số và liên kết- Ảnh 2.

Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa thăm mô hình trồng hoa đồng tiền công nghệ cao của HTX Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội. 

Riêng năm 2023, đã thành lập mới 72 Chi hội với 1.7.35 thành viên tham gia và 453 Tổ Hội với 5.416 thành viên tham gia) Hội đề nghị UBND Thành phố biểu dương, khen thưởng 18 Chi Hội Nông dân nghề nghiệp tiêu biểu, xuất sắc của 18 huyện, thị xã.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04 về hoạt động của chi hội, tổ nghề nghiệp trong thời gian tới các cấp Hội thực hiện tốt giải pháp:

Một là: Tiếp tục thực hiện Đề án số 25- ĐA/HNDT, ngày 25/8/2021 của BTV Hội Nông dân Thành phố Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng Chi Hội, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong giai đoạn mới.

Hai là: Xây dựng Chi Hội, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phù hợp, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của địa phương. Ưu tiên nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các Ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng khác cho vay các hộ tham gia xây dựng Chi Hội, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp .

Ba là: Phối hợp với các ngành chức năng, bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức về kinh tế nông nghiệp để nông dân chủ động tham gia các liên kết chuỗi giá trị nông sản với các mô hình liên kết phù hợp. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc trở thành hạt nhân xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp.

Phát triển Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh là một trong những mục tiêu và hành động xuyên suốt của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Hội Nông dân các cấp trên địa bàn TP Hà Nội có những đóng góp như thế nào trong thực hiện nội dung này, nhất là việc xây dựng các mô hình nông dân bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng của Nghị quyết Đại hội VII, Hội Nông dân Việt Nam?

-Bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế xã hội là vấn đề mang tính toàn cầu, là trách nhiệm của mọi người dân, của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và của Thành ủy-HĐND-UBND Thành phố, các cấp Hội Nông dân thành phố đã xây dựng 2.270 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn với 34.204 thành viên tham gia; nổi bật như: 603 mô hình về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, hướng dẫn sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng, mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ sinh học, ủ phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp; 562 mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Trồng, gắn biển 458 hàng cây nông dân, 262 tuyến đường hoa, 385 mô hình cánh đồng sạch và vườn cây kiểu mẫu...

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 và phát huy vai trò "trung tâm, nòng cốt" trong các phong trào nông dân, Hội Nông dân thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trọng tâm hướng về cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường và tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như : tổ chức các hội nghị tọa đàm, tập huấn tuyên truyền, hội thi về chủ đề bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường.

Hà Nội hiện là địa phương có nguồn vốn Quỹ HTND lớn nhất cả nước, cũng như số lượng hội viên nông dân nhiều nhất cả nước? Xin đồng chí chia sẻ những kinh nghiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND?

Hiện nay toàn Thành phố 406 cơ sở Hội có tổng số 473.896 hội viên, trong đó có 363.507 hội viên có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Trong những năm qua Quỹ HTND Hà Nội được thành phố thường xuyên quan tâm cấp nguồn vốn từ ngân sách. Dư nợ đến ngày 30/11/2023 Quỹ HTND Thành phố đang ủy thác cho vay tại 18 huyện, thị xã là: 650.241,9 triệu đồng cho 27.647 hộ HVND vay vốn, tham gia 1.506 dự án.

Hội đầu tư cho vay một dự án từ 300 triệu đến tối đa là 750 triệu đồng, mức bình quân chung đạt 356 triệu đồng/01 dự án; hộ vay cao nhất là 50 triệu đồng, thấp nhất 35 triệu đồng. Bình quân mỗi cơ sở Hội trên địa bàn Thành phố đang có dư nợ cho vay từ 3-4 dự án, dư nợ bình quân đạt trên 1,6 tỷ đồng/cơ sở Hội.

Để có được điều đó, trước tiên, Hội Nông dân thành phố Hà Nội chú trọng đầu tiên vào công tác cán bộ. Thường xuyên rà soát, kiện toàn bộ máy quản lý Quỹ HTND các cấp từ TP đến cơ sở. Ban Điều hành Quỹ gồm đại diện các cơ quan: Hội Nông dân Thành phố, Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh & Xã hội Thành phố Hà Nội.

Ban Điều hành Quỹ do UBND Thành phố ra quyết định gồm: Trưởng Ban Điều hành Quỹ là Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố. 2 đồng chí Phó Trưởng Ban Điều hành Quỹ gồm: 1 đồng chí là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Thành phố và 01 đồng chí là Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố; 01 ủy viên Ban Điều hành là đại diện Sở Tài chính Thành phố. Bộ phận nghiệp vụ giúp việc: Ban Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố do Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố ra quyết định và bổ nhiệm.

Thứ hai, Quỹ HTND các cấp đây mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các văn bản liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và về Quỹ HTND nói riêng.

Đặc biết, đối với Thủ đô Hà Nội, được sự quan tâm của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, sự chỉ đạo của UBNDTP và sự vào cuộc của các cơ quan, sở ngành. Thực hiện Chỉ Chỉ thị số 27/CT-UBND, ngày 20/10/2009 của UBND thành phố về "Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội" tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kế hoạch vận động Quỹ HTND. Từ năm 2009 đến nay, Quỹ HTND tăng trưởng gấp gần 20 lần (2008 khi hợp nhất Quỹ các cấp đạt hơn 40 tỷ đồng. Đến năm 2023 Quỹ đạt hơn 780 tỷ đồng).

Thứ ba: Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho vay, nghiệp vụ quản lý tài chính kế toán. Ban Điều hành Quỹ HTND xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể. Xây dựng các mẫu biểu, hồ sơ, sổ sách và lưu trữ từ cấp thành phố đến cấp cơ sở.

Thứ tư: Công tác kiểm tra, giám sát được coi là hoạt động thường xuyên. Ban Điều hành Quỹ HTND TP đã chỉ đạo 100% đơn vị cấp huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra và tự kiểm tra Quỹ tại cấp xã. Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố tiến hành kiểm tra công tác Hội gắn với kiểm tra hoạt động Qũy tại 18 đơn vị cấp huyện và cấp xã. Ban Điều hành Quỹ HTND tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với hoạt động Quỹ HTND và chương trình phối hợp với các ngân hàng tại Hội Nông dân các huyện, thị xã và cơ sở.

Thứ năm: Chế độ báo cáo, giao ban, sơ kết, tổng kết... Định kỳ hàng tháng Quỹ HTND cấp huyện gửi báo cáo kết quả hoạt động Quỹ HTND và chương trình phối hợp với các ngân hàng. Quỹ HTND Thành phố xây dựng báo cáo gửi Ban Thường vụ, báo cáo tài chính gửi Sở Tài chính Thành phố. Tổ chức giao ban Quỹ HTND theo từng Qúy, và tổ chức tổng kết năm, tổng kết chuyên đề... Qua hoạt động này để kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và có phương hướng khắc phục. Đồng thời, cũng kịp thời khen thưởng, nêu gương, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, sử dụng Quỹ HTND. Từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động Quỹ HTND.

Xin bà cho biết những kế hoạch, hành động của Hội Nông dân TP Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết Đại hội X Hội Nông dân TP Hà Nội thời gian tới?

Với tinh thần "Đoàn kết - Trách nhiệm – Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển", nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân xây dựng 3 chương trình công tác và 6 đề án. Ba Chương trình của Hội bao gồm: Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền và xây dựng tổ chức Hội các cấp vững mạnh toàn diện nhiệm kỳ 2023-2028; Nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Chương trình nghĩa tình nông dân Thủ đô đoàn kết và chia sẻ. Đặc biệt, Hội Nông dân Thành phố xác định 2 đột phá sau:

1. Chuyển đổi số: Tuyên truyền chuyển đổi nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho hội viên, nông dân; tham gia thực hiện các thủ tục hành chính thông qua các dịch vụ công trực tuyến; tập huấn, hội thảo để giúp cán bộ, hội viên nông dân hiểu, vận dụng và hình thành các ý tưởng về chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp; xây dựng các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

2. Liên kết sản xuất: Hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển các mô hình hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và hộ dân; giữa doanh nghiệp với hộ nông dân; giữa hợp tác xã với hộ nông dân và liên kết giữa các hộ nông dân để sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với tổ chức xây dựng các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp 5 cùng (cùng lĩnh vực lao động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cùng có mối quan tâm, cùng trách nhiệm, cùng chia sẻ, cùng hưởng lợi).

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem