Tiếng ca vang vọng đến đâu?
|
Ca sĩ Trọng Tấn biểu diễn trong chương trình khai mạc Đại lễ (ngày 1- 10). |
Trước, trong và sau Đại lễ, Hà Nội tới tấp các chương trình ca múa nhạc chào mừng. Các nghệ sĩ nhiệt tình dàn dựng, biên đạo, thể hiện. Nhưng trở đi trở lại qua nhiều chương trình, khán giả khó lòng "bói" ra được những ca khúc mới, gây ấn tượng, làm người xem và nghe phải nhớ lâu.
Rồi cuối cùng, rất phổ biến, vẫn là những bài ca đi cùng năm tháng: Người Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Hà Nội trái tim hồng, Hà Nội đêm trở gió, Em ơi Hà Nội phố, Tiến về Hà Nội,…
Kiến trúc Hà Nội như một bản hợp xướng lỗi nhịp thì sau Đại lễ, bản hợp xướng này không biết bao giờ mới được tích cực điều chỉnh.
Quả thực, khó tìm được những chương trình, tác phẩm mới mang được dấu ấn riêng, độc đáo, phần nhiều đều hướng về ca ngợi, tôn vinh, tự hào, xem cũng thấy hao hao nhau.
Quanh Hồ Gươm hiện diện đến 5 sân khấu ca múa nhạc nhưng tần suất biểu diễn ít ỏi, chủ yếu dành cho người dân lấy làm nền chụp ảnh. Quan tâm theo dõi nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật, ca múa nhạc trong những ngày Đại lễ, không tránh khỏi sự không hài lòng. TS Trịnh Hoà Bình - Viện Khoa học xã hội VN nhận xét: Các hoạt động ca múa nhiều thiếu sót và trùng lặp.
Nhiều nghệ sĩ khi chia sẻ với NTNN đều tỏ ra chán nản, hầu như không có những tác phẩm mới làm họ phải chú ý.
Nhạc sĩ Phú Quang nhận xét: Có lẽ sáng tác nhiều, chạy đua không khí, thời gian nên chẳng thấy xúc động, ấn tượng gì. Hay tại mình kém quá không thẩm định được!
Nhạc sĩ Nguyễn Cường thì tâm sự: Trong không khí chào mừng Đại lễ vừa qua, tôi đã hoàn thành 2 tác phẩm được ấp ủ từ lâu là "Khúc Romance Hà Nội" và "Ngàn năm Thăng Long nổi trống lạc hồng" mang đậm không khí hội hè vui tươi, cảm giác như Vua Hùng cùng về chung vui với con cháu. Đó là tôi viết từ xúc cảm của mình, chứ không nghe được cuộc thi hay chương trình phát động nào của nhà nước. Còn về việc các tác phẩm khác sáng tác chào mừng Đại lễ, tôi chẳng thấy có một ấn tượng gì…
Những "cửa sổ" bị lãng quên?
|
Các chương trình biểu diễn ca múa nhạc trong dịp Đại lễ chưa có những điểm nổi bật. |
Đại lễ đã qua, nhưng dường như đã quá dồn sức cho những ngày Đại lễ nên không khí văn nghệ chung có vẻ vắng lặng. Các phương tiện phục vụ tuyên truyền quảng bá về Hà Nội và Đại lễ không được tận dụng, tiếp tục khai thác, trở nên hết sức lãng phí. Những màn hình, pa nô được lắp đặt tại nhiều địa điểm đang ở trong trạng thái "vẫn y nguyên".
Theo dọc đường Nguyễn Trãi, những cột pa nô dựng lên với một số bức tranh, ảnh tư liệu Hà Nội cổ, đến nay vẫn chưa có gì mới, mặc dù nguồn tư liệu này hiện nay ở trên Internet và trong các bộ sưu tập cá nhân, như của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Bắc hay nguồn tư liệu của Tạp chí Xưa và Nay thì vô cùng dồi dào.
Một số màn hình nhỏ như ở điểm phía ngoài Trường ĐH Thuỷ lợi, vẫn trở đi trở lại clip có hình ảnh cầu Long Biên, nụ cười thiếu nữ, áo trắng học trò… Các màn hình khác trên đường Thanh Niên vẫn phóng chiếu một số hình ảnh di tích, làng nghề. Các màn hình lớn hoặc để không hoặc vẫn phát đi phát lại một số chương trình ca múa nhạc, như màn hình ở điểm giao đường Thanh Niên với Thụy Khuê là một ví dụ tiêu biểu.
Thật đáng tiếc khi người ta không tiếp tục truyền tải những clip mới với những đề tài mới về văn hiến Thăng Long - Hà Nội vốn quá đa dạng. Không bổ sung mới, cũng không tháo dỡ, những "cửa sổ văn hoá" này đứng lặng lẽ chờ đợi.
Lý giải về nhiều thiếu sót trong dịp Đại lễ và những "luộm thuộm" đáng lẽ phải sớm được xử lý nhưng vẫn kéo dài đến tận hôm nay, có thể dẫn ra nhiều nguyên nhân. Nhưng một trong những lý do cơ bản vẫn thuộc vào vai trò quản lý của các cơ quan chức năng, mà trước tiên ở đây là các cơ quan quản lý văn hoá, nghệ thuật.
Lên chương trình cho Đại lễ, nhưng sau Đại lễ sẽ là gì để những giá trị tinh thần đẹp đẽ, niềm tự hào về thủ đô nghìn năm vẫn được tiếp nối, nhân rộng thì xem ra khó có câu trả lời thích đáng. Như ví von của kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng về kiến trúc Hà Nội như một bản hợp xướng lỗi nhịp thì sau Đại lễ, bản hợp xướng này không biết bao giờ mới được tích cực điều chỉnh.
Nhận xét khái quát, nhà nghiên cứu Văn Thành cho rằng, hoạt động văn hoá nghệ thuật là một phần của tổng thể lễ hội, đã có đóng góp, tạo không khí trọng thể, hào hứng, nhưng vẫn có những cái vội vàng. Cộng với việc thiếu kinh nghiệm tổ chức những sự kiện quy mô lớn, nên khi diễn ra cũng gây cảm giác hơi nghiêng về hình thức, gây ra sự hơi thất vọng, không thoả mãn được như kỳ vọng lớn ban đầu.
Dương Xuân - Phí Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.