Đại tá Nguyễn Hữu Hùng từng tham gia giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 16/10/2020 14:00 PM (GMT+7)
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng là một trong 13 cán bộ chiến sĩ (CBCS) vừa hy sinh trên đường giải cứu những công nhân mắc kẹt tại thủy điện Rào Trăng 3. Nhiều người vẫn chưa biết anh từng chỉ huy, cứu sống 12 công nhân mắc kẹt nhiều ngày đêm trong đường hầm thủy điện Đạ Dâng vào năm 2014.
Bình luận 0

Nghe tin đại tá Nguyễn Hữu Hùng hy sinh khi cứu hộ những công nhân tại thủy điện Rào Trăng 3 mắc kẹt do mưa lũ, nhiều người từng biết những chiến công của anh, đã chua xót thốt lên: “Không lẽ sinh nghề tử nghiệp?”.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng sinh ra và lớn lên ở nội thành Hà Nội, rồi nhập ngũ vào lính công binh, trở thành sĩ quan công binh. Anh lăn lộn khắp nơi, thường xuyên gắn bó với vùng sâu, vùng xa, biên cương, rừng thẳm để giữ gìn bình yên cho nhân dân.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Lẽ nào lại sinh nghề, tử nghiệp? - Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng trả lời báo chí tại vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng vào tháng 12/2014.

Tôi được gặp đại tá Nguyễn Hữu Hùng lần đầu tiên tại thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cách đây gần 6 năm, nơi đã xảy ra vụ sập hầm thủy điện làm 12 người mắc kẹt. Khi ấy, anh là Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao chỉ huy toàn bộ lực lượng cứu hộ trong hầm để giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Lẽ nào lại sinh nghề, tử nghiệp? - Ảnh 2.

Giây phút vỡ òa hạnh phúc khi lực lượng công binh đưa nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng ra ngoài.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh đó là một con người chân thành, cởi mở, với nụ cười luôn nở trên môi, một người lính rắn rỏi, dạn dày sương gió. Bên anh, tôi cảm nhận được sự an toàn, ấm áp như được ở bên cạnh một người anh mạnh mẽ, rất mực thân thiết.

Đấy là một ngày cuối tháng 12/2014. Khi hay tin hầm thủy điện Đạ Dâng bị sập, tôi cùng đồng nghiệp từ TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sang Lâm Đồng, đại tá Nguyễn Hữu Hùng được chỉ thị của Bộ Quốc phòng, cũng như sự phân công của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Công binh điều động từ Khánh Hòa lên Lâm Đồng.

Trưa 18/12/2014, các lực lượng cứu hộ của công binh (gồm Công binh Quân khu 7 và Lữ đoàn 293, Tiểu đoàn 93 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh) đã có mặt đầy đủ tại hiện trường. Đại tá Nguyễn Hữu Hùng trực tiếp chỉ huy toàn bộ lực lượng này. So với thời điểm xảy ra sự cố sập hầm, lực lượng công binh đến muộn hơn 1 ngày.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Lẽ nào lại sinh nghề, tử nghiệp? - Ảnh 3.

Với ý chí sắt đá và lòng quyết tâm cứu bằng được 12 công nhân gặp nạn, anh đã có phương án táo bạo và lập được chiến công.

Ngay sau khi có mặt, anh đã chỉ đạo các lực lượng khảo sát, nắm bắt ngay tình hình tại hiện trường. Khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có mặt tại hiện trường, anh đã lập tức đề xuất mở thêm một đường hầm bên trái (đường hầm bên phải đã được công nhân Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đào trước gần 3 ngày). Đây là đường hầm đào ngay sát mép sạt trượt nên hết sức nguy hiểm, nhưng lại rút ngắn khoảng cách tiếp cận các nạn nhân được 4m. Phương án này được Phó Thủ tướng chấp thuận và giao cho đại tá Nguyễn Hữu Hùng chỉ huy, trực tiếp triển khai ngay.

Lực lượng Công binh tại công trường đã nhanh chóng xác định với ý chí quyết tâm, vận dụng nhiều giải pháp kỹ thuật, trong đó mấu chốt quyết định là phương pháp thi công "hầm trong cát" phù hợp với nền đất yếu. Đồng thời, lực lượng tìm đường ngắn nhất, thi công nhanh nhất để cứu các nạn nhân, nhưng phải bảo đảm an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

"Đào ở trong lòng đất thì không biết sẽ xảy ra vấn đề gì gây khó khăn, trở ngại, nên mình phải có đường hầm dự phòng. Nếu đường bên phải không vào được, đường bên trái sẽ vào được. Trong quá trình làm, chúng tôi dùng các giải pháp, kỹ thuật đào hầm trong nền đất yếu của công binh nên xử lý nhanh hơn so với phía Than Khoáng sản. Ngoài ra, hướng đào này đi thẳng nên giải quyết nhanh. Chúng tôi cũng xác định hướng của công binh là dự phòng và cuối cùng là hướng chính để giải thoát các công nhân", đại tá Nguyễn Hữu Hùng trao đổi với chúng tôi về phương án đào thêm hầm bên trái.

Đêm mùa đông ở Đạ Dâng, buổi tối có lúc nhiệt độ xuống đến 14 độ C, ở bên trong hầm cái lạnh còn kinh khủng hơn. Nhưng bất kể ngày đêm, không khí khẩn trương để cứu 12 công nhân ngày càng quyết liệt, bởi bên trong hầm, nơi các nạn nhân bị mắc kẹt, nước đã dâng lên 1,5m, sự an toàn của các nạn nhân bị đe dọa từng phút. Có thể nói đó là một cuộc đua nghẹt thở giữa lực lượng cứu hộ với thời gian.

Bên ngoài lòng người như lửa đốt, bên trong lực lượng công binh phải đối diện với đất nhão, đá tảng và sắt thép dày đặc trong đường hầm. Một số bên đã phải bỏ vị trí khoan hầm do liên tục gặp vật cản. Trước tình hình nguy cấp ấy, ngay trong đêm 19/12/2014, đại tá Nguyễn Hữu Hùng đã khẩn trương triệu tập hội ý chỉ huy và đề nghị điều động tăng cường thêm lực lượng đào hầm tinh nhuệ khẩn trương hành quân gần 200km đến công trường.

Anh quyết định và thống nhất toàn lực lượng công binh thi công đường hầm dự bị được giao phấn đấu về đích sớm và coi đây là đường hầm cứu hộ then chốt của quân đội, thẳng đến vị trí các nạn nhân. Phương pháp được áp dụng lúc này là tịnh tiến khung chống, thi công dạng đào hầm cát. Vị trí đường thông lợi dụng tường thẳng phía trong bên trái đường hầm, hướng thi công dọc thân hầm.

Cuộc đua giữa sức người với thời gian ngày một trở nên nóng bỏng. Thời gian thi công một ca đã được lực lượng công binh rút ngắn từ 4 giờ xuống còn 2 giờ. Năng suất lao động tăng gấp 2,3 lần chỉ trong vòng 5 giờ sau khi có sự bổ sung và điều chỉnh. Một hệ thống đường thông từ nhiều phía để thông hơi, thoát nước, cung cấp thức ăn… dần được hình thành.

Bản thân là người chỉ huy trực tiếp, đại tá Nguyễn Hữu Hùng cùng các cán bộ của Bộ Tư lệnh Công binh ngày đêm bám sát theo dõi, động viên, hướng dẫn bộ đội thi công bảo đảm an toàn, đúng kỹ thuật; chỉ đạo cán bộ các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm vừa chỉ huy vừa trực tiếp thi công cùng bộ đội để động viên và chia sẻ khó khăn với bộ đội; chỉ đạo bảo đảm tốt hậu cần trong suốt quá trình thi công.

Nhưng trong suốt quá trình thi công hầm bên trái, ngoài những khó khăn về thực địa, đại tá Nguyễn Hữu Hùng cùng đồng đội còn gặp nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí phản đối vì lý do thi công không đúng phương án có thể gây mất an toàn cho người bị mắc kẹt trong đường hầm.

Nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ phương án đã đề ra, một lần nữa, anh đã thuyết phục Ban Chỉ huy cứu hộ, cứu nạn tỉnh Lâm Đồng bằng cơ sở khoa học và bằng các giải pháp kỹ thuật thuộc về bí quyết nghề nghiệp của Công binh Việt Nam. Do đó, Ban Chỉ huy cứu hộ, cứu nạn tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận để các đơn vị của Bộ Tư lệnh Công binh tiếp tục thi công, đồng thời giao hoàn toàn chịu trách nhiệm về công tác an toàn.

16h10 chiều 19/12/2014, tất cả những người đang có mặt tại hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng không ai giấu được cảm xúc vui mừng khi từ bên trong hầm, một thanh niên tung chiếc áo lấm đầy bùn đất trên đầu, chạy ra ngoài hô vang: "Sống rồi! Sống rồi!". Tiếng cười xen lẫn nước mắt và niềm hạnh phúc ấy nhanh chóng lan tỏa đến hàng triệu người Việt Nam đang nghẹt thở chờ giây phút này suốt 80 giờ.

Đến sau gần 3 ngày nhưng với tốc độ đào hầm kỷ lục (1m/giờ), lực lượng công binh đã đào được 12m đường hầm và tiếp cận được các nạn nhân để đưa họ ra ngoài. Trong khi đó, đường hầm bên phải dù đã đào được 20m nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được các nạn nhân. Nếu tiếp tục đi theo hướng bên phải, phải đào thêm 15m nữa mới tiếp cận được người bị nạn.

12 công nhân được giải cứu an toàn. Thành công ấy có được nhờ y chí sắt đá và quyết tâm của đại tá Nguyễn Hữu Hùng, cùng đồng đội. Cuộc giải cứu 12 công nhân của bộ đội công binh như tái hiện lại những ngày "phá núi, xẻ hầm" lịch sử trong những ngày khói lửa.

Đạ Dâng đã thực sự trở thành nơi ghi dấu tình người, tình quân dân. Nơi thể hiện tinh thần đoàn kết "người trong một nước phải thương nhau cùng" của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta.

Sau đó một thời gian, đại tá Nguyễn Hữu Hùng được bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng. Mỗi lần thiên tai, bão lũ, hạn mặn, cháy rừng, anh lại cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy trăn trở bàn phương cách để cứu giúp nhân dân.

Thủy điện Rào Trăng sạt lở và anh lại ra tuyến đầu, nhưng lần này anh không về nữa. Tuy nhiên, hình ảnh của anh, người chiến sĩ trung kiên, dạn dày sương gió với nụ cười luôn nở trên môi sẽ không bao giờ mất đi trong lòng những người đã có cơ hội gặp anh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem