“Đại thụ” giữa đại ngàn

Thứ năm, ngày 31/03/2011 05:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cũng như nhà rông, già làng là biểu tượng không thể thiếu của buôn làng Tây Nguyên. Già làng tuổi càng cao càng được cộng đồng tôn sùng, đó là lòng kiêu hãnh của buôn làng trước vị thần thời gian linh thiêng và huyền bí.
Bình luận 0

Đã thành tập tục ngàn đời ở Tây Nguyên, khi buôn làng có việc dù lớn, dù nhỏ, người đầu tiên bà con nghĩ đến là già làng. Già làng là người có uy tín lớn, có thể đại diện cho dân làng trò chuyện với Giàng, với thần linh; có thể giải mã các giấc mơ, dự đoán các hiện tượng, luôn hướng về quyền lợi của cộng đồng...

img
Già làng Đinh Jứt (buôn Stơr, xã Tơ Tung, huyện K'bang, Gia Lai).

Quyền uy của những bậc "đại thụ" này tự nhiên đến từ lòng ngưỡng mộ, tôn kính, sùng bái của cộng đồng. Chẳng thế mà ở nhiều buôn, có những bậc già làng không chỉ là kho báu về kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm ứng xử, mà còn là "biểu tượng khổng lồ" kết tinh trong mình tất cả phẩm chất cao quý nhất của những người đàn ông tài hoa trong bộ tộc.

Ngày trước, các dân tộc ở Tây Nguyên sống theo cộng đồng khép kín, mọi nguyên tắc ứng xử giữa các thành viên đều phải tuân theo luật tục. Khi ấy, già làng đóng vai trò chủ trì giữ vững tôn ti trật tự, duy trì tính thống nhất, bền vững của chỉnh thể kết cấu buôn làng.

Già làng là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng. Buôn làng nào có nhiều người già, buôn làng đó ắt giàu sang hơn, hùng mạnh hơn. Có một số chức danh trong buôn có thể thiếu, nhưng riêng vị trí già làng không thể thiếu được dù chỉ một ngày.

"Buôn làng cũng như một dàn chiêng có chiêng cái, chiêng con, chiêng núm, chiêng bằng... mỗi cái một điệu, một nhịp nhưng tất cả đều phải nghe theo sự cầm chịch của chiếc chiêng cái. Già làng như chiếc chiêng cái, một khi đã lên tiếng thì không ai được cự cãi..." - già AThul ở xã Ia Trok, huyện La Pa, Gia Lai tự hào cho biết.

Ở Tây Nguyên bây giờ, một số buôn còn thành lập Hội đồng già làng, gồm những bậc cao niên có uy tín để cố vấn cho Trưởng buôn nhiều vấn đề, trong đó có việc soạn thảo các quy ước vừa hợp với quy định của Nhà nước vừa thuận theo luật tục truyền thống của cộng đồng.

Cũng như nhà rông, già làng là biểu tượng không thể thiếu của buôn làng. Không có già làng, thì không có được cái hồn của lễ hội. Già làng là trung tâm đoàn kết, là kho báu kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm ứng xử, là pho tư liệu luật tục nghìn đời truyền lại, là cuốn từ điển sống, giúp cho con cháu biết điều hay lẽ phải, biết cái đúng, cái sai để ứng xử trong các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên.

Già làng từ thời cổ xưa đã có nhiều quyền uy, cái quyền uy không mang chút dấu ấn nào của bạo lực, của cường quyền. Già làng tuổi càng cao càng được cộng đồng tôn sùng, đó là lòng kiêu hãnh của buôn làng trước vị thần thời gian linh thiêng và huyền bí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem