Đắk Lắk: Cán bộ địa chính gom đất, nhờ dân nghèo đứng tên nhận đền bù

Duy Hậu Thứ tư, ngày 06/06/2018 07:37 AM (GMT+7)
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án để điều tra dấu hiệu sai phạm trong việc lập hồ sơ hỗ trợ, bồi thường khu tái định canh định cư tại dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng.
Bình luận 0

Ngày 5.6,  Đại tá Nguyễn Trọng Hà - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra năm 2016- 2017 tại Hợp phần bồi thường điểm tái định cư, tái định canh hồ Krông Pắk thượng (địa bàn xã Cư Ea Lang, huyện Ea Kar, Đắk Lắk).

img

Khu đất thu hồi để xây dựng điểm tái định canh, định cư cho người dân trong vùng dự án hồ Krông Pắk Thượng.

Trước đó, người dân đã có đơn tố giác Ban đền bù dự án tái định canh, tái định cư dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng có sai phạm trong việc lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ cho dân. Đơn cho biết, có 11 hộ dân nhận tiền bồi thường không đúng, có dấu hiệu chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhà nước.

Từ đơn thư tố giác, cơ quan điều tra đã vào cuộc điều tra và nhận thấy có 4 hộ dân đã được nhận các chế độ bồi thường, hỗ trợ không đúng đối tượng, không có căn cứ.

Theo tìm hiểu của PV, Dự án hồ Krông Pắk Thượng gồm công trình hồ Krông Pắk Thượng (huyện Krông Pắk) và công trình hồ Ea Rớt (huyện Ea Kar- phục vụ cho khu tái định cư, định canh) với tổng kinh phí gần 3.000 tỉ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án được phê duyệt với quy mô 2.294ha, có 663 hộ dân phải di dời nhường đất cho công trình.

Ông Y Thoai Byă (buôn Ea Rớt, xã Cư Elang) thừa nhận với chúng tôi, gia đình ông đã được ông H.T.N (một cán bộ địa chính xã Cư Elang) nhờ đứng tên để nhận giúp hơn 1,1 tỷ đồng tiền bồi thường. "Anh N tự làm hồ sơ, thủ tục rồi đưa cho tôi ký. Khi vợ chồng tôi nhận tiền, anh N đã cho lại chúng tôi 300 triệu đồng" - ông Y Thoai nói.

Bà H’Nĩ Niê (buôn Ea Rớt) thì cho biết, năm 2015, ông H.T.N đã đến mua 1 ha đất của bà (mảnh đất đã được quy hoạch làm khu tái định cư số 1 của dự án hồ Krông Pắk Thượng) với số tiền 40 triệu đồng. Sau đó, ông N đã đến đến nhờ gia đình bà đứng tên để nhận giúp 1,2 tỷ đồng tiền bồi thường mảnh đất trên. Sau khi nhận tiền, bà cũng được ông N cho 185 triệu đồng.

Ngoài ông N, một số người dân cũng phản ánh 2 cán bộ địa chính khác của xã Cư Elang là ông L.T.N và ông L.S (đều là cán bộ tạm tuyển của huyện) cũng có hành vi tương tự ông H.T.N.

img

Nhiều người dân cho biết họ đã đứng ra nhận tiền bồi thường thay cho cán bộ địa chính xã.

Trong khi đó, ông Y Thiên Ktla (buôn Vân Kiều, xã Cư Elang) xác nhận: “Ông L.T.N biết tôi là hộ nghèo nên đã nhờ đứng tên một lô đất trong khu quy hoạch tái định cư. Sau đó, ông ấy tự làm thủ tục, giấy tờ rồi đưa cho tôi ký tên vào. Sau đó tôi đã nhận thay cho ông L.T.N 1,159 tỷ đồng tiền bồi thường lô đất trên. Ông L.T.N đã cho gia đình tôi tổng cộng 36 triệu đồng".

Ông Đỗ Văn Hưu - Chủ tịch UBND xã Cư Ea lang- cho biết, sau khi nhận phản ánh của người dân, lãnh đạo xã đã mời 3 cán bộ địa chính nói trên làm việc. "Các cán bộ này công nhận mua đất của đồng bào vào thời điểm dự án đã được công bố quy hoạch và các thửa này cũng nằm trong vị trí được đền bù. Chúng tôi đã cung cấp những thông tin này cho cơ quan điều tra" - ông Hưu nói.

Cũng theo ông Hưu, việc nhờ người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo đứng ra nhận tiền hỗ trợ bồi thường sẽ gây thất thoát rất nhiều tiền ngân sách. Bởi đối với các hộ dân này, ngoài việc bồi thường đất thì còn nhiều chính sách hỗ trợ khác nhằm ổn định đời sống nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem