Đắk Lắk: Trưởng Công an huyện bị tạt nước bẩn vào người

Duy Hậu Thứ năm, ngày 14/06/2018 17:34 PM (GMT+7)
Trong quá trình vận động để dẫn giải đối tượng về trụ sở làm việc, Trưởng Công an huyện Cư M'Gar (Đắk Lắk) đã bị vợ của đối tượng này hắt xô nước thải vào người.
Bình luận 0

Ngày 14.6, thượng tá Nguyễn Văn Hà, Phó trưởng Công an huyện Cư M'Gar xác nhận có việc Trưởng Công an huyện này bị đối tượng quá khích tạt chất thải bẩn vào người. Ngoài vị lãnh đạo này, nhiều cán bộ của Công an huyện Cư M'Gar cũng bị tạt chất thải bẩn.

img

Trưởng Công an huyện Cư M'Gar cùng nhiều cán bộ đi cùng đã bị vợ ông Lương hắt chất bẩn vào người. Ảnh: IT.

Theo thượng tá Hà, sự việc xảy ra vào ngày 12.6, khi Đội Công an Kinh tế, Công an huyện Cư M'Gar thực hiện lệnh dẫn giải ông Phan Xuân Lương (thôn 1, xã Ea Kiết, huyện Cư M'Gar) về trụ sở để làm việc.

Trước đó, từ đầu năm 2018 đến nay, mặc dù cơ quan điều tra đã nhiều lần gửi giấy triệu tập nhưng ông Lương luôn tìm cách né tránh.

"Thời gian gần đây, Công an huyện đã 4 lần gửi giấy triệu tập nhưng ông Lương vẫn không chịu hợp tác nên buộc chúng tôi phải thực hiện lệnh dẫn giải. Tuy nhiên lúc này hàng chục người dân (chủ yếu là phụ nữ) đã tụ tập trước nhà ông Lương để ngăn cản lực lượng chức năng thi hành công vụ, nhiều người trong số này có biểu hiện chống người thi hành công vụ"- thượng tá Hà nói.

Khi sự việc căng thẳng, tổ công tác của Đội Công an Kinh tế đã báo cáo với lãnh đạo. Ngay sau đó, trực tiếp Trưởng Công an huyện Cư M'Gar đã vào hiện trường để vận động, giải thích cho người dân hiểu. Song một số đối tượng quá khích vẫn xô đẩy lực lượng công an ra ngoài để ông Lương đóng cửa "cố thủ" trong nhà. Trong lúc đang giải thích vận động người dân thì Trưởng Công an huyện cùng một số cán bộ đi cùng đã bị vợ ông Lương là Võ Thị Lĩnh dùng một xô chất bẩn hắt thẳng vào người.

img

Nhiều người dân tụ tập tại nhà ông Lương để ngăn cản lực lượng công an thi hành công vụ. Ảnh: IT.

Trước đó, ông Lương bị hai người dân tố cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra xác định, trước đây, ông Lương đã thâm canh 3,5ha rừng. Năm 2008, diện tích rừng này được tỉnh giao về cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (Công ty Buôn Ja Wầm) trồng lại rừng. Năm 2013, khi Công ty Buôn Ja Wầm rà soát thì phát hiện ông Lương đang canh tác trên đất này. Do đó, phía Công ty Buôn Ja Wầm đã yêu cầu ông Lương làm đơn mượn đất để trồng hoa màu theo thời vụ.  

img

Lãnh đạo công an huyện trực tiếp vận động, giải thích nhưng người dân vẫn không để lực lượng chức năng thi hành công vụ (ảnh chụp từ video live stream trên trang Facebook của ông Lương).

Năm 2013, sau khi làm đơn mượn đất, ông Lương đã cho ông Đặng Chòi Chán và ông Triệu Vần Phúc (đều ở xã Ea M'Droh, huyện Cư M'Gar) thuê lại. Tuy nhiên, trong năm 2017, khi ông Chán và ông Phúc vào diện tích trên phát dọn thì bị lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Buôn Ja Wầm ngăn cản. Biết mình bị lừa, ông Chán và ông Phúc đã làm đơn kiện ông Lương, đòi lại 20 triệu đồng tiền thuê đất.

Theo Công an huyện Cư M'Gar, mặc dù sau khi bị kiện, ông Lương đã trả lại tiền, người khiếu kiện cũng xin rút đơn song theo luật thì hành vi của ông Lương có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên buộc phải xử lý hình sự. Do đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án đồng thời mời ông Lương lên làm việc nhưng ông Lương không hợp tác.

img

Hàng chục người dân (chủ yếu là phụ nữ) ngăn cản công an thực thi nhiệm vụ (ảnh chụp từ video live stream trên trang Facebook của ông Lương).

Nói về sự việc hôm 12.6, thượng tá Hà cho biết, có khoảng 30 người "tích cực" chống đối lực lượng chức năng. Trong đó, có một người tên Nguyễn Đình Huy có biểu hiện quá khích, chống người thi hành công vụ. Khi lực lượng công an khống để xử lý thì đối tượng Huy nhảy qua hàng rào tự ngã. Người dân đã cho rằng, công an đánh dân mặc dù không phải vậy. Ngoài ra, một phụ nữ đã tự nằm ra rồi kêu bị công an đánh. Tuy nhiên khi lực lượng công an đề nghị đưa đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe thì người này không đồng ý.

Thượng tá Hà cho biết, do vụ vệc phức tạp, nên hiện Công an huyện Cư M'Gar vẫn chưa thể dẫn giải ông Lương về trụ sở làm việc. Công an huyện vẫn đang tiếp tục theo dõi để có biện pháp xử lý tiếp theo. 

Cũng theo thượng tá Hà, trong niên vụ 2015-2016, do ảnh hưởng của hạn hán nên sản lượng cà phê của người dân nhận khoán với Công ty Buôn Ja Wầm bị sụt giảm (theo đánh giá của ngành nông nghiệp là 20%). Trước thực tế này, phía Công ty Buôn Ja Wầm đã quyết định giảm 15% sản lượng cà phê phải nộp theo hợp đồng giao khoán cho người dân.

img

Do sự việc phức tạp, lực lượng công an đành phải bỏ về (ảnh chụp từ video live stream trên trang Facebook của ông Lương).

Tuy nhiên, ông Lương đã không đồng ý, viết đơn yêu cầu Công ty Buôn Ja Wầm phải giảm từ 80-100% sản lượng cà phê đóng khoán. Không chỉ thế, ông Lương còn vận động nhiều người dân không thực hiện việc đóng khoán sản lượng theo quy định. Ngoài ra, lấy lý do là đất người dân khai hoang, ông Lương đã đề nghị tỉnh thu hồi đất giao về cho địa phương quản lý để giao cho dân.

Trước đó, ông Lương đã nợ Công ty Buôn Ja Wầm khoảng hơn 9 tấn cà phê tươi do không đóng khoán và 45 triệu đồng tiền vay để chăm sóc cà phê. Theo thượng tá Hà, lợi dụng tình hình niên vụ cà phê 2015-2016, ông Lương đã kích động dân nhận khoán với Công ty Buôn Ja Wầm đòi quyền lợi nhằm "xù" các khoản nợ của mình. Trong niên vụ tiếp theo, đối tượng này lại tiếp tục vận động người nhận khoán không đóng sản lượng cho Công ty Buôn Ja Wầm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem