Con số này cũng được ông Nguyễn Đức Luyện - Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh vừa qua. Theo ông Luyện, con số trước đó các chủ rừng báo cáo không thật. Rừng bị mất thực sự lớn hơn nhiều.
Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, Đăk Nông có 361 vụ phá rừng trái phép với 244ha rừng bị mất. Con số này được xác định ở một số điểm cụ thể như: Công ty TNHH một thành viên Quảng Tín bị phá hơn 50ha rừng, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú: 24ha, Công ty Vĩnh An: 16ha, Nông lâm trường cao su Tuy Đức: 18ha, Công ty Lâm nghiệp Đăk Song: 10ha…
|
Hàng chục ha rừng tại TK 1841, huyện Tuy Đức bị tàn phá nhưng không ai bị xử lý. |
Thế nhưng theo ông Luyện, hiện các ngành chức năng đang tiến hành kiểm tra làm rõ diện tích rừng bị phá ước tính khoảng 300ha tại các công ty như Công ty TNHH một thành viên Quảng Tín 80ha, Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc 70ha, Công ty TNHH Hoàng Thiên 40ha, Công ty TNHH Luân Thịnh 60ha… Ông Luyện khẳng định: "Trên thực tế, diện tích rừng bị thiệt hại luôn khác xa với con số báo cáo của chủ rừng. Nhiều chủ rừng vẫn cố ém thông tin về thực trạng quản lý bảo vệ rừng ở đơn vị mình".
Theo quy định, nếu các "chủ rừng" để mất rừng, ngoài việc bị xử phạt hành chính, trường hợp nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự. Nhưng thực tế ở Đăk Nông quy định này vẫn chỉ ở trên… giấy. Tình trạng các chủ rừng không giữ nổi rừng, diện tích rừng bị mất không hề nhỏ đã quá rõ. Nhưng đến nay, các đơn vị này chưa hề bị xử lý nghiêm minh.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông, nhiều trường hợp phá rừng nghiêm trọng, nhưng tỷ lệ đưa ra xét xử công khai vẫn còn thấp.
Ở các đơn vị chủ rừng là doanh nghiệp nhà nước, việc xử lý chỉ dừng lại ở mức bị cảnh cáo; còn các công ty tư nhân, nghiêm trọng lắm cũng chỉ bị rút giấy phép kinh doanh, thu hồi diện tích đất rừng đã giao.
Một cán bộ kiểm lâm còn cho biết, việc buộc chủ rừng chịu trách nhiệm khôi phục lại hiện trạng ban đầu, ở Đăk Nông vẫn chưa có tiền lệ. Trong khi đó, hầu hết diện tích rừng bị phá không có khả năng phục hồi...
Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông, nhiều trường hợp vi phạm Luật Quản lý Bảo vệ rừng ở mức độ nghiêm trọng, nhưng tỷ lệ đưa ra xét xử công khai vẫn còn thấp dẫn đến chưa đủ sức răn đe các đối tượng phá rừng. Vụ việc điển hình trong năm nay ở Đăk Nông là hơn 50 lâm tặc bao vây, trấn áp lực lượng bảo vệ rừng ở Công ty TNHH một thành viên Trường Xuân. Vụ việc sau đó càng khiến dư luận quan tâm khi chính cán bộ quản lý bảo vệ rừng bị bắt. Sau 3 tháng, vụ việc này vẫn rơi vào im lặng (?).
Duy Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.