Luật "thủng"
|
Quy định mới nhằm đảm bảo đầy đủ quyền làm cha mẹ cho người dân. (Ảnh minh họa). |
Chị Nguyễn Thị Trà (Mỹ Đức, Hà Nội) lập gia đình lần đầu tiên. Chồng chị là người đã ly hôn và có 2 con riêng. Sau một năm, chị sinh con trai đầu. Cán bộ dân số xã đã đến tuyên truyền chị chỉ nên đẻ một con thì mới phù hợp với chính sách dân số mới. Chị rất băn khoăn vì muốn sinh thêm một đứa con nữa cho chúng có anh, có em.
Trong khi đó, chị Lại Bích Thủy ở thôn bên cũng tái hôn với chồng cũ sau khi đã ly hôn. Anh chị từng có 2 con chung nhưng vì tái hôn nên chị Thủy cũng được sinh thêm con thứ 3.
Trường hợp của chị Thủy và chị Trà nằm ở trường hợp thứ 7 của Nghị định 20/2010 (quy định 7 trường hợp được phép sinh con thứ 3): Cặp vợ chồng mà một hoặc cả hai người đã có con riêng (con đẻ), chỉ sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Trường hợp của chị Trà chưa sinh đủ mức sinh thay thế (một phụ nữ có hai con), còn chị Thủy lại "điềm nhiên" sinh con thứ 3 mà không bị khiển trách. Nếu nghị định quy định như vậy sẽ không đảm bảo quyền lợi làm mẹ cho người phụ nữ, không đảm bảo mức sinh thay thế, đồng thời tạo kẽ hở cho những người muốn sinh con thứ 3 "lách luật" (ly hôn rồi tái hôn để được sinh con thứ 3).
Tránh hiểu lầm về đường lối dân số
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới và nâng cao chất lượng dân số, chất lượng sống là mục tiêu cơ bản để hạn chế việc sinh con thứ 3 và giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính sau sinh.
Ông Nguyễn Quốc Trọng
Nghị định 18/2011/NĐ-CP ra đời quy định sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định 20/2010: Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ), sinh 1 hoặc 2 con, nếu 1 trong 2 người đã có con riêng (con đẻ), trường hợp cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ) sinh 1 hoặc 2 con trở lên trong cùng 1 lần sinh, nếu cả 2 người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp 2 người đã từng có 2 con chung trở lên và các con hiện đang còn sống. Các trường hợp nêu trên thuộc vào trường hợp không vi phạm quy định sinh 1 hoặc 2 con. Nghị định 18/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 12.5.2011.
Ông Nguyễn Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết: Nghị định 18 có 3 điều căn bản. Một là bảo đảm quyền lợi cho người vợ (người chồng) kết hôn với người đã có con riêng vẫn có thể sinh 2 con để đảm bảo quyền lợi làm cha, mẹ và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hai là quy định rõ để những trường hợp tái hôn với vợ cũ và đã từng có hai con chung thì không được sinh thêm con thứ 3. Và ba là nếu cả hai vợ chồng cùng có con riêng thì chỉ sinh thêm một lần nữa.
Tuy nhiên, Nghị định 18 cũng chưa thể kiểm soát đến các trường hợp nếu người đàn ông (phụ nữ) tái hôn 2 lần trở lên và mỗi lần đều kết hôn với người chưa từng có con riêng. Trong trường hợp này, một người đàn ông có thể có 4 hoặc 6 con và tương tự, người phụ nữ cũng có thể sinh từ 4-6 con hoặc nhiều hơn nữa. Nếu người đàn ông muốn sinh con trai và liên tục kết hôn với nhiều phụ nữ chưa lập gia đình để sinh con trai thì có thể sẽ làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Trọng cho biết: "Cho dù anh (chị) đã có đến 10 đứa con riêng thì khi kết hôn với người chưa từng có con, vẫn có quyền sinh 2 con". Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào về tỷ lệ tái hôn hoặc kết hôn của những người đã có con riêng.
Nhưng ông Trọng lạc quan cho rằng, hiện tại Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế (mỗi phụ nữ có 2 con) nên sẽ không lo về việc tăng dân số. Còn việc hạn chế sinh con thứ 3, hạn chế lựa chọn giới tính thai nhi thì đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục chứ cũng chưa có chế tài xử lý mạnh.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.