Đám cưới có một không hai này xảy ra ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Mặc dù đã ở cái “tuổi xưa nay hiếm” nhưng ông Học vẫn khiến nhiều người bất ngờ khi “tán đổ” cô gái hàng xóm ít hơn mình những 40 tuổi.
Rất nhiều người đã từng cười chê, thậm chí châm chọc trước quyết định tiến tới hôn nhân của cặp đôi “đũa lệch” này. Nhưng thời gian trôi qua, cả hai đã chứng minh cho mọi người thấy họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau. Cho đến nay, người vợ trẻ này vẫn khẳng định, chưa một lần cảm thấy hối hận vì quyết định của mình.
“Hay là bác… lấy em”
Thời gian trôi đi, đến nay hai con của ông Học cũng đã được gần 2 tuổi. Nhưng từ bé cho đến giờ, những đứa con của ông vẫn chưa một lần được mặc một bộ quần áo mới. Bởi tiền chế độ của ông chỉ đủ lo cho gia đình 4 người có đủ những bữa ăn đạm bạc.
Ông Học chia sẻ về câu chuyện tình yêu
Vợ ông bảo: “Ai cho gì thì các cháu mặc nấy. Cũng tội cho mấy đứa nhỏ nhưng hoàn cảnh gia đình như vậy, lo ăn đã khó rồi chứ nói gì đến mặc. Tôi sức khỏe thì cũng yếu chẳng làm được việc gì ngoài ở nhà lo cơm nước và trông hai con. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn lấy người đàn ông hơn mình 40 tuổi này”.
Ông Ngô Thanh Học (SN 1940, ngụ thôn Ngô Khê, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) sinh ra trong một gia đình có hai anh em. Năm 20 tuổi, ông lên đường nhập ngũ. Trong suốt những năm tháng tham gia chiến đấu tại những chiến trường khốc liệt, ông Học phải đối mặt với không biết bao nhiêu khó khăn, nguy hiểm. Ở quê nhà, người mẹ già ngày ngày mong ngóng tin con đã khóc ròng khi tận tay nhận được giấy báo tử của ông. Bà đã thực sự hết hi vọng về sự sống của đứa con xấu số khi đến lần thứ 2 tận tay nhận giấy báo tử của con trai.
Thế nhưng đến năm 1980, sau 20 năm chiến đấu và lưu lạc, ông Học trở về quê nhà trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Lẽ ra, ông có thể được hưởng cuộc sống yên bình và hạnh phúc nơi làng quê nhỏ bé nhưng những di chứng của cuộc chiến tàn khốc đã khiến ông giống như người mất trí. Ông lúc nhớ lúc quên rồi đi lang thang hết nơi này đến nơi khác.
Mãi đến năm 1990, ông Học mới dần phục hồi trí nhớ và trở về mái nhà xưa của mẹ già để lại cho để sống nốt phần đời còn lại. Hàng ngày, cuộc sống của người đàn ông ngoài 70 tuổi chỉ quanh quẩn với việc nhặt ve chai để kiếm kế sinh nhai. Những lúc rảnh rỗi ông lại đọc kinh, niệm Phật để lòng được thanh thản. Sống một mình đơn độc trong căn nhà nhỏ rách nát, ông Học vẫn thầm ao ước về một mái ấm gia đình, dẫu biết rằng ước vọng đó quá xa xôi.
Tuy nhiên hơn 3 năm về trước, hạnh phúc bất ngờ đã đến với người đàn ông tuổi ngoài thất thập này. Chia sẻ về điều này, ông Học cho biết: “Đó đúng là một may mắn với tôi vì sau bao nhiêu năm sống côi cút một mình, tôi đã gặp đúng người cần gặp và trao yêu thương đúng người cần trao”.
Nhắc đến người vợ của mình (chị Nguyễn Thị Bích, SN 1983), đôi mắt ông lại ánh lên niềm hạnh phúc: “Đó là một người con gái hiền lành, nết na. Chúng tôi vốn là người cùng thôn nhưng trước đó chưa bao giờ biết nhau. Ngày tôi đi lính thì cô ấy còn chưa chào đời. Đến khi tôi về thì cô ấy lại đi làm xa nên mặc dù là hàng xóm nhưng chưa hề gặp mặt nhau”.
Cả hai mới chỉ bắt đầu nảy sinh tình cảm kể từ khi chị Bích nghỉ hẳn việc trên tỉnh để về chăm mẹ ốm. Thời gian đầu, vì thương người đàn ông sống một mình, lại hay ốm đau những khi trái gió trở trời nên chị Bích thường xuyên qua lại thăm hỏi, giúp đỡ ông Học. “Khi đó cô ấy vẫn gọi tôi là “bác”, xưng “cháu”. Nhà có bát canh, con cá cũng đều mang sang cho tôi. Chúng tôi bắt đầu cũng chỉ bằng vài câu chuyện bâng quơ”. Khi được hỏi: “Tại sao chị lại quyết định kết hôn cùng người đàn ông hơn mình đến 40 tuổi”, chị Bích bẽn lẽn trả lời: “Âu cũng là cái duyên cái số, đã là tình cảm thì không thể giải thích được”.
Chị chia sẻ: “Thú thực tôi bắt đầu để ý đến ông ấy là từ sau hôm ông nhà tôi bắt đầu trổ tài xem tướng số. Thế rồi khi xem đến đường tình duyên, ông ấy bảo rằng tôi sắp gặp người gắn bó với mình cả đời. Khi đó, tôi chợt nghĩ tìm ở đâu xa, chi bằng tìm người ngay bên cạnh. Hóa ra, tôi đã thích ông ấy ngay từ lần đầu gặp nhau rồi”.
Kể từ hôm đó, ngày nào chị Bích cũng sang bầu bạn với ông. Qua những câu chuyện về cuộc sống, họ dần trở nên thân thiết và hiểu nhau hơn. Rồi một hôm, chị mạnh dạn đề nghị: “Hay là bác lấy em”. Câu nói tưởng chừng như đùa nhưng đã gắn kết hai con người xa lạ lại với nhau.
Đám cưới “có một không hai”
Khi biết hai người sẽ tổ chức đám cưới, người dân trong làng không khỏi bàn tán xôn xao trước sự chênh lệch quá lớn về tuổi tác của cặp đôi này (cô dâu lúc đó mới 29 còn chú rể thì đã 72 tuổi). Nhiều người độc miệng còn cho rằng, hai người đáng tuổi bác, cháu lẽ ra không nên lấy nhau, điều này là trái với luân thường đạo lý…
Căn nhà xập xệ của gia đình ông Học
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là hai bên gia đình không ai đồng ý cho cuộc hôn nhân này diễn ra. Vậy nhưng, bằng tình cảm yêu thương chân thành, hai người vẫn quyết tâm đến với nhau. Ông Học cho hay: “Ban đầu tôi cũng có ý định từ bỏ bởi nếu lấy tôi, cô ấy sẽ phải chịu bao điều tiếng của thiên hạ. Vậy nhưng khi ấy, vợ tôi đã quyết tâm bỏ qua tất cả để theo tôi”. Vậy là đám cưới của họ vẫn được diễn ra, thu hút sự hiếu kỳ của rất nhiều người dân địa phương.
Ông Học kể lại rằng: “Hôm vợ chồng tôi lên xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, người làm thủ tục nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi ngờ. Và khi biết được chuyện chúng tôi kết hôn là thật thì tất cả mọi người đều rất ngạc nhiên, còn trêu chọc chúng tôi nữa. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể tin được mình có thể lấy được vợ. Một người vừa nghèo, lại vừa già như tôi lấy được cô vợ trẻ quả đúng là điều hiếm có”.
Hai con người, họ bắt đầu bằng tình làng, nghĩa xóm, tình cảm giữa con người với nhau và kết thúc bằng một mái ấm gia đình hạnh phúc. Mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn và còn nhiều thiếu thốn song gia đình ông Học vẫn luôn sống hạnh phúc bởi với họ không chỉ có tình yêu, tình thương mà còn có sự cảm thông. Hạnh phúc của đôi vợ chồng “đũa lệch” này càng viên mãn hơn khi chị Bích sinh hạ được cho ông hai đứa con (1 trai, 1 gái). Ông Học đặt tên cho 2 con của mình là Ngô Thanh Tiên và Ngô Thanh Thu.
Mặc dù sự ra đời của hai đứa con xinh xắn là niềm mong ước, khao khát của cả hai vợ chồng ông Học, tuy nhiên nó cũng khiến cuộc sống càng khó khăn gấp bội. Chính trong lúc này, tình cảm vợ chồng giữa hai người lại càng gắn bó hơn. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, chị Bích không kìm được nước mắt.
Chị tâm sự: “Tôi sinh hai con khi thai mới chưa đầy 8 tháng. Ông nhà tôi đưa vợ lên bệnh viện mà luống cuống không biết làm gì. Tội thân ông cứ một mình lo liệu tất cả mà không có sự giúp đỡ của ai. Một mình vừa phải chăm vợ, vừa tìm đường ra chợ nhặt nhạnh ve chai đem bán lấy tiền thêm thắt lo cho vợ con. May mà biết hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng tôi, hàng xóm, anh em người yến gạo, người một trăm giúp đỡ”.
Chuyện ông Học sinh được 2 đứa trẻ kháu khỉnh, bụ bẫm cũng đã từng là đề tài bàn tán của không ít người nơi đây. Chia sẻ về điều này, ông Học vui vẻ cho biết: “Thú thực, ban đầu khi nghe tin vợ tôi có bầu, người ta cũng bắt đầu dị nghị. Họ cho rằng một người đã hơn 70 như tôi thì làm sao có khả năng có con được. Rồi lời ong tiếng ve, bóng gió nói rằng có lẽ đó không phải con tôi. Thế nhưng tôi lại chưa bao giờ nghi ngờ về điều đó. Tôi biết chắc chắn về sức khỏe của mình.
"Hơn nữa, như một điềm báo, vào khoảng thời gian vợ tôi mang bầu, những cây trái trong vườn mà tôi trồng đều chỉ ra đúng 2 trái. Cây ớt ra độc 2 trái, cây cà, cây bưởi và cây cam cũng vậy. Rồi đến khi 2 đứa nhỏ ra đời, bụ bẫm đáng yêu, càng lớn càng giống tôi như đúc thì bà con hàng xóm không ai còn nghi ngờ cũng như dị nghị gì về cuộc sống của vợ chồng tôi nữa”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.