Dân bản vùng cao thay đổi cuộc sống nhờ có điểm trường và con đường mới

Lan Anh Thứ hai, ngày 03/10/2022 10:20 AM (GMT+7)
Sau 2 năm Bản Chang được đoàn từ thiện Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt phối hợp cùng các nhà hảo tâm xây tặng lớp học mới khang trang, cô trò không còn phải đi học nhờ. Người dân thôn Bản Chang hạnh phúc vì được đổi đời nhờ có con đường bê tông mới để phát triển kinh tế.
Bình luận 0

Học sinh không còn phải đi học nhờ

Trước đó, ngày 29/1/2021, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt, Đoàn Thanh niên Ngân hàng Bắc Á và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cùng phối hợp tổ chức lễ khởi công xây dựng điểm trường Mầm non Bản Chang, xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Cô trò điểm Trường Mầm non Bản Chang

Cô Nguyễn Thị Tuất – Giáo viên điểm trường Mầm non Bản Chang chia sẻ: "Tôi vẫn nhớ ngày lớp học được khởi công, các thầy cô rất vui mừng và hạnh phúc khi các con sắp có được lớp học khang trang sạch sẽ. Đặc biệt, các con không còn phải đi học nhờ mỗi khi trời mưa gió".

Cô Tuất là người chứng kiến sự thay đổi của điểm trường Mầm non Bản Chang từ những ngày các con vẫn phải học trong lớp học sập xệ bằng gỗ đến ngày lớp học được xây khang trang, sạch sẽ. Cô Tuất cùng các thầy cô trong trường vô cùng xúc động, biết ơn đoàn từ thiện đã cho các em có môi trường học tập tốt nhất.

Dân bản vùng cao thay đổi cuộc sống nhờ có điểm trường và con đường mới - Ảnh 2.

Cô trò nhà trường cùng học tập vui vẻ trong lớp học mới. Ảnh: NVCC

Dân bản vùng cao thay đổi cuộc sống nhờ có điểm trường và con đường mới - Ảnh 3.

Trường học mới, các em thoả thích vui chơi trong giờ giải lao. Ảnh: NVCC

Ngày 16/12/2021, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Ngân hàng Bắc Á, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tổ chức lễ khánh thành và bàn giao điểm trường mới cho Trường Mầm non Quảng Ngần. Cô giáo Hoàng Thị Dung - Hiệu trưởng Trường mầm non Quảng Ngần phấn khởi khi tham gia lễ khánh thành điểm trường mới. Cô Dung cho biết: "Trước đó, các em học sinh mầm non phải học trong căn phòng xập xệ, vách được làm bằng gỗ.

Phòng học xuống cấp nghiêm trọng, vào mùa mưa, nước mưa hắt vào phía bên trong khiến các con phải chịu giá lạnh". Mỗi lần đứng lớp nhìn các con phải chịu rét, chịu ướt như vậy cô Dung cảm thấy rất xót xa.

Từ ngày đoàn từ thiện xây điểm trường cho các con, quá trình học tập, giảng dạy của thầy và trò nhà trường đã trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn. Ngoài ra, trong trường còn có khu vực nấu ăn sạch sẽ, bảo đảm cho các thầy cô giáo và học sinh. Qua đó, phụ huynh học sinh yên tâm gửi con đến trường để đi làm phát triển kinh tế.

Chị Lù Thị Vin (SN 1990) có con đang học lớp 5 tuổi của điểm trường Bản Chang chia sẻ trong vui mừng: "Điểm trường trước đây không đủ điều kiện để các con học và phải đi học nhờ tại điểm trường tiểu học. Sau đó, đoàn từ thiện xây trường mới, con tôi được học trong phòng học khang trang và sạch đẹp rồi. Tôi mừng và yên tâm hơn khi đưa con đến trường".

Người dân Bản Chang đổi đời nhờ con đường mới

Song song với việc thực hiện chương trình "Điểm trường mơ ước" cho thầy trò Trường Mầm non Bản Chang, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cũng kết hợp với tỉnh Hà Giang xây dựng con đường mới từ thôn Bản Chang đến trung tâm xã Quảng Ngần. Con đường giao thương vừa giúp học sinh đến trường thuận lợi hơn, đồng thời, người dân có thể phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo.

Bà Nguyễn Thị Nghiên – Chủ tịch UBND xã Quảng Ngần cho biết: "Xã Quảng Ngần là một xã đặc biệt khó khăn, với 535 hộ, với 2.622 nhân khẩu, dân tộc Dao chiếm hơn 95%. Trong đó riêng thôn bản Chang có 114 hộ, với 68 hộ nghèo.

Đặc biệt, sau khi được báo NTNN/Điện tử Dân Việt và tỉnh Hà Giang hỗ trợ xây 5,1km đường bê tông, giúp cho người dân Bản Chang có cuộc sống mới tốt hơn, ổn định hơn".

Trước đó, quãng đường từ điểm Trường Mầm non Bản Chang di chuyển đến xã Quảng Ngần vô cùng khó khăn: Đường đất lầy lội mỗi khi trời mưa; đường đi khó khăn, học sinh và người dân phải đi bộ vài km đường rừng núi mới có thể đến trung tâm xã.

Dân bản vùng cao thay đổi cuộc sống nhờ có điểm trường và con đường mới - Ảnh 4.

Điểm trường Bản Chang trước khi được thay "áo mới". (Chụp ngày 25/9/2020). Ảnh: Mai Linh

Dân bản vùng cao thay đổi cuộc sống nhờ có điểm trường và con đường mới - Ảnh 4.

Con đường bê tông mới nối liền từ điểm Trường Mầm non Bản Chan đến trung tâm xã Quảng Ngần. Ảnh: NV

Khi con đường bê tông được đưa vào sử dụng, bà Nghiên bày tỏ niềm vui mừng: "Người dân Bản Chang vô cùng phấn khởi và luôn cố gắng phát triển sau khi được hỗ trợ con đường bê tông mới. Vốn trong thôn bản Chang có đặc sản là chè cổ thụ sạch, được nhiều du khách ưa thích. Tuy nhiên, vì con đường giao thương trước đây đến xã không thuận tiện, việc buôn bán chè gặp nhiều trở ngại.

Sau này, có con đường mới, người dân thuận lợi vận chuyển chè ra trung tâm xã Quảng Ngần chế biến, nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng. Từ đó, cuộc sống người dân trong thôn Bản Chang có sự thay đổi rõ rệt.

Từ những hộ đói ăn, những ngày giáp hạt, nay có con đường đi lại thuận lợi, ngừoi dân thoát nghèo, đang từng bước khá lên nhờ Báo NTNN/Điện tử Dân Việt. Chính vì vậy, cán bộ và người dân Bản Chang vô cùng biết ơn Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã hỗ trợ, giúp đỡ người dân".

Ông Đặng Văn Dột – Trưởng thôn Bản Chang cho biết: "Trước đây khi chưa có con đường bê tông mới, người dân gặp nhiều trở ngại trong việc vận chuyển và bán chè vì đường đi quá khó khăn. Đường đến trung tâm xã người dân phải đi bộ và mất nhiều thời gian nên chè héo hết và không còn ngon, chât lượng chè giảm đi.

Thật may mắn, sau gần 2 năm con đường mới đưa vào sử dụng, việc buôn bán chè, vật nuôi thuận lợi hơn giúp người dân có thêm thu nhập, cuộc sống vơi bớt nhọc nhằn".

Là người trồng chè lâu năm, ông Lù Văn Chải (74 tuổi) thôn Bản Chang, xã Quảng Ngần vui mừng khoe: "Từ ngày có đường mới đi thích lắm các cô, các chú ơi! Chúng tôi chở chè, vật nuôi đến xã bán nhanh hơn, thuận tiện, được giá hơn. Cảm ơn các cô chú" - Sau lời chia sẻ là tiếng cười giòn tan của ông Chải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem