Đàn cò trong ký ức tuổi thơ quê

Bài, ảnh: Hiền Lê Thứ năm, ngày 31/12/2015 19:11 PM (GMT+7)
Tuổi thơ tôi đầy ắp những lời ca, điệu hò, tiếng ru à ơi của mẹ. Trong những làn điệu dân ca dung dị ấy, hình ảnh đàn cò trong ký ức tuổi thơ luôn hiện lên thật tinh khôi và đong đầy ý nghĩa về một làng quê thanh bình với những người lao động hiền lành, chịu thương chịu khó.
Bình luận 0

Trong lần đi công tác ở miền biển Duyên Hải, địa bàn tỉnh Trà Vinh, bất chợt tôi nhìn thấy một đàn cả trăm con cò đang lả lơi trên bãi cát. Một số con đang tìm thức ăn ở những chỗ trũng, số khác thì rỉa cánh, ra bộ thảnh thơi. Tự dưng tâm hồn tôi cảm thấy thư thái lạ thường, hình ảnh đàn cò trong ký ức tuổi thơ tôi lại hiện về qua những lời ru của mẹ bên chiếc võng kẽo kẹt những trưa hè.

Cũng như bao người phụ nữ ở quê tôi, mẹ tôi hát ru tài tình lắm, mẹ thường mang lời ru vào giấc ngủ tuổi thơ tôi. Hình ảnh đàn cò trong ký ức tuổi thơ đối với tôi vẫn còn nguyên vẹn trong tiềm thức không hề thay đổi trải qua bao miên trường thăm thẳm của thời gian. Đối với người dân sinh sống ở làng quê, con cò đã trở thành một hình ảnh đẹp không thể thay thế. Cò là một loài vật gắn bó với làng quê và có mặt trong những bài hát, điệu hò quen thuộc.

img

Đàn cò trắng gợi nhiều xúc cảm trong tiềm thức tuổi thơ tôi.

Ngay từ thuở trong nôi, mẹ tôi đã ngân nga câu hát để ru tôi: “Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa Phủ bay ra cánh đồng”. Những con cò ấy đã đến với tuổi thơ tôi một cách vô thức rồi tự dưng choáng chật trong miền ký ức tuổi thơ. Những cánh cò dang rộng xải mình trên những đồng lúa vàng thơm mát, đó là một hình ảnh rất đỗi thanh bình và thơ mộng của quê hương. Hình ảnh con cò như hóa thân của người nông dân vậy, đó là cuộc đời lao động khổ cực quần quật suốt ngày. Cũng có lúc nó trở thành hình ảnh của những đứa trẻ, cứ vui vẻ tung tăng không ưu tư, phiền muộn.

Nhớ lại những ngày xưa, quê tôi có cánh đồng lúa vàng tươi, bông lúa nặng trĩu chờ đợi mùa gặt. Những lúc ấy, các bác nông dân thường ra đồng để giữ cho đàn cò đừng kéo về ăn lúa. Như một cơ duyên, sau khi hoạch lúa, từng đàn cò lũ lượt kéo nhau về để ăn những hạt lúa còn sót lại. Lúc đó, chúng tôi chạy ùa ra đồng để chọc phá đàn cò, khi thấy có bóng người, cò tung cánh bay đi để lại nụ cười giòn giã, xôn xao của chúng tôi vang khắp cánh đồng làng.

img

Đàn cò ở bãi cát ven biển Duyên Hải (Trà Vinh).

Khi quê tôi chuyển đổi trồng cây ăn trái, đàn cò cũng vì vậy mà khan hiếm dần. Thế hệ của tôi thì biết đến đàn cò nhưng sau này đám trẻ ở quê dường như không thể nhìn thấy được đàn cò lả lơi trên những cánh đồng sau mùa gặt lúa.

Đối với người nông dân, hình ảnh con cò là biểu tượng cho cuộc sống khổ cực nhưng chân chất, hiền lành. Đó là hình ảnh con cò đi ăn đêm như người vợ tần tảo khổ cực để kiếm sống nuôi chồng: “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi trồng tiếng khóc nỉ non”.

Đang mông lung nhớ về miền ký ức trong tâm hồn thì có một tiếng động nhẹ, tức thì đàn cò trắng tung cánh bay đi để lại trong lòng người lữ khách niềm bâng khuâng, tiếc nuối. Bất giác con người ta muốn quay về với trạng thái cân bằng, yên ắng không có những ồn ào, tấp nập của cuộc sống hiện nay.

Hình ảnh đàn cò trong ký ức tuổi thơ như làm cho cuộc sống và không khí chốn làng quê vốn dĩ thanh bình lại càng thêm bình yên đến lạ. Cuộc sống lại cứ tiếp diễn xoay vần và hình ảnh con cò trắng lại ngủ yên trong tiềm thức, nhưng đó là những ký ức đẹp đẽ trong tâm hồn không thể bị lãng quên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem