Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa bỗng dưng nổi hứng đề bạt 8 ông bà phó Giám đốc, vượt quy định của Nhà nước 5 người! Tỉnh mà vượt quyền chính phủ là chuyện vừa khó coi vừa phạm luật đã đành. Nhưng cái tật mê có nhiều cấp phó của ông Giám đốc sở và cái gật bằng chữ ký quyết định của ông chủ tịch tỉnh càng làm mọi người sửng sốt. Vì sao có niềm say mê “phó” vậy?
Cái lý của tỉnh là Thanh Hóa đất rộng người đông, bằng ba tỉnh khác, Sở này chỉ có 8 Phó Giám đốc là vẫn còn ít. Làm như họ vừa phát hiện ra châu Mỹ! Khi ký Thông Tư 14 có hiệu lực từ 11 tháng 5 năm 2015, chẳng nhẽ Chính phủ không hề biết có tỉnh đất rộng người đông như Thanh Hóa nên chỉ cho phép mỗi Sở có 3 PGĐ mà thôi? Vả lại, bất kỳ ai cũng có thể đặt câu hỏi: có phải cứ “đất rộng người đông” thì cơ quan nào cũng phải có nhiều phó mới làm được việc?
Người chịu trách nhiệm với cấp trên, với pháp luật là Chủ tịch, Giám đốc, hay các cấp trưởng khác. Thực chất, phó chỉ là người giúp việc cho cấp trưởng. Và trong mọi trường hợp, kể cả khi được ủy quyền, cấp trưởng cũng phải là người chịu trách nhiệm chủ yếu nếu không nói là duy nhất.
Cấp trưởng có cần thiết nhiều cấp phó để giúp việc thế không? Tôi nghĩ, khi Thông tư 14 quyết định chỉ cho phép 3 ông phó là có lý do và đó là một quyết định sáng suốt. Con số đó có lẽ là quá đủ để giúp việc cho một người.
Không nói về trường hợp cụ thể này của Thanh Hóa, mà hãy phân tích theo hiểu biết thông thường của chúng ta. Nếu nhiều quá cấp phó thì có sẽ nhiều hệ lụy: ông trưởng dễ bị coi là ngồi không đúng chỗ vì ông quá kém khả năng tự mình cáng đáng trách nhiệm nên mới cần nhiều người giúp việc đến thế. Hai là, ông ấy lười biếng, muốn có nhiều phó để khỏi tự mình động não, để có cơ hội tận dụng trí não người khác hoặc thêm thời gian đi nhậu, đi đám và tiếp tục …nghỉ ngơi sau khi đã nghỉ ngơi quá đà (vì không làm gì nhiều khi cũng mệt lắm). Ba là, cần có nhiều ông phó để cấu thành “ban lãnh đạo” là cái lá chắn được gọi là “tập thể”.
Cái lá chắn này thường rất hữu hiệu đối với những ông sếp thiếu tự tin hoặc nhát gan. Quyết định gì cũng phải tập thể! Điều đó đúng ở một vài cơ quan đặc biệt nào đó, nhưng trong hệ thống hành pháp thì nên giao trách nhiệm cho một người! Chủ tịch tỉnh, giám đốc Sở, trưởng này trưởng nọ cũng đều chịu trách nhiệm trước thủ tướng.
Cứ cho rằng, tỉnh Thanh rộng, công việc nhiều, cần có nhiều người làm mới xuể. Nhưng đâu cứ những người đó phải là “phó giám đốc”? Ông trưởng có quyền sử dụng chuyên gia, chuyên viên cho từng công việc, từng vấn đề. Họ sẽ giúp ông đưa ra quyết định đúng đắn. Thời trước, khi chưa có công nghệ thông tin hữu hiệu, người ta cũng không dùng nhiều “phó” đến thế. Ngày nay, mỗi người một iphone, một laptop, ông trưởng có thể chỉ huy từ xa mọi vấn đề, kể cả khi ông ở nước ngoài.
Ông phó càng nhiều thì sự phức tạp trong bộ máy của cơ quan càng lớn. Các ông phó liếc xéo nhau, lườm nhau. Các ông phó so đọ lòng tin yêu và ơn mưa móc của ông trưởng yêu quý, người đã từng đề bạt mình. Các ông phó chiêu binh mãi mã ngấm ngầm để duy trì thế lực, ảnh hưởng. Chính cái cấp phó ấy lại đẻ ra các “ông phó tiềm lực” của mình, nhất là trong các cơ quan có nhiều thức ăn chín, có nhiều quyền lực và quyền lợi để chia. Bộ máy cơ quan càng nhiều chức, càng dễ quan liêu hóa. Và mỗi ngày các ông một xa dân vì mọi tinh lực và tình cảm dồn hết vào chăm sóc cái ghế của mình.
Cuối cùng, cái lý do “mê cấp phó” cũng có thể bắt nguồn từ những động cơ tiêu cực. Người Việt mình nổi tiếng vì cả nể. Cái chức vụ hay việc nước nhiều khi không quan trọng bằng cái tình anh em, ‘nó phù mình bao nhiều năm, chẳng nhẽ không cho nó được một cái chức?”.
Suy đi tính lại, một Sở của tỉnh mà đôn lên đến 8 ông Phó giám đốc là không thể chấp nhận về mọi khía cạnh. Luật pháp cũng như lý lẽ.
Vả lại, chúng ta cứ giả thiết trường hợp của tỉnh Thanh không đúng như những lời phiếm bàn về bênh “mê cấp phó” như trên. Nghĩa là ông Chủ tịch tỉnh sáng suốt, ông Giám đốc Sở không lười biếng, không ngồi nhầm lớp, nhầm chỗ, không vụ lợi, không bè cánh hay nể nang. Sở này mọi người đều trong sáng như pha lê, không có chuyện chạy chức, bán tước. Mọi việc đều rất “đúng quy trình”.
Nhưng một câu hỏi giản đơn: Thủ tướng đã kêu gọi giảm biên chế, tiền ngân sách tức tiền thuế của dân đâu có nhiều mà nuôi nổi một dàn lãnh đạo đông vui như thế?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.