Khó xác định giá trị bảo hiểm
Vĩnh Phúc là một tỉnh sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, hàng hoá thuộc diện khá ở đồng bằng sông Hồng. Cũng bởi vì thế, mặc dù khái niệm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) còn khá xa lạ, song theo ghi nhận của chúng tôi, người dân cũng như lãnh đạo ở Vĩnh Phúc đã rất muốn được "thử" chính sách này.
|
Thực tế, rất nhiều người chăn nuôi đang muốn được mua bảo hiểm nông nghiệp để ngừa rủi ro |
Ông Lê Xuân Ngọc- Phó Chánh Văn phòng Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Như dự thảo mà Bộ Tài chính đưa ra vừa rồi, thì đây là chính sách rất tốt. Tuy nhiên, để thực hiện được, theo tôi cần phải làm rõ nhiều vấn đề, từ cả phía công ty bảo hiểm, cũng như người nông dân tham gia mua bảo hiểm".
Ông Ngọc cho rằng: "Gia đình tôi cũng có trang trại nuôi gà và lợn, năm ngoái cũng bị lỗ tới 50 triệu đồng do dịch bệnh, nên tôi cũng hiểu được tầm quan trọng của BHNN. Song điều băn khoăn nhất hiện nay là, khi triển khai loại hình BHNN này, những hộ nông dân nghèo, chỉ chăn nuôi lẻ tẻ dăm, ba con gà, lợn sẽ tham gia thế nào?
Theo ông Ngọc, ngay cả các hộ nuôi bò, lợn, gà với số lượng lớn cũng rất khó xác định được giá trị bảo hiểm. Nếu người dân đóng bảo hiểm xong, họ bán đi, mua một con bò ốm về thay thế vào đó để "ăn" bảo hiểm cũng rất khó để xác định, vì con bò, con lợn thường có màu sắc, ngoại hình rất giống nhau. Hơn nữa, với lợn và gà, thường người dân chỉ cần nuôi 3-6 tháng là đem bán giết thịt được, mỗi con lợn chỉ lãi được 1.000 đồng/ngày, nên ngay cả khi được hỗ trợ, người dân cũng không hào hứng tham gia nếu phí quá cao.
Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Xuân Điều- Phó trưởng Phòng Bảo hiểm xe Cơ giới (Bảo Việt) cho biết: "Vừa qua, Bảo Việt đã triển khai loại hình bảo hiểm cho bò sữa ở Nghệ An. Chúng tôi đưa ra mức phí 4%/con bò có giá trung bình 16 triệu đồng, tức phí khoảng 600.000 đồng. Tuy nhiên, các trang trại bò sữa ở Nghệ An đã không mua vì cho rằng mức phí này đắt".
Tập trung bảo hiểm các hộ sản xuất lớn
Chị Lưu Thị Tám, ở thôn Tiền Trung, xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, Hải Dương là một "đại gia" về nuôi gà, từng nhiều lần gánh nợ vì rủi ro do thị trường, dịch bệnh. Chị Tám hiện đang nuôi tới 150.000 con gà đẻ trứng với doanh thu đến cả tỷ đồng mỗi năm.
Chị thừa nhận: "Tất cả những rủi ro xảy ra đều do mình tự chịu, làm theo kiểu lời nhiều ăn nhiều, lỗ phải chịu, vì thế nhiều lúc chăn nuôi cũng có lãi lớn và tôi cũng muốn trích một phần lời đó để đóng vào một quỹ hay đại loại bảo hiểm gì đó, nhưng không biết đóng vào đâu, vì mình là hộ chăn nuôi cá thể. Do đó, nếu có bảo hiểm thì tốt quá, tôi cũng muốn tham gia".
Trên thực tế, từ nhiều năm qua, việc triển khai thí điểm BHNN đã manh nha xuất hiện ở nhiều tỉnh, nhưng hầu hết đều thất bại ngay khi vừa triển khai. Ông Nguyễn Hữu Rong- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình nói: "Trước đây, ở Thái Bình cũng đã làm thí điểm BHNN, nhưng thất bại từ lâu lắm rồi. Bản thân Thái Bình lại là một tỉnh sản xuất lúa hàng hoá lớn ở miền Bắc, nên chúng tôi rất muốn làm bảo hiểm, nhưng chưa có công ty nào tham gia, đành chịu thôi".
Thái Bình hiện có 83.000ha lúa, cũng là một trong những tỉnh rất hay chịu ảnh hưởng của bão và sâu bệnh. Vì vậy, ông Rong cho rằng: "Nếu có hỗ trợ phí bảo hiểm, người dân có thể sẽ tham gia ngay".
Tôi làm theo kiểu lời nhiều ăn nhiều, lỗ phải chịu, vì thế nhiều lúc chăn nuôi cũng có lãi lớn và tôi cũng muốn trích một phần lời đó để đóng vào một quỹ hay đại loại bảo hiểm gì đó, nhưng không biết đóng vào đâu. Do đó, nếu có bảo hiểm thì tốt quá, tôi cũng muốn tham gia".
Thanh Xuân- Ngọc Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.