Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (PLO).
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói: Khi lực lượng Công an Nghệ An triển khai một kế hoạch để đảm bảo an ninh trật tự trên đường phố sẽ có lực lượng công khai (mặc sắc phục công an) và một lực lượng thường phục.
Lực lượng công an mặc thường phục chỉ tập trung xử lý hai đối tượng. Đối tượng thứ nhất là các thanh niên tóc xanh, tóc đỏ điều khiển phương tiện giao thông lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho người đi đường. Đối tượng này phải được lực lượng thường phục điều tra, phát hiện và đeo bám. Thứ hai là đối tượng lợi dụng việc tham gia giao thông để thực hiện hành vi phạm tội như cướp giật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Trong trường hợp lực lượng công an mặc thường phục làm nhiệm vụ gặp người tham gia giao thông vi phạm một cách thông thường như đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở người vượt quá quy định…, họ không có hành vi vi phạm mang dấu hiệu hình sự thì lực lượng thường phục phải tìm cách báo cho lực lượng công khai để cùng phối hợp kiểm tra, xử lý. Trong trường hợp này, lực lượng công an mặc thường phục không được tự động kiểm tra khi người dân đang còn lưu hành trên đường.
Trường hợp thứ hai, lực lượng thường phục phát hiện đối tượng có hành vi cướp giật, phạm tội quả tang thì được quyền bắt giữ, xử lý. Bởi theo quy định của pháp luật, khi có phạm tội quả tang thì bất cứ công dân nào cũng phải bắt giữ.
Ngoài hai nhiệm vụ này ra, lực lượng Công an mặc thường phục không làm thêm bất cứ việc gì. Khi kết hợp với lực lượng công khai thì họ chỉ hỗ trợ thêm chứ không phải lấy lực lượng thường phục thay cho lực lượng công khai.
Với cách tổ chức lực lượng Công an làm nhiệm vụ như vậy sẽ đem lại hiệu quả giống như lực lượng 141 của Công an Hà Nội thưa ông?
- Lực lượng 141 của Công an TP.Hà Nội và lực lượng 212 của Công an Nghệ An tương tự nhau gồm 4 lực lượng: Cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự. Ở Nghệ An còn có lực lượng phóng viên đi cùng tổ công tác để ghi hình đầy đủ, đưa về làm căn cứ xử lý.
Ở Nghệ An khác với Hà Nội, người tham gia giao thông thưa hơn, nhiều đối tượng đi xe máy có thể phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, chở 3,4 người trêu cảnh sát giao thông. Nếu như lực lượng công an chặn họ có sẽ dễ xảy ra điều không hay. Do đó, lực lượng thường phục phải đeo bám họ từ điểm xuất phát, trên đường và dừng ở đâu thì báo cho bộ phận công khai xử lý.
Tình hình an ninh trật tự của Nghệ An đã đến mức phức tạp phải tổ chức lực lượng công an như vậy, thưa ông?
- Với tình hình hiện nay thì lực lượng công an chúng tôi không thể chủ quan được. Ở đâu cũng phải đảm bảo an ninh, trật tự, còn tùy vào từng điều kiện, thời gian để tập trung xử lý cho có hiệu quả. Như hiện nay, nhiều nơi đang tập trung bảo vệ an ninh cho Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra ở Đà Nẵng.
Ở Nghệ An sắp tới còn thực hiện Nghị quyết của tỉnh về xử lý vi phạm hành lang giao thông và đảm bảo an toàn giao thông toàn tỉnh. Từ nay đến Tết phải làm để tạo nền nếp, đảm bảo an ninh trật tự, văn minh đô thị. Cho nên, lực lượng công an càng phải ra quân, càng làm tốt càng tạo môi trường sống yên ổn cho người dân.
Quan điểm của chúng tôi là làm đúng, vì dân. Đó là quan điểm rất rõ ràng. Nếu cán bộ công an khi làm nhiệm vụ có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Có ai vi phạm cứ điện thoại cho Giám đốc, đường dây nóng của Công an Nghệ An. Giám đốc sẵn sàng nghe điện thoại, kể cả tin nhắn khi người dân gửi đến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.