Đắng cay khi làm... chủ tàu vỏ thép hàng chục tỷ đồng

Hùng Phiên Thứ hai, ngày 15/05/2017 11:22 AM (GMT+7)
Theo tìm hiểu của NTNN/Dân Việt, những bất cập về chất lượng tàu vỏ thép được đóng theo chính sách cho vay vốn của Nghị định 67/2014/NĐ-CP không chỉ xảy ra ở Bình Định, Quảng Trị. Câu chuyện ghi nhận của một chủ tàu ở Phú Yên tiếp tục chỉ ra những vướng mắc cần được tháo gỡ cho ngư dân.
Bình luận 0

Chỉ sau nửa năm làm chủ tàu vỏ thép “67”, ngư dân Phan Thanh Trị (ở phường Phú Đông, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) đã thua lỗ gần 700 triệu đồng. Chưa hết, ông Trị bị đùn đẩy trách nhiệm bảo hành, từ chối đền bù bảo hiểm… 

Giấc mơ... đổi đời

Ngày 21.9.2016, ông Phan Thanh Trị nhận bàn giao tàu cá vỏ thép mang tên Hướng Biển 01 (số hiệu PY-99991), công suất 829CV. Con tàu do liên danh Công ty Thủy sản Đông Á - Công ty Đóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng) đóng. Tàu được đóng mới theo Nghị định 67, với tổng giá trị đầu tư 18 tỷ đồng; trong đó chính sách của Ngân hàng BIDV cho vay 95%, còn lại là vốn đối ứng của gia đình ông Trị.

img

Ông Phan Thanh Trị rầu rĩ vì sự cố thua lỗ, thương tật mắt, sau nửa năm vận hành tàu vỏ thép Hướng Biển 01 (tháng 5.2017).    Ảnh:  Hùng Phiên

Tại lễ bàn giao, lãnh đạo Công ty Đóng tàu Phà Rừng cho biết tàu có chiều cao mạn 3,15m, dài 27,88m, rộng 7,2m, lượng chiếm nước toàn tải 235 tấn; kho lạnh cấp đông tới -20 độ C; nhiên liệu, nước ngọt và lương thực, thực phẩm dự trữ trên tàu đảm bảo thủy đoàn 18 người sử dụng liên tục hơn 30 ngày đêm. Với công suất máy chính 829CV, tàu có khả năng đi biển trong điều kiện sóng cấp 7 - 8, tầm hoạt động 1.500 hải lý. Tàu chuyên nghề lưới chụp mực và cá ngừ sọc dưa; được trang bị đầy đủ các thiết bị hàng hải hiện đại, như: Máy dò ngang, dò đứng, máy đo dòng chảy, radar, định vị toàn cầu, bản đồ số… theo tiêu chuẩn cấp 1 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

img

Khi nhận tàu, ông Trị xúc động: “Giấc mơ làm chủ tàu vỏ thép lớn của tôi đã thành sự thật! Vẫn còn nhiều ngư dân Phú Yên ngại ngần làm chủ tàu cá vỏ thép hiện đại vì phí tổn lớn, thế nhưng gia đình vẫn quyết tâm làm để đổi đời, phát triển nghề biển”.

Tàu thua lỗ, chủ tàu bị thương tật

Thế nhưng đến đầu tháng 5.2017, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trị mếu máo: “Nhận tàu rồi nhưng phải chạy lo giải quyết hàng loạt trở ngại, thủ tục nên 3 tháng sau (ngày 14.12.2016), tàu mới ra khơi chuyến đầu. Đến nay đi được 4 chuyến nhưng lần nào cũng gặp sự cố do lỗi kỹ thuật tàu. Ai dè 4 chuyến biển qua đã gây thua lỗ cho gia đình tôi gần 700 triệu đồng”.

Cụ thể, chuyến  thứ nhất, tàu ra khơi được 5 ngày thì bị trục trặc về môtơ. Ông Trị phải cho tàu trở lại bờ khắc phục, chịu lỗ hàng trăm triệu đồng phí tổn hậu cần chuyến biển dự định đi khoảng 1 tháng. Chuyến thứ 2, tàu hoạt động được 7 ngày thì máy điện trục trặc, tàu lại đành quay vào bờ sửa chữa, tiếp tục lỗ trắng hàng trăm triệu đồng.

Chuyến thứ 3, tàu đánh bắt nửa chừng thì bị gãy cần chụp lưới chữ A, gây vỡ 71 bóng đèn, hư hỏng 20 đui điện. Thế là ông Trị phải cắn răng cho tàu trở lại bờ để thay sửa tiếp; lại lỗ trăm triệu.

Chuyến thứ 4 (giữa tháng 3.2017), lục lư cần cẩu bất ngờ bị đứt dây, đập vào mắt phải của ông Trị; tàu phải khẩn cấp vào bờ để cấp cứu nạn nhân.

4 chuyến biển bằng tàu vỏ thép, gia đình tôi lỗ tổn gần 700 triệu đồng. Theo tôi là do liên danh Đông Á - Phà Rừng thực hiện đóng tàu với nhiều hạng mục rất kém chất lượng”.

Ngư dân Phan Thanh Trị

Bầm giập vì thủ tục bảo hành, bảo hiểm

Sau mỗi sự cố máy móc thiết bị, ông Trị đều báo cáo với hai công ty Đông Á và Phà Rừng nhưng rất “bầm giập” (thời gian bảo hành tàu trong 12 tháng). Do không được hỗ trợ, gia đình ông phải bỏ tiền túi lắp thêm bình nước ngọt để làm mát máy phát điện.

Bên cạnh đó, ông Trị tiếp tục phát hiện thêm nhiều chi tiết của tàu không đúng theo thiết kế ban đầu. Như thiết bị cần chụp lưới chữ A, theo thiết kế là ống sắt cần chụp phải dày 7 - 8 ly, nhưng lúc gãy thì phát hiện sắt ống chỉ dày… 4,5 ly. Ông Trị phản ánh thì được phía Đông Á… nhận lỗi và hỗ trợ  thay mới làm lại cần chữ A. Trong khi đó, Công ty Bảo Minh Phú Yên lại có văn bản từ chối thanh toán bảo hiểm.

Trong khi đó, đại diện Chi cục Thủy sản Phú Yên khẳng định, hạng mục cần chụp lưới chữ A chính xác là: Trang thiết bị mặt boong tàu. Hạng mục này là phần được thiết kế, thuộc trong diện hợp đồng bảo hiểm thân tàu.

Ngoài tàu của ông Trị, lãnh đạo Sở NNPTNT Phú Yên cho hay, đơn vị cũng đã nhận được phản ánh sự cố kỹ thuật của một số tàu vỏ thép “67” khác của tỉnh. Hiện sở này đang cho cán bộ vào cuộc kiểm tra, tìm giải pháp “khơi thông” vấn đề chất lượng tàu vỏ thép...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem