Máy cũ, thép Trung Quốc!
Ngày 10.5, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp với các bên liên quan để tìm cách sửa chữa, khắc phục tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67/CP đang bị hư hỏng, nằm bờ hàng loạt.
Theo ông Võ Đình Tâm - Chi cục trưởng Chi cục thủy sản (Sở NN&PTNT Bình Định), qua kiểm tra 3 tàu vỏ thép do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng thì tất cả đều có tình trạng thân vỏ tàu, trạng thiết bị đều bị rỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng. Hiện nay, ngư dân và công ty đã thống nhất việc công ty chịu toàn chi phí lên đà tại Cam Ranh, sơn lại toàn bộ tàu rỉ sét và khắc phục sự cố hư hỏng trong phạm vi trách nhiệm bảo hành (tháng 5- 6.2017).
“Tôn (thép - PV) đóng tàu có một số không đúng theo hợp đồng, nhà máy đóng tàu đã thay thế chất liệu Hàn Quốc/ Nhật Bản bằng một số tôn Trung Quốc MAC A đủ điều kiện đóng tàu và được cơ quan đăng kiểm cho phép. Trường hợp cơ quan chức năng yêu cầu phải thực hiện đúng hợp đồng, chủ tàu và nhà máy đóng tàu phải chịu trách nhiệm”- ông Tâm cho hay.
Tàu vỏ thép BĐ 99179 TS (tàu bị rỉ sét) được đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương mới đưa vào sử dụng vào tháng 8.2016 đã xuống cấp trầm trọng. (Ảnh: Dũ Tuấn)
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, qua kiểm tra 4 tàu đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu, thân, vỏ tàu bị rỉ sét, máy chính Mitsubishi đều bị sự cố và hư hỏng, máy phát điện bị hư hỏng, hầm bảo quản không giữ được lạnh, 1 tàu làm nghề lưới chụp có hệ thống gọn bị han rỉ, đứt gãy.
Buổi làm việc với 12 chủ tàu và công ty, 2 bên đã thống nhất: Công ty chịu mọi chi phí sửa chữa, bảo hành khắc phục sự cố, hư hỏng máy thủy chính, máy phát điện và vỏ tàu cho chủ tàu.
Công ty còn đồng ý hỗ trợ một phần chi phí thiệt hại của chủ tàu do sự cố hỏng máy gây ra, hỗ trợ 100% chi phí thiết kế chuyển đổi nghề khai thác từ nghề lưới vây sang lưới chụp nếu chủ tàu có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định.
Tuy nhiên, Sở này lại tiếp tục nhận phản ánh của ngư dân rằng trong hợp đồng: hộp số trang bị cho tàu đồng bộ với máy thủy chính, nhưng thực tế công ty trang bị hộp số không đồng bộ dẫn đến hư hỏng, đề nghị công ty thay hộp số khác cho đồng bộ.
Tàu hư vì... nước biển mặn (?)
Ông Bùi Hữu Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho rằng: “Đánh giá chuyên gia của hãng máy cho thấy tàu hư hỏng một phần do bà con sử dụng chưa thành thạo”. Ảnh: Dũ Tuấn
Tại cuộc họp, ông Bùi Hữu Hùng - Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Nam Triệu, cho biết: “Tại Bình Định, công ty đóng 20 tàu cá theo NĐ-67/CP nhưng nhiều tàu bị trục trặc, sự cố. Qua kiểm tra, đánh giá chuyên gia của hãng máy, cho thấy tàu bị hư hỏng một phần do bà con ngư dân sử dụng chưa thành thạo”.
Theo ông Hùng, về máy tàu Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã ký hợp đồng với 2 đơn vị cung ứng. Khi máy nhập về, Công ty phối hợp cùng đăng kiểm, cơ quan giám định kiểm tra máy tại xưởng đóng tàu. Ông Hùng khẳng định máy được nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện và có sự kiểm tra của ngư dân.
"Các ý kiến ngư dân tập trung vào 3 vấn đề: Máy chính và hộp số không đồng bộ, sơn không phun cát, sơn ít lớp và tàu đóng để quấn lưới. Riêng về phần sơn, sơn vẫn chất lượng nhưng rỉ sét là vì... nước biển rất mặn", ông Hùng trả lời. Ngay sau đó, cả phòng họp cười ồ lên.
Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ngay lập tức ngắt lời: “Nước biển nào không mặn, ông nói tôi không tin, máy mới thì làm gì có chuyện đi chuyến biển đã hư hỏng. Về tàu rỉ sét, ông nói không thuyết phục. Ngồi đây toàn người học đại học, kỹ sư hết… chứ không phải họ không biết. Tôi hỏi ông, giả sử ngư dân không biết bảo quản thì tại sao nhiều doanh nghiệp khác đóng tàu lại không bị rỉ sét, máy móc đều tốt mà giá thành lại rẻ hơn? Ông nói vậy là mị dân, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân làm những cái không đúng. Tôi cứ nói thẳng”.
Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, nếu ngư dân muốn khởi kiện các cơ sở đóng tàu ra tòa vì không chịu sửa chữa, chính quyền sẽ hướng dẫn làm thủ tục. (Ảnh: Dũ Tuấn)
Trong khi đó, đại diện cho đơn vị cung ứng máy Mitsubishi theo hợp đồng cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở tại TP.HCM) lên tiếng: “Máy Mitsubishi là mới 100%. Nếu các anh không đồng ý, muốn thẩm định lại thì cần có đầy đủ chứng từ. Không bao giờ đi xuống cầm tờ giấy không mà phải đầy đủ hồ sơ pháp lý. Các anh đọc hợp đồng, các anh được quyền tham gia thiết kế con tàu, còn bên tôi là đơn vị cung cấp thì cung cấp đúng theo hồ sơ đơn vị yêu cầu. Mấy anh nói hồ sơ thẩm định thì phải xem hồ sơ này có đúng với hồ sơ thiết kế tàu không? Mấy anh làm ơn đọc hợp đồng, đừng lấy hồ sơ thẩm định”.
Sau đó, nhiều người có mặt trong cuộc họp tỏ ra bức xúc khi vị đại diện đơn vị cung cấp máy Mitsubishi cho công ty TNHH MTV Nam Triệu “chất vấn ngược” ngư dân: “Lúc nhận tàu ngư dân có được huấn luyện không? Tàu đang đậu ở đâu, đang đi biển thì liên hệ ngay ông thuyền trưởng đó, các chi tiết trong máy nếu hỏi mà trả lời được mới công nhận lái tàu đảm bảo”.
Tàu vỏ thép bị rỉ sét khắp nơi, nằm bờ chờ sửa chữa. Ảnh: Dũ Tuấn
Trước thái độ như vậy của vị đại diện đơn vị cung cấp máy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu phản ứng: “Ông nói chuyện rất chưng hửng. Nếu mình cung cấp máy tốt thì chẳng sợ ai cả. Tôi khẳng định, ông đang mị dân. Các ông lấy lý do thiết kế và thẩm định khác nhau để lừa dân chăng(?). Những việc tốt cho người dân không làm, lại đi lợi dụng sơ hở của dân. Như vậy là làm ăn không có đạo đức”.
Để giảm nhiệt cuộc họp, ông Trương Văn Đài - Phó Giám đốc công ty TNHH Đại Nguyên Dương nhận trách nhiệm: “Tàu xuống cấp, nước sơn bị bong tróc, thiết bị trên boong bị hư hỏng là do nước mặn của thời tiết. Việc nước sơn xuống cấp là do lớp sơn ban đầu không làm sạch bề mặt mà thời tiết miền Bắc mưa ẩm. Tôi thay mặt cho công ty nhận thiếu sót. Trong thời gian, để đóng tàu, công ty có chuyển đổi từ thép Hàn Quốc/Nhật Bản sang dùng thép Trung Quốc với giá trị tương đương. Tuy nhiên, không phải cứ thép Trung Quốc là xấu. Thép Trung Quốc cũng rất tốt".
Nhiều người lập tức thắc mắc việc chuyển đổi thép đóng tàu này của công ty đã được sự đồng ý của chủ tàu chưa vì nếu đóng bằng thép Trung Quốc thì không đúng với hợp đồng ban đầu? Tiếc là ông Đài trả lời vòng vo, không đúng trọng tâm câu hỏi.
Theo ông Trương Văn Đài- Phó giám đốc công ty TNHH Đại Nguyên Dương, công ty đã thay đổi từ thép Hàn Quốc/Nhật Bản sang thép Trung Quốc với giá trị tương đương để đóng tàu. (Ảnh: Dũ Tuấn).
Đề nghị các tỉnh, thành tổng rà soát các cơ sở đóng tàu
Trước tình trạng, tàu 67 liên tục bị hư hỏng mà Báo Dân Việt và một số cơ quan báo chí đã phản ánh, ngày 9.5, Bộ NNPTNT có văn bản 3797 gửi các địa phương thành phố ven biển tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép.
Công văn nêu rõ: Triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, theo báo cáo của các địa phương hiện đã có 557 tàu cá đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động; phần lớn tàu cá vỏ thép đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả rõ rệt; tuy nhiên đã xuất hiện một số tàu vỏ thép không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho chủ tàu.
Theo quy định của Nghị định 67, chủ tàu được hỗ trợ 100% chi phí duy tu, sửa chưa định kỳ nhưng không quá 1% giá trị đóng mới tàu vỏ thép. Để chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm và chất lượng của các cơ sở đóng tàu và thực hiện tốt việc duy tu, sửa chữa cho các tàu vỏ thép, đảm bảo các tính năng kỹ thuật, sử dụng lâu dài của tàu, Bộ NNPTNT các tỉnh, thành phố ven biển tổng rà soát lại các cơ sở đóng tàu để đảm bảo đủ điều kiện theo quy định, chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm về việc đánh giá và công bố cơ sở đóng tàu vỏ thép đủ điều kiện trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn ngư dân, chủ tàu trên địa bàn các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với tàu cá, công tác duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép theo quy định tại Thông tư 27 và các văn bản liên quan.
Các tỉnh thành tổ chức đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với tàu cá, công tác duy tu, sửa chữa tàu cá tại địa phương theo phân cấp quản lý. Có biện pháp quản lý, giám sát chủ tàu thực hiện nghiêm việc kiểm tra an toàn kỹ thuật đúng thời hạn.
Theo quy định của Nghị định 67, chủ tàu được hỗ trợ 100% chi phí duy tu, sửa chưa định kỳ nhưng không quá 1% giá trị đóng mới tàu vỏ thép. Để chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm và chất lượng của các cơ sở đóng tàu và thực hiện tốt việc duy tu, sửa chữa cho các tàu vỏ thép, đảm bảo các tính năng kỹ thuật, sử dụng lâu dài của tàu, Bộ NNPTNT đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển tổng rà soát lại các cơ sở đóng tàu để đảm bảo đủ điều kiện theo quy định, chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm về việc đánh giá và công bố cơ sở đóng tàu vỏ thép đủ điều kiện trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn ngư dân, chủ tàu trên địa bàn các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với tàu cá, công tác duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép theo quy định tại Thông tư 27 và các văn bản liên quan.
Nếu ngư dân khởi kiện, chính quyền sẽ hỗ trợ!
Tại cuộc họp, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Đại diện 2 công ty trả lời chưa thỏa đáng, vòng vo, không đúng. Nếu ngư dân khởi kiện các cơ sở đóng tàu ra tòa vì không chịu sửa chữa, tôi giao cho Chủ tịch UBND các huyện ven biển có trách nhiệm hướng dẫn cho ngư dân làm thủ tục. Hiện tại, hợp đồng làm thép Hàn Quốc, yêu cầu công ty bây giờ phải tháo ra, làm lại thép Hàn Quốc, hợp đồng với ngư dân như thế nào thì làm như thế đó. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến vụ việc này”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.