Tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam"

Nhóm Phóng viên Thứ sáu, ngày 08/09/2023 09:14 AM (GMT+7)
9 giờ sáng nay (8/9), Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức Tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam" với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nông dân trong cả nước.
Bình luận 0

Buổi Tọa đàm được tổ chức tại Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt và trực tuyến với các địa phương: Lai Châu, Kon Tum, Quảng Nam.

Ông Phan Huy Hà – Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt cho biết: "Vừa qua, Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt đã có loạt bài phản ánh tình trạng nhập lậu sâm Trung Quốc, rồi giả mạo thành sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu.

Tại vùng sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu chủ yếu đang ở giai đoạn nhân giống, chưa có sản lượng lớn bán ra thị trường. Trong khi đó, sâm giả mạo sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu được rao bán trên mạng xã hội với giá rẻ, gây lũng đoạn thị trường sâm Việt Nam.

Nguy hiểm hơn, khi kiểm nghiệm sâm của Trung Quốc phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gấp nhiều lần cho phép. Trong đó có cả hoạt chất BVTV đã cấm ở Việt Nam; Sử dụng các sản phẩm sâm nhập lậu không rõ nguồn gốc ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, ảnh hưởng tới thương hiệu mà những người trồng sâm ở Việt Nam, đặc biệt là nông dân đã đầu tư nhiều tiền của vào lĩnh vực này, nhiều nông dân đã bày tỏ mối lo ngại có thể dẫn tới phá sản nếu tình trạng sâm nhập lậu không được ngăn chặn kịp thời".

Đang diễn ra Tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam" - Ảnh 1.

Quang cảnh Tọa đàm đang diễn ra tại Báo Nông thôn Ngày nay. Ảnh: Hưng Phạm.

Theo đó, "Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt tổ chức tọa đàm: "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam" để cùng với các nhà quản lý, chuyên gia tìm ra những giải pháp cụ thể nhất để ngăn chặn và xử lý sâm lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam, bảo vệ những nông dân của Việt Nam" - ông Phan Huy Hà – Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt khẳng định.

Tọa đàm có sự tham gia của các khách mời:

- Ông Nguyễn Trọng Lịch - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu

- Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường

- PGS.TS. Phan Kế Long – Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam

- Đại tá Đỗ Đình Cường - Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng Lai Châu

- Thượng tá Phùng Ngọc Trường – Trưởng phòng PC03 Công an Lai Châu

- Ông Phạm Ngọc Quân - Phó trưởng phòng, Chi cục Kiểm Lâm, Sở NN&PTNT Lai Châu...

- Đại diện các địa phương tại các điểm cầu: Lai Châu, Kon Tum, Quảng Nam.

Trước đó, ngày 1/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 611/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng và phát triển Sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đang diễn ra Tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam" - Ảnh 3.

Ông Phan Huy Hà – Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Hưng Phạm.

Nhưng thời gian qua, trên thị trường xuất hiện những thương nhân buôn bán "sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu" với mức giá rẻ hơn sâm chính gốc vài chục lần. Giá sâm Ngọc Linh chính gốc loại 1 lên đến hơn 300 triệu đồng/kg, sâm Lai Châu cũng có giá trên 120 triệu đồng/kg. Còn trên thị trường trôi nổi, loại sâm mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu có mức giá chỉ vài triệu đồng/kg.

Cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện tình trạng nhập lậu sâm không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam, trà trộn rồi mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu.

Đang diễn ra Tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam" - Ảnh 4.

Đang diễn ra Tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam" tại toà soạn Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt và trực tuyến với các địa phương: Lai Châu, Kon Tum, Quảng Nam.

Theo điều tra của Báo NTNN/Dân Việt, xuất hiện những đầu mối ngay tại Lào Cai, Lai Châu nhập lậu sâm từ Trung Quốc về để trà trộn, mạo danh thành sâm Việt Nam.

Khi kiểm nghiệm sâm của Trung Quốc, có những mẫu phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp nhiều lần cho phép. Trong đó, có cả hoạt chất bảo vệ thực vật đã cấm ở Việt Nam.

Việc này không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ, ảnh hưởng tới thương hiệu mà những người trồng sâm ở Việt Nam, đặc biệt là nông dân, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tiền của vào lĩnh vực này có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề từ sâm lậu, thậm chí có thể dẫn tới phá sản.

Thực trạng đó đòi hỏi phải có các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý xâm nhập lậu từ Trung Quốc.

Hiện có hai vùng trồng sâm có giá trị tại Việt Nam là: vùng sâm Ngọc Linh trồng tại Quảng Nam, Kon Tum và vùng trồng sâm Lai Châu tại tỉnh Lai Châu. Trong đó, sâm Ngọc Linh – loại sâm đặc hữu ở Quảng Nam và Kon Tum với hàm lượng saponin vượt trội các loại sâm nổi tiếng trên thế giới.

Đang diễn ra Tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam" - Ảnh 3.

Sâm Lại Châu trồng phải từ 7 năm trở lên mới có thể thu hoạch, trong khi đó sâm Trung Quốc chỉ mất từ 3 đến 4 năm. Ảnh: Dân Việt

Tại tỉnh Kon Tum, có 1.165 hộ gia đình; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp sản xuất Sâm Ngọc Linh với tổng diện tích đã trồng sâm Ngọc Linh là 1.749,3 ha với khoảng 29,9 triệu cây.

Tại tỉnh Quảng Nam, diện tích quy hoạch bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam là 15.568 ha, tổng diện tích rừng có trồng sâm Ngọc Linh là 456 ha. Năng suất ước tính khoảng 547 kg/ha (đối với loại sâm sau khi trồng được 5 năm tuổi).

Đến nay, cây sâm của Việt Nam đã giúp rất nhiều hộ nông dân khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa thoát nghèo, các doanh nghiệp, HTX trồng, phát triển sâm ngày một phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem