Đăng ký tạm trú, tạm vắng cần những thủ tục gì?

Bảo Linh Thứ sáu, ngày 11/11/2022 10:08 AM (GMT+7)
Sắp tới, con trai tôi ra Hà Nội để học tập. Tôi muốn hỏi, con tôi muốn đăng ký tạm trú, tạm vắng ở Hà Nội cần phải làm thủ tục gì?
Bình luận 0

Đó là câu hỏi của bạn đọc Lê Thị Thọ (Tuyên Quang).

Trao đổi về thắc mắc của bạn đọc, Thạc sĩ, luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Giám đốc Công ty Luật Đức An, Đoàn luật sư TP. Hà Nội trích dẫn điều kiện để được tạm trú được quy định tại Luật cư trú 2020 như sau:

- Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

- Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.

Đăng ký tạm trú, tạm vắng cần những thủ tục gì? - Ảnh 1.

Thủ tục đăng ký tạm trú tạm vắng gồm những giấy tờ gì? Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở thuộc 05 địa điểm không được đăng ký thường trú mới theo quy định pháp luật, cụ thể:

- Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về thủ tục đăng ký tạm trú ở Hà Nội, luật sư cho biết các bước như sau:

Bước 1: Cá nhân chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ đăng ký tạm trú tạm vắng bao gồm:

Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA); đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp;

- Giấy tờ về nhân thân: Căn cước công dân, sổ hộ khẩu.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký tạm trú tại Công an cấp xã, cụ thể Hà Nội là công an phường.

Bước 3: Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:

+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người đăng ký;

+ Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện và cấp Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ cho người đăng ký;

+ Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì từ chối và cấp Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ ) cho người đăng ký.

Bước 4: Người đăng ký tạm trú nộp lệ phí theo quy định pháp luật.

Bước 5: Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký tạm trú.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem