Đắng lòng nhìn cầu gỗ nghìn tuổi sắp thành phế tích

Chu Hồng Châu Thứ ba, ngày 16/09/2014 09:08 AM (GMT+7)
Được xây dựng từ thời Lý, cây cầu gỗ có tên cổ Thượng Hạ gia với kiến trúc độc đáo tại làng Kênh (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định) đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích do thời gian và do sự thờ ơ của ngành văn hóa địa phương.
Bình luận 0

Nghìn năm gồng mình cõng khách

Theo cụ Lương Thế Lới -năm nay đã 95 tuổi nhưng còn rất minh mẫn- người nắm giữ nhiều lịch sử của vùng đất này thì sự tích của cây cầu vẫn được nhắc tới qua câu "Thượng chí kênh đào, hạ bắc câu", tức là bên trên (chỉ nhà vua) cho đào kênh, còn người dân xây dựng cầu, do vậy nó được mang tên là Thượng Hạ gia. Trong bài tựa trước đây có ghi: "Từ thời nhà Lý tổ tiên ta/ Xây dựng chiếc cầu Thượng Hạ gia", liệu đó có phải là những chứng cứ để khẳng định rằng cây cầu đã trải qua ngàn năm tuổi?

img Mái cầu có nhiều chỗ thủng lớn.  

 

Theo lịch sử để lại thì cầu được xây vào đời Lý sau khi triều đình cho đào một con kênh dẫn nước từ sông Hồng vào tưới tiêu cho cả một vùng thuộc trấn Sơn Nam hạ ruộng đất phì nhiêu.

Con đường độc đạo dẫn tới chùa Cổ Lễ - ngôi chùa lớn nhất khu vực được xây vào thời Vua Lý Thần Tông (trị vì từ năm 1127-1138) cách làng 4 cây số đã bị cắt ngang bởi con kênh đào, việc đi lại trở nên khó khăn cho các Phật tử khắp nơi đi lễ chùa, bởi vào thời Lý thì Phật giáo là Quốc giáo. Theo các bậc cao niên kể lại, khi đó có một người phụ nữ giàu có nhưng không có con đã bỏ tiền ra xây dựng cầu cho bà con đi lại.

Cụ Lương Thế Hoàng- 85 tuổi, em ruột cụ Lới cho biết thêm: "Theo tiền nhân kể lại thì toàn bộ hệ thống mố cầu làm bằng đá xanh nguyên khối, nặng hàng tấn, cột trụ làm bằng những cây gỗ quý cổ thụ, mặt sàn và khung cầu, vì kèo mái cũng được làm bằng những tấm ván lim dày, tất cả đều được vận chuyển bằng bè theo đường sông Hồng. Những thợ mộc có tay nghề cao khắp trấn Sơn Nam xưa được thuê về dựng cầu".

Từ sơ khai, mái của cầu được lợp bằng cây bổi (cây cói) chứ không lợp ngói, do bổi nhẹ hơn, xốp hơn, chịu được gió bão (bởi khu vực này chỉ cách biển gần 20km theo đường chim bay). Chỉ khi nào lớp bổi đã mục thì người dân lợp bổi mới. Cứ như vậy, trải qua nghìn năm, cây cầu gỗ vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Cụ Lới kể rằng, thời chống Pháp, làng Kênh đã che giấu, nuôi dưỡng nhiều cán bộ cách mạng hoạt động khắp các huyện Nam Ninh, Xuân Thủy (cũ) và Hải Hậu... Do vị trí độc đạo nên lính Pháp đã phục kích, giết hại nhiều du kích, cán bộ hoạt động khi đi qua khu vực, ngay tại chân cầu Thượng Hạ.

Nguy cơ thành phế tích

Tại Nam Định có 3 chiếc cầu mái cổ rất nổi tiếng, đó là cầu Chùa Lương (xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, đã được trùng tu năm 2010), cầu làng Kênh và cầu Thượng Nông (xã Bình Minh, huyện Nam Trực, đã được công nhận là Di tích quốc gia năm 2013), nhưng có lẽ cầu làng Kênh có tuổi đời lâu nhất. Dân làng cũng đã làm đơn gửi tới các cấp chính quyền xin được công nhận là di tích lịch sử văn hóa nhưng cho đến nay vẫn chưa được công nhận.

Hiện tại, cây cầu gỗ vẫn là nơi nghỉ ngơi, trò chuyện của dân làng, xe cộ, hàng hóa vẫn luân chuyển qua cầu hàng ngày. Tuy nhiên sau bao năm dãi dầu mưa gió và phục vụ con người, cây cầu đang xuống cấp nghiêm trọng, gỗ mặt sàn cầu bị cong vênh, thủng nhiều chỗ, rất nguy hiểm khi qua lại, tay vịn có đoạn bị mất hẳn. Mặt bục hai bên thành cầu- nơi bà con nghỉ chân cũng chắp vá nhịp ngang, nhịp dọc. Đặc biệt là các cột trụ gỗ do ngâm nước lâu năm đã bị bào mòn, phần mép nước do bị bào mòn đã thắt lại còn rất nhỏ, khó chịu đựng sự quá tải trong khi không có một biển cảnh báo. Một số nhà dân đã xây sát chân cầu, làm khuất tầm nhìn và mất đi địa thế rất đẹp của cây cầu.

"Trước đây, lối lên cầu được làm bằng những phiến đá tảng, nay đã trôi hết xuống mép sông, không thể trục vớt, thay vào đó người ta xây bằng gạch. Cây cầu có 5 gian, đều có bục hai bên để ngồi, nay đã mất 2 gian bục gỗ. Trong lịch sử, cầu đã được sửa chữa vài lần, căn cứ vào những ghi chú bằng chữ Hán. Đó là vào năm "Kiến Phúc nguyên niên" (khoảng năm 1884) và "Thành Thái thập niên" (khoảng năm 1907-1909). Tôi cũng chỉ nắm được như vậy"- cụ Lương Thế Lới cho biết.

Vị cao niên còn cho biết thêm, cách đây mười mấy năm, người dân trong làng đã đóng góp kinh phí tu sửa cầu, chủ yếu mua lá cọ, mua bổi về lợp lại mái. Từ đó đến nay chưa có sửa chữa nào đáng kể. Hiện mái lá đã mục, nhiều chỗ thủng lớn. Ông Lương Ngọc Khiên, 43 tuổi- Chủ tịch Hội Y học cổ truyền huyện Trực Ninh- người đã gắn bó hàng chục năm với cây cầu kể: "Trước đây mỗi buổi trưa hè là người dân lại ra cầu nghỉ trưa, hóng mát, buổi tối trai tráng trong làng luyện tập võ nghệ ngay phần sân trước cầu. Nhưng hiện tại do cầu quá xập xệ, xe cộ đi lại nhiều nên rất nguy hiểm. Người dân rất muốn đóng góp để tu sửa cầu, nhưng chưa thấy có cơ quan quản lý nào đứng ra chỉ đạo, hướng dẫn".

"Giờ chỉ còn ông Lới và tôi còn nhớ được những dấu tích lịch sử của cây cầu, mà anh em chúng tôi cũng cao tuổi rồi. Hàng chữ Hán trên vì kèo của cầu vẫn còn đó, nhiều chữ cổ không có ai dịch nổi. Vì vậy người dân nơi đây rất mong được chính quyền quan tâm cho phục dựng, tu sửa lại cây cầu nghìn năm tuổi này" - cụ Lương Thế Hoàng bộc bạch.

  Trước đây mỗi buổi trưa hè là người dân lại ra cầu nghỉ trưa, hóng mát, buổi tối trai tráng trong làng luyện tập võ nghệ ngay phần sân trước cầu. Nhưng hiện tại do cầu quá xập xệ, xe cộ đi lại nhiều nên rất nguy hiểm”.
Ông Lương Ngọc Khiên


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem