Hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội kết hợp các phong trào do Hội Nông dân phát động ở Bạc Liêu

Quốc Vũ (Đài TT huyện Phước Long) Thứ hai, ngày 02/01/2023 17:31 PM (GMT+7)
Giải quyết việc làm và giảm nghèo từ các mô hình sản xuất của nông dân được xem là “điểm sáng” trong việc phối hợp giữa Hội Nông dân huyện Phước Long (Bạc Liêu) với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện trong việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bình luận 0

Qua hoạt động phối hợp, Hội Nông dân huyện Phước Long (Bạc Liêu) và Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã góp phần quan trọng vào xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Phước Long đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện thực hiện rất tốt các nội dung công việc ủy thác cho vay và làm “cầu nối” chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. 

Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân “vượt khó, thoát nghèo”, điển hình trong đó là hộ ông Nguyễn Hồng Phúc, hội viên nông dân cư trú tại ấp Tường Thắng B, xã Vĩnh Thanh. 

Hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội kết hợp các phong trào do Hội Nông dân phát động ở Bạc Liêu - Ảnh 1.

Lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) tham quan trại lươn giống xã Vĩnh Phú Đông.

Chia sẻ về quá trình vượt khó của gia đình, ông Phúc bộc bạch: “Xuất thân từ một gia đình thuần nông, những năm đầu lập gia đình cuộc sống gia đình tôi còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, cha mẹ cho ra riêng chỉ với 2 công đất trồng lúa. Vợ chồng tôi không có công việc ổn định, ai thuê gì làm nấy, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày vì còn phải lo cho 2 đứa con nhỏ...".

Trong quá trình đầu tư để phát triển kinh tế gia đình ông Phúc bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn sản xuất, thiếu kinh nghiệm, thiếu đầu ra sản phẩm…Nhưng với tinh thần vượt khó, ông đã cố gắng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn.

Dưới sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể đã định hướng hỗ trợ kỹ thuật, giới thiệu cho gia đình ông đựợc tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội. Năm 2019 gia đình ông Phúc được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm.

Với số vốn vay ngân hàng và vốn tự có gia đình ông đã sử dụng vào việc cải tạo đất, mua giống rau, phân thuốc để trồng 1000m2 rau má. Sau thời gian chăm sóc, vun bón gia đình ông Phúc đã thu hoạch được rau đều hàng tháng mang lại thu nhập khá ổn định, từ đó cuộc sống gia đình ngày càng được nâng lên. 

Với tinh thần trách nhiệm “Có vay có trả”, ngoài việc thu nhập từ trồng rau trang trải cuộc sống gia đình thì ông Phúc vẫn không quên thực hiện nghĩa vụ đóng lãi và thực hành tiết kiệm. 

Với thu nhập ổn định hàng tháng ông đã làm tốt nghĩa vụ tiết kiệm để trả nợ gốc theo phân kỳ đúng quy định. Không dừng lại ở đó, từ lợi nhuận đạt được ông đã mở rộng thêm diện tích trồng rau và thuê 10 công đất trồng lúa. 

Kết quả đạt được là mức thu nhập hàng năm của gia đình ông Phúc trên 100 triệu đồng/ năm, vươn lên mức sống khá ổn định. Ông rất cảm ơn Chính quyền địa phương và ngân hàng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho gia đình phát triển kinh tế để gia đình có một cuộc sống ổn định để an tâm phát triển kinh tế gia đình...

Trường hợp của gia đình ông Phúc là một trong số hàng ngàn hộ nông dân trên địa bàn toàn huyện được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội. 

Theo Ông Nguyễn Văn Thê, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu): “Thực hiện văn bản liên tịch giữa Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Nông dân huyện về việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thì hàng năm, Hội Nông dân huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp Hội Nông dân trong huyện triển khai thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ gắn với các phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”... 

Các cấp Hội Nông dân đã tích cực, chủ động phối hợp tốt với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện trong việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn.

Theo Ban Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phước Long, kết quả thực hiện nhiệm vụ ủy thác cho vay, tính đến nay, tổng dư nợ của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện thông qua vốn uỷ thác tại Hội Nông dân huyện gần 89 tỷ đồng, với hơn 3.220 lượt hội viên nông dân vay, trong đó nợ quá hạn chiếm 1,38%. 

Cùng với đó, chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được nâng lên; từ việc triển khai có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp các cấp Hội Nông dân trong huyện có điều kiện để thu hút thêm hội viên, nhận thức của hội viên nông dân về vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh đã được nâng cao rõ rệt.

Theo đó, nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách đã mạnh dạn vay vốn đầu tư cho sản xuất, xây dựng công trình nước sạch, chăn nuôi, trồng trọt, xây mới và sửa chữa nhà ở...

Hoạt động của Hội và Ngân hàng CSXH đã góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện; số hộ hội viên nông dân khá, giàu tăng lên. 

Ông Nguyễn Văn Thê, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Long cho biết thêm: “ Để nâng cao trình độ, năng lực quản lý nguồn vốn, Hội Nông dân huyện luôn chú trọng và phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Cùng với đó, hàng năm Hội Nông dân huyện còn phối hợp các ngành liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho hội viên nông dân, người vay vốn để vận dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, vừa trả được vốn, lãi cho ngân hàng, vừa nâng cao đời sống kinh tế gia đình.

Vốn tín dụng chính sách đã thúc đẩy phát triển thêm ngành nghề, tạo thêm nhiều việc làm có thu nhập ổn định, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Có thể khẳng định, chủ trương thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là đúng đắn, phù hợp với “ý Đảng, lòng dân”. 

Đối với tổ chức Hội Nông dân, thông qua hoạt động vay vốn ủy thác của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội, bên cạnh việc chuyển tải và quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước, hoạt động ủy thác còn giúp cho hội có điều kiện xây dựng, củng cố tổ chức hội hoạt động hiệu quả hơn.

Thông qua hoạt động phối hợp, năng lực của cán bộ Hội được nâng lên, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” trên địa bàn huyện trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem