Nuôi thành công loài tôm càng to bự ở một xã miền núi Quảng Ngãi, bắt lên nhiều người đến xem

Hải Sản-Mạnh Hùng (TTKN Quảng Ngãi) Chủ nhật, ngày 01/01/2023 19:01 PM (GMT+7)
Mô hình nuôi tôm càng xanh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện lần đầu tiên ở xã miền núi Bình An, huyện Bình Sơn trên diện tích 4.000m2 và 1 hộ tham gia. Sau 6 tháng thả nuôi, tôm càng xanh đạt trọng lượng bình quân 35g/con, tổng thu từ mô hình là gần 240 triệu đồng.
Bình luận 0

Ông Võ Trung Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An cho biết, khi Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi lên triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh ở xã Bình An, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) chúng tôi thấy rất mới lạ bởi vì con tôm thường được nuôi ở các xã ven biển chứ nuôi tôm ở xã miền núi thì đây là lần đầu tiên. 

Nhưng qua quá trình thực hiện, tôm càng xanh thích nghi nhanh với điều kiện tự nhiên và nguồn nước của xã Bình An, tôm sinh trưởng phát triển tốt và mang lại thu nhập cao cho người nuôi.

Ông Phạm Trung Trường tham gia mô hình cho biết, trước đây ông đã nuôi cá lóc, cá điêu hồng, cá trê nhưng đều cho hiệu quả không cao. Với mong muốn chuyển đổi sang nuôi một đối tượng mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn, ông Trường đã tìm đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh để được tư vấn, hỗ trợ. 

Được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi giới thiệu về con tôm càng xanh, ông Trường rất mừng và xin tham gia thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh lần đầu tiên được triển khai thực hiện tại xã miền núi Bình An.

Tham gia mô hình, ông Trường được nhà nước hỗ trợ không thu hồi 50% chi phí mua con giống, 50% chi phí mua thức ăn công nghiệp, vitamin C, men tiêu hóa, khoáng chất và một số thuốc, hóa chất phòng, trị bệnh cho tôm càng xanh. Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi tôm.

Nuôi thành công loài tôm càng to bự ở một xã miền núi Quảng Ngãi, bắt lên nhiều người đến xem - Ảnh 2.

Tham quan mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất tại xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Để giúp người dân trong và ngoài mô hình nắm bắt được kỹ thuật nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã tổ chức tập huấn cho 20 hộ dân có diện tích mặt nước trên địa bàn xã Bình An. 

Ông Phạm Trung Trường cho biết, “sau khi được tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, tôi đã tiến hành cải tạo, nạo vét bùn đáy, diệt tạp, tu sửa bờ ao và gây màu nước theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. 

Cuối tháng 4/2022, tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ mua 80.000 con tôm càng xanh giống thả nuôi trên diện tích 4.000 m2 (mật độ nuôi 20 con/m2). Tôm giống có kích cỡ đồng đều từ 2 cm/con trở lên. Tôm giống có màu sắc tươi sáng, khỏe mạnh, không bị dị tật, không có dấu hiệu bị nhiễm bệnh và được kiểm dịch đúng theo quy định”.

Tôm càng xanh có đặc tính ăn thịt lẫn nhau, nhất là khi tôm lột xác, những con tôm khỏe sẽ ăn thịt những con tôm mới lột xác, để nâng cao tỷ lệ sống của tôm nhất định phải thả chà xuống ao nuôi nhằm tạo nơi ẩn nấp cho tôm khi lột xác, đồng thời thả thêm bèo để vừa che mát vừa duy trì nhiệt độ nước. 

Các yếu tố môi trường nước như nhiệt độ, pH nước phải được thường xuyên theo dõi và kiểm tra để có biên pháp xử lý kịp thời. 

Ông Phạm Trung Trường chia sẻ, “để duy trì ổn định pH nước thì định kỳ 7 – 10 ngày dùng vôi với liều lượng 2 – 3 kg/100mao, vôi được hòa tan trong nước rồi mới tạt đều xuống ao nuôi, vì vậy pH nước ao nuôi tôm càng xanh luôn được duy trì trong khoảng 7,5 – 8,5. Ngoài tác dụng duy trì ổn định môi trường nước, vôi còn có tác dụng phòng bệnh cho tôm”.

Anh Nguyễn Hải Sản, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi cho biết, mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm ở xã miền núi Bình An được áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm ba giai đoạn. 

Theo đó, giai đoạn 1 là ương tôm giống, toàn bộ tôm giống khi mới mua về được thả nuôi ương trong ao có diện tích 1.000m2. Sau 1,5 tháng ương tiến hành san thưa chuyển sang nuôi giai đoạn 2, lúc này, 60% tôm nuôi được chuyển sang ao nuôi có diện 1.500m2, 40% còn lại nuôi trong ao ương. 

Sau 3,5 tháng nuôi, chuyển sang nuôi giai đoạn 3, tôm càng xanh tiếp tục được san thưa sang thêm một ao nuôi có diện tích 1.500m2 (Tổng diện tích 4.000m2/3 ao nuôi). Đồng thời, trong lúc san thưa tiến hành bẻ càng để giúp tăng kích cỡ tôm, tăng tỷ lệ sống và hạn chế tình trạng ăn lẫn nhau. 

“Khó khăn lớn nhất khi san thưa đó là tính tỷ lệ sống của tôm, từ đó xác định số lượng tôm có trong ao để san thưa cho hợp lý. Vì vậy người nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật nuôi đặc biệt là cách tính tỷ lệ sống của tôm” anh Sản cho biết thêm.

Thức ăn cho tôm càng xanh chủ yếu là cám viên công nghiệp, trong tháng nuôi đầu cho tôm ăn 7% – 10% trọng lượng thân, sau đó giảm dần đến tháng nuôi cuối còn 3% trọng lượng thân. Cho tôm ăn 2 lần/ngày, lượng thức ăn buổi sáng bằng 1/3 buổi chiều, do tôm hoạt động mạnh về đêm. Thường xuyên bổ sung vitamin C, men tiêu hóa, vitamin tổng hợp để tăng cường hệ miễn dịch và kích thích tăng trưởng tôm nuôi.

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sau gần 06 tháng nuôi, tôm càng xanh của gia đình ông Trường đạt trọng lượng bình quân 35g/con, tỷ lệ sống đạt trên 50%, với giá bán hiện tại 170.000 đồng/kg, tổng thu từ tôm càng xanh đạt gần 240 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, mô hình cho lãi gần 62 triệu đồng.

 

Nuôi thành công loài tôm càng to bự ở một xã miền núi Quảng Ngãi, bắt lên nhiều người đến xem - Ảnh 6.

Sau 6 tháng nuôi, tôm càng xanh đạt trọng lượng bình quân 35g/con

Trong buổi tổng kết mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất tại xã Bình An, ông Nguyễn Ngọc Tài, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, con tôm càng xanh thích nghi tốt với điều kiện kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nước của xã Bình An, mô hình đã thành công cả về mặt kỹ thuật và hiệu quả kinh tế, xã hội. 

Thông qua mô hình đã giúp người dân xã Miền núi Bình An tiếp cận với đối tượng thủy sản mới có giá trị kinh tế cao. 

Tuy nhiên, để nuôi tôm càng xanh cho năng suất, sản lượng cao thì người nuôi cần phải nắm rõ các đặc điểm tập tính sinh sống của giống tôm này, phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo ao nuôi, chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, không bị nhiễm bệnh...

Tôm càng xanh giống có kích cỡ đồng đều, thả nuôi với mật độ không quá dày, sử dụng loại thức ăn và quản lý việc cho ăn phải phù hợp, không quá nhiều, cũng không quá ít.

Thành công của mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất ở xã miền núi Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt của địa phương.

Mô hình nuôi tôm càng xanh thành công cũng mở ra triển vọng phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân xã vùng cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem