Một ngôi đền cổ linh thiêng thờ con động vật to dài này làm thành hoàng làng ở Hà Tĩnh

Tập Thỏa Thứ tư, ngày 29/01/2025 11:00 AM (GMT+7)
Đền Kinh Hạ (TP. Hà Tĩnh) được xây dựng vào đầu đời nhà Nguyễn thờ thần Rắn làm thành hoàng làng, đây là một tín ngưỡng có nguồn gốc lâu đời của cư dân nông nghiệp gắn liền với tục thờ thần Rắn với mong muốn mưa thuận gió hòa.
Bình luận 0

Nhân dịp xuân Ất Tỵ 2025, khi không khí tết tràn ngập khắp muôn nơi, người dân Hà Tĩnh lại cùng nhau hướng về những giá trị văn hoá, tâm linh cổ truyền. Trong số những di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng của vùng đất này, đền Kinh Hạ ở phường Thạch Hưng, TP. Hà Tĩnh là một minh chứng rạng ngời cho lịch sử, tâm linh, và đặc sắc văn hoá dân gian.

Một ngôi đền cổ linh thiêng thờ thần rắn làm thành hoàng làng ở Hà Tĩnh- Ảnh 1.

Di tích đền Kinh Hạ, thành phố Hà Tĩnh là một trong những ngôi đền cổ kính, đẹp và linh thiêng của vùng đất Hà Tĩnh xưa có tục thờ thần Rắn làm Thành hoàng làng. Ảnh: PV

Đền Kinh Hạ, một di tích lịch sử và văn hóa tại TP. Hà Tĩnh, là biểu tượng độc đáo của tín ngưỡng thờ thần Rắn - một trong những tín ngưỡng sơ khai của người Việt cổ. Đền không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng mà còn là điểm đến để người dân bày tỏ lòng thành kính, cầu mong sự che chở và thịnh vượng từ các vị thần linh.

Một ngôi đền cổ linh thiêng thờ thần rắn làm thành hoàng làng ở Hà Tĩnh- Ảnh 2.

Hình tượng Tam Lang Long Vương, tục thờ thần rắn, thuỷ thần trong tâm thức người Việt cổ nói chung và vùng đất Thạch Hưng, Hà Tĩnh nói riêng đã được thần thánh hoá thành những vị thần hộ mệnh cho cư dân vùng đất Kinh Hạ, Thạch Hưng, mà ở đó các cư dân bản địa đã coi các vị thần được thờ ở đền làng Kinh Hạ là những thành hoàng làng được sự bảo trợ của chế độ phong kiến xưa qua các sắc chỉ với tước vị là Thượng đẳng thần. Ảnh: PV

Đền Kinh Hạ được xây dựng vào đầu triều Nguyễn tại làng Kinh Hạ, nay thuộc khu phố Tiến Hưng, phường Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh. Ngôi đền ra đời trong bối cảnh tín ngưỡng thờ thuỷ thần phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng nông nghiệp Việt cổ, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân sống ở vùng sông nước. Qua thời gian, ngôi đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, cụ thể vào các năm 1919, 1921 và 1929 dưới triều vua Khải Định và Bảo Đại, nhằm bảo tồn vẻ đẹp uy nghi và gia cố cấu trúc trước những biến đổi của thiên nhiên và lịch sử.

Một ngôi đền cổ linh thiêng thờ thần rắn làm thành hoàng làng ở Hà Tĩnh- Ảnh 3.

Đền Kinh Hạ được xây dựng vào đầu triều Nguyễn. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Công Tú-Thủ từ Đền Kinh Hạ cho biết: "Đền Kinh Hạ thờ thần Rắn làm thành hoàng làng là một dạng tín ngưỡng rất sơ khai của cư dân bản địa gắn liền với tục thờ thuỷ thần - Long Vương của người Việt cổ. Người dân làng Kinh Hạ đã mang hình mẫu huyền thoại của tín ngưỡng phổ biến làm tài sản tinh thần của mình. Đây là sự hoà nhập vào đời sống tinh thần và ý thức tâm linh chung của cả dân tộc và vừa là khẳng định sức sống mãnh liệt của đời sống tâm linh như là một nhân tố chủ yếu và cố kết cộng đồng làng xã.

Một ngôi đền cổ linh thiêng thờ thần rắn làm thành hoàng làng ở Hà Tĩnh- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Công Tú-Thủ từ Đền Kinh Hạ. Ảnh: PV

Thành hoàng làng Kinh Hạ đã được nhà nước phong kiến tuyển chọn, bao phong trở thành thần riêng bảo hộ trấn giữ làng. Trước đây đền làng Kinh Hạ có 9 đạo sắc phong, thời kỳ triều vua Thành Thái, Khải Định và Duy Tân, theo các bậc cao niên làng Kinh Hạ thì những đạo sắc này đã bị thất lạc, hoả hoạn trong chiến tranh chống Mỹ. Trong bài văn tế tại đền Kinh Hạ hàng năm thì thần Rắn - ba vị Long Vương được thờ làm thiên thần tại đền làng Kinh Hạ là Thượng đẳng thần".

Đền Kinh Hạ sở hữu kiến trúc cổ kính, bao gồm Thượng Điện, Hạ Điện, hệ thống tam quan, tắc môn, nhà tả hữu vu, ban tế ngoài trời, nhà trù và bia ghi tên các liệt sĩ. Thượng Điện là nơi thờ các vị thiên thần và nhân thần, trong đó nổi bật là thần Rắn - Long Vương, được tôn xưng là Thượng Thượng Thượng Đẳng Thần. Đây là trung tâm tâm linh của cả vùng, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa và lịch sử độc đáo.

Một ngôi đền cổ linh thiêng thờ thần rắn làm thành hoàng làng ở Hà Tĩnh- Ảnh 5.

Điện thờ chính thờ thần Rắn - Long Vương (Thuỷ thần), một tín ngưỡng có nguồn gốc lâu đời của cư dân nông nghiệp gắn liền với tục thờ thần Rắn, thần Hà bá với mong muốn mưa thuận gió hoà. Ảnh: PV

Hàng năm, đền Kinh Hạ tổ chức hai kỳ lễ tế lớn: Lễ Khai Hạ vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch và Lễ Kỳ Phúc Lục Nguyệt vào rằm tháng 6 âm lịch. Lễ Khai Hạ mở đầu năm mới với những nghi thức trang nghiêm như rước kiệu, dâng hương và múa lân, mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Lễ Kỳ Phúc Lục Nguyệt là dịp cầu an cho cả làng, với các hoạt động đặc sắc như hát chầu văn, trình diễn nghệ thuật dân gian và bày tỏ lòng biết ơn đến thần linh. Cả hai lễ hội đều thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương, tạo nên bầu không khí sôi động và đầy tính cộng đồng.

Một ngôi đền cổ linh thiêng thờ thần rắn làm thành hoàng làng ở Hà Tĩnh- Ảnh 6.

Đền Kinh Hạ rất linh thiêng, thu hút đông đảo khách hành hương mỗi năm. Ảnh: PV

Được biết, Đền Kinh Hạ có 9 đạo sắc của các Vua thời nhà Nguyễn ban dụ, song do thời gian, thiên tai, chiến tranh hiện còn 3 đạo sắc (bản sao) của các triều vua: Đạo sắc Vua Thành Thái năm thứ 6, tháng 9, ngày 25 năm 1894; Đạo sắc Vua Duy Tân năm thứ 3, tháng 8, ngày 11 năm 1909; Đạo sắc Vua Khải Định năm thứ 9, tháng 7, ngày 25 năm 1924.

Một ngôi đền cổ linh thiêng thờ thần rắn làm thành hoàng làng ở Hà Tĩnh- Ảnh 7.

Đền Kinh Hạ là một công trình lịch sử - văn hoá có giá trị kiến trúc, nghệ thuật, là ngôi đền có quy mô khá lớn đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2008. Ảnh: PV

Đền Kinh Hạ không chỉ là nơi gìn giữ giá trị tâm linh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Đây là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, truyền dạy các phong tục, tập quán lâu đời, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm đối với di sản quê hương. Qua các lễ hội và nghi thức, người dân địa phương đã góp phần làm sống lại những nét đẹp văn hóa, tạo sự gắn kết giữa các thế hệ.

Một ngôi đền cổ linh thiêng thờ thần rắn làm thành hoàng làng ở Hà Tĩnh- Ảnh 8.

Bia ghi tên tưởng nhớ công lao các liệt sĩ. Ảnh: PV

Đền Kinh Hạ là một minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của văn hóa dân gian và tín ngưỡng Việt Nam. Với vai trò là trung tâm tín ngưỡng và điểm tựa tinh thần, ngôi đền không chỉ lưu giữ những giá trị lịch sử quý báu mà còn tiếp tục phát huy vai trò kết nối tinh thần, giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau. Đây chính là một tài sản văn hóa vô giá của Hà Tĩnh nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem