Đánh cá bằng một tay, ngư phủ xứ Quảng lấy được vợ, tậu nhà to

Thứ sáu, ngày 25/07/2014 14:14 PM (GMT+7)
Sau nhiều lần đi biển, tài đánh cá, chụp mực của ông Ái đã nức tiếng cả vùng. Chủ tàu không những trả hậu hĩnh mà còn gả con gái cho chàng trai mất một tay.
Bình luận 0
Sinh ra ở làng chài nghèo thuộc xã Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam), ông Đoàn Văn Ái (69 tuổi) đã quen thuộc với nghề đi biển từ khi còn nhỏ. Trong một trận chiến năm 1972, bom đạn ác liệt đã lấy đi của ông một cánh tay.

img

Chỉ còn một tay nguyên vẹn nhưng mọi công việc chài lưới ông Ái đều làm thành thạo. Ảnh: Tiến Hùng.

"Quê tôi vốn chỉ sống nhờ nghề đi biển, cái nghề cần có sức khỏe tốt nhưng tôi lại chỉ còn một cánh tay. Lúc đó, gia đình tôi rất khó khăn, ai cũng nghĩ tôi sẽ là gánh nặng của gia đình. Không ai nghĩ rằng với cánh tay còn lại tôi có thể đi biển kiếm sống được", ông Ái nhớ lại những ngày khó khăn của mình.

Hàng ngày, ông lặng lẽ ra biển cùng với dụng cụ chài lưới của gia đình. Với vốn nghề đi biển từ nhỏ, ông cặm cụi tập đánh cá bằng một cánh tay. Ông phải vất vả tập lại các động tác đơn giản như chèo thuyền, cầm nắm, ghì chặt lưới. "Có những hôm, tôi mải mê kéo lưới lên thuyền thì máu ứa ra ở tay lúc nào không hay. Sợ gia đình không cho ra biển nữa, tôi đành nén chịu nỗi đau, đợi vết thương lành rồi lại tiếp tục tập", ông chia sẻ.

Khoảng nửa năm sau, ông Ái đã thành thạo mọi công việc và xin đi làm thuê cho một chủ tàu ở gần nhà. Thương hoàn cảnh của ông, chủ tàu cho đi dù nghĩ ông chỉ có thể làm việc vặt hay nấu nướng trên tàu chứ không thể đánh cá được. Tuy nhiên, sau nhiều lần đi biển, tài đánh cá, chụp mực của ông Ái đã nức tiếng cả vùng. Chủ tàu không những trả hậu hĩnh mà còn gả con gái cho chàng trai mất một tay.

img

Hiện nay, ông Ái có một cơ ngơi khang trang. Ảnh: Tiến Hùng.

Năm 1986, ông  Ái đưa vợ cùng 5 người con ra Đà Nẵng lập nghiệp. Ông cho biết, dù ở quê đã có nghề đi biển từ lâu nhưng tàu thuyền đều loại nhỏ, chỉ đánh bắt được gần bờ. Trong khi đó, ông muốn cùng con tàu lớn cắm lá cờ Việt Nam vươn ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh cá. Bởi vậy ông chọn Đà Nẵng, nơi có thể giúp ông thỏa nguyện để lập nghiệp.

Ông bắt đầu từ chiếc xuồng nhỏ, sau đó là con tàu câu mực với công suất 90 CV mua từ tiền vay mượn. Hiện nay, ông đã là chủ của chiếc tàu có công suất 300 CV, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động. Cũng nhờ bám biển, bây giờ ông đã có cơ ngơi khang trang với căn nhà 3 tầng ở phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng).

"Năm nay tôi đã 69 tuổi, không đi biển thường xuyên được nữa, công việc trên tàu giao lại cho 4 con trai. Nhưng tôi vẫn muốn có một đội tàu với công suất lớn để hàng ngày ra khơi bám biển Hoàng Sa, góp một phần nhỏ vào việc giữ vững biển đảo của đất nước", ông Ái tâm sự.

img

Con không cho ông ra biển thường xuyên nên để bớt nhớ tàu, nhớ biển hằng ngày ông Ái ra ngắm những con tàu ra khơi.

Cả 4 con trai của ông Ái đều được bố hướng làm nghề biển từ nhỏ nên học xong đều lên tàu ra khơi. Giờ ông đã nhiều tuổi nên gia đình không cho đi tàu thường xuyên nữa dù ông cứ nằng nặc đòi đi. "Cứ mỗi lần ở nhà không được ra khơi là ông lại chạy ra biển để ngắm. Có hôm ông xin ngủ lại tàu của người khác đang neo đậu ở cảng để đỡ nhớ biển", chị Nguyễn Tuyết Mai, con dâu ông cho biết.

UBND phường Thọ Quang đã nhiều lần tặng bằng khen hộ gia đình làm kinh tế giỏi cho nhà ông Ái. "Ông Ái là người đầu tiên có tàu chụp mực ở vùng này. Ông thuộc như lòng bàn tay các ngư trường gần xa. Chẳng mấy người qua được ông ở kinh nghiệm chài lưới", ông Châu Văn Là, tổ trưởng tổ dân phố 3, phường Thọ Quang, nói.
(Theo Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem