Một nông dân Bắc Giang bán gì cho Samsung, lãi lớn mà lại nhàn?

Bạch Hân Thứ ba, ngày 06/06/2023 06:23 AM (GMT+7)
Không phải khổ sở, quay cuồng trong cơn “bão giá” như nhiều hộ chăn nuôi khác, lão nông Nguyễn Văn Mùi (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) thảnh thơi diện bộ comple, đi đôi giày bóng loáng dự một hội nghị về tam nông ở Hà Nội. Ông khoe, mỗi năm lãi 1,5 tỷ đồng nhờ nuôi vịt đẻ trứng bán cho đại gia công nghệ.
Bình luận 0
Một nông dân Bắc Giang bán gì cho Samsung, lãi lớn mà lại nhàn? - Ảnh 1.

Có thời điểm trứng không bán được chất thành núi

Là 1 trong 100 gương mặt Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, lão nông Nguyễn Văn Mùi (ở xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) vui vẻ cho hay, trước khi trở thành tỷ phú chăn vịt đẻ ở nơi đồng chiêm trũng, hành trình khởi nghiệp của ông cũng đầy gian nan. 

Có những lúc trắng tay vì con vịt và con lợn, có thời điểm trứng vịt chất cao như núi mà không biết bán đi đâu... Nhưng giờ đây, trứng vịt lộn mà ông làm ra đến đâu xuất bán cho các công ty đến đó, đều đặn tháng nào cũng thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Ông Mùi kể, xã Tân Liễu quê ông là nơi đồng chiêm trũng, trồng lúa chỉ được một vụ, lại bấp bênh, năm được năm mất. Đổi lại, cánh đồng ấy quanh năm ngập úng nên cá tôm nhiều. 

Từ tháng 6 - 11 hàng năm, vợ chồng ông lại dầm mình nơi đồng trũng đánh bắt cá tôm. Tự nhận mình là "tay sát cá", có đêm ông kiếm được 2 tạ cá tôm đồng. Thế nhưng, sau hơn 5 năm dầm sương dãi nắng, ông đổ bệnh, cơ thể chỉ còn da bọc xương… nên ông đành bỏ nghề.

Lão nông xứ vải bán trứng cho Samsung, lãi lớn mà lại nhàn - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Phạm Tiến Nam (thứ 6 từ trái) đến thăm và bày tỏ ấn tượng với mô hình chăn nuôi vịt của ông Nguyễn Văn Mùi (đứng bên phải). Ảnh: B.H

Tân Liễu đổi thay, có công sức đóng góp của những người nông dân như ông Mùi, những người dám bước qua giới hạn của bản thân, tìm được con đường vươn lên làm giàu, tìm được con đường chinh phục đất đai. Dưới bàn tay họ, đất đã nhả vàng…

Năm 2000, ông quyết định đầu tư làm con đường nội đồng 1km để được nhận thầu 3ha ruộng, với mục đích mở trang trại chăn nuôi. Mấy năm sau, con đường hoàn thành, ông bắt tay vào nuôi 1.000 con vịt và mấy chục con lợn nái. Không lâu sau đó, dịch lở mồm long móng khiến đàn lợn của ông chết sạch. Vợ chồng ông trắng tay, nợ đầm đìa. Cả gia đình khăn gói vào miền Nam kiếm sống, thậm chí ông còn sang Đài Loan làm công nhân.

Năm 2012, từ Đài Loan trở về, trên mặt bằng sẵn có, ông bỏ ra 100 triệu đồng xây chuồng trại, mua 2.000 con vịt đẻ về nuôi. Trong quá trình đi bán trứng khắp nơi, ông học được nghề ấp trứng vịt lộn. Năm 2013, ông vay mượn tiền của anh em họ hàng, mua máy ấp trứng và quyết định mở rộng quy mô đàn vịt. Bởi, ông nhận thấy thị trường trứng vịt lộn, trứng thương phẩm rất nhiều tiềm năng, nhất là trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bùng nổ các khu công nghiệp, nhu cầu thực phẩm lớn.

Theo đó, ông thuê người chở mấy nghìn xe đất đổ xuống cánh đồng trũng cải tạo thành trang trại chăn nuôi. Từ năm 2013-2017, mỗi năm ông đầu tư 1 tỷ đồng để mở rộng trang trại. Song, thay vì chăn nuôi vịt đẻ theo cách truyền thống, ông Mùi chọn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học với 3.000 con ở hai khu. Mỗi khu được xây tách bằng tường xây và rào lưới, có cổng ra vào riêng. Chuồng lắp bể nước sạch, máng ăn chuyên dụng, có đệm lót sinh học, có hố sát trùng sạch sẽ.

"Tôi sợ bị thất bại và lại trắng tay như trước nên tính toán cẩn thận, chọn cách chăn nuôi an toàn sinh học để quả trứng đạt chất lượng cao" - ông Mùi chia sẻ. Cũng bởi tư duy mới này, trang trại vịt của ông Mùi cho thu lãi tiền tỷ, không năm nào thua lỗ.

Năm 2018, ông mở rộng quy mô đàn vịt đẻ lên 8.000, nuôi thêm 2.000 con ngan. Mỗi ngày ông nhặt khoảng 6.000 quả trứng. Ông đưa vào ấp trứng vịt lộn, ấp nở vịt con... Năm 2020, ông thành lập Hợp tác xã Tiến Phát, liên kết cùng 8 hộ dân nuôi vịt đẻ trứng. "Cũng trong năm 2020 này, dịch Covid-19 khiến tôi lỗ tiền tỷ, trứng chất thành núi trong nhà mà không biết bán đi đâu" - ông nói.

Lão nông xứ vải bán trứng cho Samsung, lãi lớn mà lại nhàn - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Mùi (phải) đi dự hội nghị về tam nông ở Hà Nội. Ảnh: B.H

Tân Liễu khi đó là xã đầu tiên ở Bắc Giang có ca Covid-19 nên áp dụng lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Lúc đó, ông Mùi mang trứng đi tiêu thụ không được, mua thức ăn cho đàn vịt cũng khó khăn. "Tôi không cho trứng vào ấp nữa mà liên hệ với xã, huyện xin giấy thông hành, mang trứng vịt đi tặng các chốt kiểm dịch, khu cách ly, khu công nghiệp khắp trong và ngoài tỉnh" - ông chia sẻ.

Từ những chuyến đi đó, ông có được đơn hàng cung cấp trứng cho các khu công nghiệp, khu cách ly. Không chỉ tiêu thụ hết trứng của gia đình, ông còn góp phần tiêu thụ trứng cho bà con trong xã.

Liên kết sản xuất thu lãi tiền tỷ

Dịch bệnh qua đi, từ trang trại của ông Mùi, những xe trứng vịt lại được phân phối đi khắp mọi nơi. Năm 2022, nhờ giá trứng ổn định, mỗi tháng ông thu bình quân 120-130 triệu đồng. Tính ra một năm ông cũng lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.

Để có được khoản lãi tiền tỷ này, ông Mùi ký được hợp đồng bán trứng cho Công ty Samsung Việt Nam từ năm 2019. Ngoài ra, ông cung cấp trứng cho nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn. "Chỉ riêng bán trứng cho cho Samsung mỗi ngày đã lên tới 15.000 quả. Một tháng cung ứng cho họ khoảng 450.000 quả trứng". Ông nói và cho biết, nguồn trứng này là của gia đình và các thành viên trong hợp tác xã.

Theo ông, khi ký kết hợp đồng cung ứng trứng cho các doanh nghiệp, ông phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt dịch bệnh trong trang trại... Đổi lại, cái lợi lớn nhất là giá cả luôn ổn định bất kể thị trường bên ngoài có biến động lên xuống ra sao. Đây cũng là lý do những năm gần đây người chăn nuôi lao đao vì giá thức ăn tăng phi mã, giá sản phẩm gà và trứng bán ra lao dốc, còn ông Mùi thì thảnh thơi sáng sáng thu nhặt trứng và xuất bán, thu tiền…

"Nuôi con gì trồng cây gì bây giờ cũng phải nhìn vào thị trường, không thể giữ thói quen nhà có gì đem ra chợ bán cái đó như trước. Khi làm phải tính toán được đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy mới phát triển bền vững" - ông Mùi cho hay.

"Nói chung, việc đưa được trứng vào bếp ăn của doanh nghiệp lớn, tôi nghĩ chỉ một phần may mắn. Còn cơ bản là do những người chăn nuôi trong hợp tác xã của chúng tôi đã thực hiện chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Riêng trang trại của tôi đã được cấp giấy chứng nhận trang trại an toàn sinh học, có dấu đỏ của cơ quan chức năng, đàn gia cầm được tiêm phòng đầy đủ để phòng trừ dịch bệnh, chuồng trại được khử men sinh học để đảm bảo sạch sẽ, loại trừ dịch bệnh. Bạn vào trang trại của tôi có thấy khác không, nuôi vịt nhưng không hề thấy có mùi. Tất cả là nhờ nuôi theo quy trình an toàn sinh học đó" - ông Mùi tự tin giới thiệu.

Ông Mùi và hợp tác xã hiện có các mối hàng chung thủy là các doanh nghiệp. Thế nên, ông và các thành viên đều sống khoẻ, thu được lãi cao. "Bây giờ tôi chỉ mong có đủ sức khỏe để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đóng góp xây dựng quê hương Tân Liễu ngày càng giàu đẹp" - ông Mùi khẳng định.

Hôm đoàn chúng tôi đến thăm nhà tỷ phú trứng vịt Nguyễn Văn Mùi, đội ngũ lãnh đạo trẻ, năng động của xã Tân Liễu cũng đến chung vui. Họ coi những nông dân xuất sắc như ông Mùi là nguồn tài nguyên quý giá, góp phần đưa kinh tế xã Tân Liễu đi lên, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian ngắn nhất.

Từ góc trang trại của ông Mùi, giữa tiếng kêu rộn ràng của đàn vịt khổng lồ, phóng tầm mắt nhìn ra xa thấy những cánh đồng, vuông ao trải dài tít tắp. Vùng đất nghèo khó ngày nào đã chuyển mình, "chiêm khê mùa thối" nay trở thành thế mạnh để phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp. 

Bài dự thi tham dự Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem