Ngay trước phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tội Giết người đối với bị cáo Nguyễn Dác Thương (SN 1973), bị hại là Nguyễn Văn Thịnh (SN 1988, cùng ngụ tại phường Phú Trung, quận Bình Tân, TP.HCM), hai bên gia đình bị hại và bị cáo đã xảy ra xô xát, ẩu đả ngay tại sân tòa án.
Một người đàn ông (chưa xác định danh tính) là người nhà phía bị hại lao vào đánh, tát Huỳnh Thị Liền (người sống chung với bị cáo Thương như vợ chồng) khiến chị Liền chảy nhiều máu và ngất xỉu tại chỗ.
Một lúc sau, bảo vệ TAND TP.HCM có mặt giữ người đàn ông đã đánh chị Liền. Đồng thời, người nhà chị Liền gọi xe taxi đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Gần cuối phiên xét xử, sau khi vào bệnh viện băng bó xong, chị Liền đã quay trở lại nghe tòa tuyên án.
Chị L bị người nhà bị hại đánh gây thương tích và ngất xỉu tại sân tòa án.
Theo cáo trạng, VKSND TP.HCM khởi tố vụ án hình sự tội Giết người đối với bị can Nguyễn Dác Thương (quận Bình Tân) theo Điều 123 BLHS.
Theo kết luận điều tra, Thương và Huỳnh Thị Liền sống chung như vợ chồng. Khoảng 22h ngày 8/8/2018, Thương coi quán cháo để chị Liền đi uống nước ở quán cà phê bên cạnh. Lúc sau, Thương nhìn sang quán cà phê thấy Phạm Thế Hiển đang la lối om sòm và đá bàn ghế.
Sợ chị Liền bị đánh, Thương chạy sang nhưng không thấy chị đâu nên quay về quán cháo. Đi được 2m, Thương gặp Nguyễn Văn Thịnh giữa đường (Thịnh là bạn Hiển), trên tay cầm cây kim loại 3 khúc. Thịnh hỏi Hiển: “Thằng này đúng không?” và đấm vào mặt Thương. Thịnh tiếp tục dùng côn đánh Thương nhưng Thương né được.
Thương chạy về quán cháo lấy con dao chuyên thái thịt chạy lại chỗ Thịnh đang đứng và đâm vào hông của Thịnh. Thịnh lấy tay đỡ và bỏ chạy nhưng bị Thương đuổi theo đâm thêm một nhát rồi quay đầu chạy về nhà.
Thịnh được người dân đưa đi cấp cứu nhưng tử vong sau đó.
Nguyễn Dác Thương bị xử phạt 13 năm tù.
Sau đó, Thương đã ra đầu thú và nhận tội trước cơ quan điều tra. Người nhà bị hại yêu cầu Thương bồi thường 1,547 tỷ đồng nhưng Thương chưa bồi thường được đồng nào.
Tại tòa, Thương khai do bị Thịnh tấn công trước nên Thương chỉ tự vệ. Đây là hậu quả Thương không mong muốn và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện bên bị hại đề nghị tòa xử mức án cao nhất đối với Nguyễn Dác Thương.
Luật sư bào chữa cho bị hại tranh luận: "VKSND truy tố bị cáo theo khoản 2 Điều 123 BLHS là không đúng, có dấu hiệu bao che, vì hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ, tước đoạt mạng sống của bị hại. Đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo theo khoản 1 Điều 123 mới đủ sức răn đe và tương xứng với hành vi, tính chất, mức độ mà hành vi của bị cáo gây ra".
Luật sư bào chữa cho bị cáo đồng ý với quan điểm truy tố của đại diện VKS.
Chị Liền sau khi được đưa tới bệnh viện băng bó vết thương đã trở lại phiên tòa.
Tại tòa, VKSND TP.HCM nêu quan điểm xử lý vụ án: "Do mâu thuẫn, Thương đã đâm 2 nhát vào liên sườn ngực phải của Thịnh khiến Thịnh tử vong. Thương cũng đã nhận tội. Tại tòa, Thương ăn năn hối cải. Hành vi của Thương có tính chất côn đồ nhưng nguyên nhân là do Nguyễn Văn Thịnh gây hấn trước".
Tuy nhiên, hành vi của Thương là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của người khác, đủ căn cứ truy tố Thương tội Giết người theo khoản 2 Điều 123 BLHS. Thương có nhân thân xấu, có một tiền án về tội Gây rối trật tự cộng cộng (đã được xóa án tích)… nên cần xử lý nghiêm để răn đe.
Đề nghị HĐXX xử Thương theo khoản 2 điều 123 BLHS, xử Nguyễn Giác Thương mức án từ 8 - 12 năm tù.
HĐXX TAND TP.HCM đã nhận định, VKSND truy tố Nguyễn Dác Thương theo khoản 2 Điều 123 BLHS là có căn cứ. Vì vậy, HĐXX quyết định xử phạt bị cáo Thương 13 năm tù.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.