Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Phước (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế), nghề nuôi tôm nước lợ ở các tỉnh Bắc Trung Bộ có nhiều lợi thế, tuy nhiên quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, đầu tư hạn chế nên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Bên cạnh đó, nghề nuôi tôm nước lợ những năm gần đây ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết với nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; môi trường diễn biến bất lợi do việc xả thải trực tiếp từ các ao nuôi siêu thâm canh...
"Các mô hình TTKNQG đang triển khai ở một số địa phương Bắc Miền Trung không chỉ giúp tăng năng suất và hiệu quả trong quá trình nuôi tôm, mà còn giảm thiểu tác động của yếu tố bên ngoài đến quá trình nuôi tôm, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm".
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKNQG
Để góp phần đánh thức tiềm năng nuôi tôm nước lợ ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, năm 2023, TTKNQG đã triển khai nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao, giúp người dân chuyển đổi tư duy sản xuất, nhất là mang lại thu nhập cao.
Đơn cử như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng VietGAP khu vực Bắc Trung Bộ, diện tích 3,6ha tại Nghệ An, Hà Tĩnh; Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, diện tích 2,7ha tại Quảng Bình…
Ông Hà Quang Hải (ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cho biết, năm 2023, gia đình ông tham gia mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 2.500m2. Mô hình áp dụng các giải pháp công nghệ, xây dựng bể nổi, lót bạt nền ao, lắp đặt hệ thống mái che, máy sục khí, quạt...
Việc nuôi tôm nhờ đó thuận lợi hơn trước rất nhiều, đặc biệt là ứng phó với mưa lũ chủ động hơn, có thể tính toán để tăng vụ nuôi tăng thêm thu nhập. Vụ vừa qua, năng suất ao nuôi đạt trên 13 tấn tôm, trừ chi phí còn lãi khoảng 140 triệu đồng.
"Trước đây khu vực này thường xuyên chịu ảnh hưởng mưa bão, người dân chủ yếu nuôi tôm trong ao đất, sau thời gian môi trường ngày càng tích tụ ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra nhiều hơn khiến hiệu quả nuôi tôm không cao. Mặt khác, chi phí đầu tư cơ sở vật chất ban đầu để nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt cao hơn so với nuôi tôm truyền thống, bởi vậy người dân ở địa phương không dám mạnh dạn đầu tư" - ông Hải chia sẻ.
Theo ông Hải, mô hình đã đem lại kết quả nhất định, từng bước thay đổi nhận thức của người dân; thông qua mô hình giúp người dân áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm thiệt hại của thiên tai, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tăng năng suất, giảm bệnh
Tương tự, anh Lê Đình Sáng ở xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, khi tham gia mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP ở Bắc Trung Bộ do TTKNQG triển khai, tỷ lệ tôm bị dịch bệnh đã giảm hẳn.
Anh Sáng chia sẻ: "Mô hình đã giúp tôi dễ dàng quản lý môi trường nước và thức ăn, theo dõi chặt quá trình phát triển của tôm. Mặt khác, việc chuyển giai đoạn nuôi giúp tôm được tiếp cận môi trường nước sạch hơn, hạn chế ô nhiễm dưới tầng đáy, tôm đạt đầu con và kích cỡ tôm tăng hơn. Tỷ lệ sống của tôm đạt từ 80 - 95%".
Về hệ thống ao nuôi, anh Sáng thiết kế 8 ao gồm: Ao lắng, ao ương và ao nuôi. Các ao ương, ao nuôi được thiết kế hình tròn, được lót bạt HDPE xung quanh. Mô hình còn có hệ thống chứa và xử lý nước, chất thải. Nguồn nước được xử lý diệt khuẩn, loại bỏ mầm bệnh, đảm bảo các yêu cầu về chỉ số kỹ thuật trước khi thả tôm.
Thời gian đầu thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn, anh Sáng thả con giống vào ao ương, giai đoạn này kéo dài trong 25 ngày. Sau khi tôm đạt kích cỡ khoảng 600-700 con/kg sẽ chuyển sang giai đoạn 2 (25 ngày). Khi tôm có kích cỡ 150-170 con/kg sẽ chuyển qua giai đoạn 3. Lúc này, việc san tôm sẽ được thực hiện bằng kéo lưới. Tại ao nuôi giai đoạn 3, tôm được nuôi với mật độ thưa từ 70 - 85 con/m2. Lúc này tôm phát triển nhanh, thời gian nuôi 30 ngày, khi thu hoạch đạt 40 - 50 con/kg.
Anh Trần Anh Đức (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) có 7 hồ nuôi tôm, diện tích từ 2.500 - 3.500m2. Nhờ áp dụng công nghệ mới nên thời gian gần đây, hiệu quả hồ nuôi rất cao.
"Quá trình nuôi tôm, tôi được áp dụng công nghệ mới do Công ty Grobest Việt Nam hỗ trợ, từ khâu xử lý nguồn nước, lựa chọn con giống, thức ăn và phòng chống bệnh bằng các phương pháp soi kính hiển vi…, tỷ lệ thành công đạt rất cao. 5 vụ tôm liên tiếp, tôi đạt năng suất trên 40 tấn/ha/năm. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm lãi khoảng 2 tỷ đồng" – anh Đức chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.