Bình Thuận:Xây dựng đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 27/08/2024 13:59 PM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý( Bình Thuận) thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển, các cơ quan chức năng thuộc UBND tỉnh Bình Thuận đang tích cực triển khai các công tác quan trọng này...
Bình luận 0

Tiềm năng lớn của đảo Phú Quý 

Liên quan đến sự kiện trọng đại trên, ngày 27/8, trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết đã nhận được Văn bản chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hồng Hải giao cho Sở Nông nghiệp và PTNN chủ trì và sở đang tịch cực phối hợp với các sở ngành liên quan thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận để triển khai công tác này.

đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển- Ảnh 1.

Du khách tham quan đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ trì phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban QLDA ĐTXD các công trình NN&PTNT, UBND huyện Phú Quý, căn cứ nội dung Đề án xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển để tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận về kế hoạch chi tiết, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận trước ngày 15/9/2024.

Có thể nói, việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý( Bình Thuận) thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển... được nhiều người dân tỉnh Bình Thuận ủng hộ. Đặc biệt là người dân đang sinh sống trên đảo Phú Quý. 

Nhịp sống mới trên đảo Phú Quý

Theo nhóm bạn du lịch phượt từ TP.HCM, một ngày cuối tháng 7 vừa qua, chúng tôi lên tàu cao tốc rời bờ Phan Thiết để đến với huyện đảo Phú Quý. Có thể nói, cuộc sống trên đảo Phú Quý ngày càng "thay da đổi thịt", khi nhiều căn nhà mới xây dựng khang trang mọc lên và người dân trên đảo luôn sống đậm nghĩa tình, mến khách…

Hơn chục năm trước, chúng tôi cũng một lần ra đảo bằng tàu sắt nhưng phải hơn 4g lênh đênh trên biển và phải trải qua những cơn say sóng biển "tối tăm mặt mày", chúng tôi mới đến được đảo Phú Quý.

Nhưng nay, chỉ sau hơn 2 giờ vượt sóng đại dương bằng tàu cao tốc êm ả trên ghế nệm, với hành trình dài khoảng 110km, chúng tôi đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp mà dân phượt ví như "hòn ngọc"giữa biển khơi…

Thuê chiếc xe máy chạy một vòng quanh đảo, chúng tôi cảm nhận được nhịp sống thay đổi từng ngày trên hòn đảo này. Hai bên nhiều ngôi nhà mới đang xây dựng và hàng quán, khách sạn, nhà nghỉ… phát triển rất nhiều so với lần trước chúng tôi ra đảo Phú Quý.

đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển- Ảnh 7.

Năm 2014, đảo Phú Quý bắt đầu có điện 24/24 thì đời sống vật chất, tinh thần người dân không ngừng phát triển. Ảnh Bùi Phụ

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là đảo Phú Quý rất xinh đẹp, người dân hiền hòa, mến khách. Trên các tuyến đường chính của đảo Phú Quý, chúng tôi được người dân tận tình hướng dẫn những điểm tham và tư vấn ăn gì, nghỉ ở đâu cho phù hợp với túi tiền…

Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Theo đó, mục tiêu của Đề án đến năm 2030, xây dựng đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển của vùng và cả nước. 

Phát triển hợp lý về quy mô của từng lĩnh vực, tập trung vào khai thác thuỷ sản xa bờ, bảo quản, sơ chế sản phẩm và các dịch vụ hậu cần nghề cá, là Trung tâm cứu nạn, cứu hộ, xử lý các sự cố, tình huống khẩn cấp, cứu nạn trên biển nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống ngư dân gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển- Ảnh 8.

Ngư dân đang nuôi cá lồng bè ở ngoài khơi đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Đồng thời, đáp ứng cho tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 30 m vào neo đậu, tránh trú bão an toàn của tỉnh Bình Thuận và các tỉnh có tàu cá hoạt động trên ngư trường vùng biển tỉnh Bình Thuận và các khu vực biển lân cận. 

Đảm bảo năng lực tập kết, bốc dỡ, phân loại, trung chuyển và dịch vụ tiêu thụ trong, ngoài tỉnh thông qua cảng cá đạt khoảng 25.000 tấn/năm, giảm thiểu tối đa tổn thất sản phẩm sau khai thác, đáp ứng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị thủy sản khai thác. 

Đầu tư nâng cấp, phát triển cảng cá Phú Quý kết hợp tránh trú bão cho tàu cá trở thành Trung tâm dịch vụ hậu cần cho khai thác thuỷ sản, nuôi trồng thuỷ sản trên biển, thương mại nghề cá của khu vực và Quốc gia; hỗ trợ hiệu quả cho nuôi biển, các tàu cá trong và ngoài tỉnh hoạt động trên ngư trường vùng biển của tỉnh và các khu vực biển lân cận; cải thiện điều kiện hạ tầng dịch vụ nghề cá trên đảo phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, nâng cao đời sống của ngư dân trên đảo.

Mục tiêu đến năm 2045, đảo Phú Quý trở Thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phát triển đồng bộ, toàn diện, hiện đại ngang tầm với các Trung tâm dịch vụ hậu cần trong khu vực và trên thế giới, tích hợp, gia tăng giá trị các sản phẩm khai thác, nuôi biển, nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động khai thác và vận tải trên biển, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển- Ảnh 9.

Tàu thuyền cũa ngư dân đang hoạt động trên vùng biển đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Kiểm soát các hoạt động khai thác IUU

Để xây dựng đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển, trong thời gian tới Trung ương sẽ tiếp tục đầu tư để hoàn thiện hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực cho Cảng cá Phú Quý; kiểm soát các hoạt động khai thác IUU; tổ chức lại hoạt động sản xuất trên biển.

Xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá; đầu tư cho các dịch vụ xã hội, nhất là thiết bị y tế, nhân lực, cơ sở dịch vụ y tế trên đảo phục vụ công tác khám và chữa bệnh cho người dân. Tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu nạn trên đảo Phú Quý để trở thành Trung tâm cấp vùng; các dịch vụ cứu hộ, cứu nạn.

đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển- Ảnh 10.

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên đảo Phú Quý. Ảnh: Bùi Phụ

Bên cạnh đó, huy động nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA của các nhà tài trợ và nguồn vốn xã hội hoá theo quy định để đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng cảng cá đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và đầu tư khi neo đậu tránh trú bão để phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng cá và các hạng mục công trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nghề cá; cho phép đầu tư khai thác, kinh doanh dịch vụ, du lịch và các dịch vụ khác trên vùng đất khu vực cảng cá, khu neo đậu tàu cá sau đầu tư.

Cư dân đảo Phú Quý hiền hoà, mến khách

Đảo Phú Quý được bà con ngư dân thường gọi là cù lao Thu, nằm cách bờ biển TP. Phan Thiết( Bình Thuận) khoảng 110 km về phía Đông Nam. Dù diện tích đảo Phú Quý chỉ khoảng hơn 18km2 nhưng có rất nhiều cảnh đẹp, đặc biệt là những bãi biển còn rất hoang sơ làm hút hồn du khách đến nơi này…

Khí hậu trên đảo Phú Quý mát mẻ quanh năm và thời điểm thích hợp cho du khách khám phá nhất là từ khoảng tháng 12 đến tháng 6 năm sau(bởi mùa bão thường xảy ra vào tháng 9 – 11 hàng năm).

Đẹp nhất là từ tháng 3 đến tháng 7. Còn vào mùa Tết thì biển êm, trong xanh, gió nhẹ, dễ dàng cho người dân từ đất liền ra đảo

đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển- Ảnh 11.

Du khách đang tàu cao tốc từ Phan Thiết ra đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Hiện có những tàu từ Phan Thiết đi Phú Quý là Superdong-PQI, Superdong-PQII, Phú Quý Express, Phú Quý Island... Thông thường tàu xuất bến Phan Thiết vào khoảng 6h30 đến 7h30, tùy ngày sẽ có chuyến sớm hơn vào 5h30 hoặc muộn nhất 15h.

Thời gian di chuyển 2,5 đến 3,5 tiếng tùy loại tàu, bao gồm giường nằm và ghế ngồi, phòng quạt và phòng máy lạnh. Tàu cao tốc đi 2,5 tiếng có giá vé 350.000 đồng một người.

Khi lên đảo, du khách có thể thuê xe máy rất dễ dàng, tha hồ mà khám phá hòn đảo giữa biển khơi này. Người dân trên đảo Phú Quý hiền hoà, mến khách rất thuận tiện cho du khách hỏi đường và nơi ăn nghỉ…

Nổi tiếng nhất vịnh Triều Dương, bãi Nhỏ, gành Hang… nước biển ở đây trong xanh, nhìn thấy cả san hô dưới đáy biển…

Ngoài ra còn có các điểm du lịch tâm linh như như Chùa Linh Quang (di tích lịch sử cấp Quốc gia) nằm trên một đồi cao được xây dựng vào thời Cảnh Hưng thứ 8, đến nay đã hơn 250 tuổi. Hiện chùa còn lưu giữ các sắc phong của triều Nguyễn ban.

Gần đó là Vạn An Thạnh còn lưu giữ gần 100 bộ xương cá voi, rùa da. Nơi đây cũng được xem là một bảo tàng hải dương học với những bộ sưu tập phong phú về cá voi.

Dinh mộ Thầy Nại được xây dựng từ thế kỷ 17, được ngư dân xem là chỗ dựa tinh thần của bà con vùng biển.

đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển- Ảnh 12.

Du khách tham qua núi Cao Cát đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Độc đáo nhất là ngọn hải đăng nằm trên ngọn núi Cấm với độ cao 108m so với mực nước biển và ngôi Chùa Linh Sơn nằm trên núi Cao Cát. Đây là ngọn núi thiêng của cư dân trên đảo có tượng Phật Quan Âm rất uy nghi được đặt trên đỉnh núi.

Xung quanh đảo có 9 hòn gồm: Hòn Tranh, Hòn Đen, Hòn Trứng, Hòn Giữa, Hòn Đỏ, Hòn Hải, Hòn Đồ Lớn, Hòn Đồ Nhỏ, Hòn Đá Tý và đều là những nơi chụp hình, quay phim rất đẹp không thể bỏ qua.

Và điều không thể không thưởng thức khi đến đảo Phú Qúy đó là những món hải sản tươi, ngon trong đó có các món ốc vú nàng, cua mặt trăng, cá mú… đặc biệt là cua huỳnh đế ngon không có nơi nào sánh được.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem