Đào tạo “giảng viên” chăn nuôi

Thứ năm, ngày 16/01/2014 06:56 AM (GMT+7)
30 nông dân (ND) ở xã Thanh Xuân (Sóc Sơn, TP.Hà Nội) vừa kết thúc lớp sơ cấp nghề nuôi lợn do Hội ND xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Sóc Sơn tổ chức.
Bình luận 0
Ông Lê Minh Quyền- Chủ tịch Hội ND xã Thanh Xuân cho biết: “Trồng rau hữu cơ và nuôi lợn là 2 nghề chính trong cơ cấu nông nghiệp của xã Thanh Xuân. Tuy nhiên, Hội chỉ mới mở các lớp dạy kỹ thuật trồng rau mà chưa có lớp nào đào tạo bài bản về chăn nuôi”.

Sẽ là những tiểu giáo viên


Xã Thanh Xuân có 2.112 hộ nông nghiệp, trong đó có 300 hộ chăn nuôi lợn với quy mô lớn, nhỏ khác nhau trên diện tích 20ha. Do các hộ chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm nên thường gặp rủi ro trong quá trình chăn nuôi. Theo ông Quyền, những thời điểm đàn lợn bị dịch bệnh, đa phần ND phải nhờ cậy đến bác sĩ thú y làm ở các đại lý bán thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y ở thị xã Phúc Yên,Vĩnh Phúc (giáp ranh với xã Thanh Xuân). Để giúp ND chủ động phòng tránh dịch bệnh và chăn nuôi hiệu quả, Hội ND xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức dạy nghề chăn nuôi lợn”.

Sau khi tham gia lớp học, anh Hùng đã nắm vững kỹ thuật nuôi lợn.
Sau khi tham gia lớp học, anh Hùng đã nắm vững kỹ thuật nuôi lợn.

Tham gia lớp học nghề có 30 học viên. Nội dung học là phòng trị bệnh; chăm sóc lợn theo đúng quy trình từ khâu chọn giống, cho ăn đến vệ sinh chuồng trại....Ngoài thời gian học lý thuyết ở hội trường UBND xã, các giáo viên hướng dẫn thực hành tại các gia đình học viên, đảm bảo khi khóa học kết thúc học viên nào cũng nắm vững kỹ thuật nuôi lợn.

Ông Quyền cho hay: “Những học viên nòng cốt từ lớp học này, Hội sẽ chọn để làm giáo viên cho các lớp học tổ chức trong thời gian tới. Họ sẽ phổ biến kiến thức cho các hộ chăn nuôi khác trong xã chưa có điều kiện tham gia khóa học”.

Thu nhập tăng


Tham quan trang trại nuôi lợn rộng hơn 3.000m2 với 4 dãy chuồng của gia đình anh Nghiêm Văn Hùng, thôn Thanh Nhàn, học viên của lớp học, anh chia sẻ: “Đến nay, gia đình tôi đã nuôi lợn 6 năm. Trước đây tôi nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên không chủ động được khâu phòng chống dịch bệnh. Đã từng có lúc đàn lợn 58 con của gia đình tôi bị dịch chết hết, thiệt hại gần 200 triệu đồng”.

“Năm 2013, Hội ND xã Thanh Xuân đã mở 5 lớp dạy nghề cho 160 học viên gồm: 2 lớp chăn nuôi, 1 lớp trồng rau an toàn và 2 lớp trồng cây cảnh”.

Tham gia lớp học nuôi lợn, anh Hùng phấn khởi vì đợt bán lợn vừa qua anh thắng lớn. “Chủ động tiêm phòng, đàn lợn của gia đình tôi không dịch bệnh, lớn nhanh. Với 200 con lợn, 2 năm xuất chuồng 5 lứa, mỗi năm gia đình tôi có hơn 800 triệu đồng”.

Không chăn nuôi với số lượng lớn như anh Hùng nhưng học viên Nguyễn Văn Sương (thôn Thanh Nhàn) cũng có thu nhập khá cao. Anh Sương tâm sự: “Tham gia lớp học, được thầy giáo hướng dẫn, tôi đã biết cách tiêm phòng cho đàn lợn. Nhờ vậy, gần 30 con lợn của gia đình tôi lớn trông thấy. Năm 2013 vừa qua, tôi thu hơn 100 triệu đồng”.

Lan Dương (Lan Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem