Chợ Đồng Xuân ở Mátxcơva
Ở những thời điểm thịnh vượng nhất của hàng Việt tại Mátxcơva, có tới 16 trung tâm thương mại lớn, mỗi trung tâm thương mại có từ 300-500 quầy hàng, chưa kể những chung cư bao gồm từ 5.000- 7.000 người Việt, đều có những cửa hàng bán đồ quê Việt Nam.
Các mặt hàng đồ khô mang tính chất “làm quà” được bày bán ở chợ Đồng Xuân. (Ảnh: Đàm Duy)
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhu cầu dùng thực phẩm khô từ Việt Nam gia tăng trong cộng đồng người Việt tại Mátxcơva. Sau khi có những chuyến máy bay cho phép chở thực phẩm thì lập tức xuất hiện những quầy thực phẩm Việt Nam ở các khu chợ có người Việt buôn bán. Tuy nhiên, phải đến năm 1999 trở đi, lúc Vietnam Airlines mở 4 chuyến bay/tuần, Hãng Aeroflot 2 chuyến và sau đó những năm đầu thế kỷ 21 có mười mấy chuyến bay mỗi tuần thì hàng Việt Nam xuất ngoại sang Nga nhiều hơn, phục vụ kịp thời nhu cầu ẩm thực của người Việt.
Từ những năm đầu của thế kỷ 21, ở chợ Đồng Xuân bán những món quà quê đồ Việt nào, thì ở chợ người Việt ở Mátxcơva cũng có những món đồ tương tự. Người Việt ở Nga vẫn quen dùng khái niệm “đánh hàng” để nói về việc mua hàng từ Việt Nam sang Nga.
Riêng mảng hàng khô, hàng được đánh sang Nga rất nhiều, đầu tiên là theo nhu cầu ẩm thực của người Việt, như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, các gia vị hương liệu… Song khi đến ngày tết, người Việt bắt đầu đánh lá dong, đậu xanh, gạo nếp sang để gói bánh chưng và giò. Trước đây, người Việt vẫn nhập giò từ Việt Nam sang, nhưng sau này công nghệ gói giò ở Nga không thua gì ở Việt Nam. Cũng thịt như vậy, cũng gia vị như vậy chỉ khác nhau là nếu ở Việt Nam gói bằng lá dong và lá chuối thì bên này khắc phục bằng cách gói bằng túi nylon hoặc ống nhôm, nhựa, song chất lượng cũng hoàn toàn đảm bảo.
Những năm gần đây, người Việt nhập thêm nhiều đồ ăn, thức uống đóng hộp như nước dừa, lê, táo, chôm chôm, nước vải và thậm chí cả cà muối, tương Bần, nước mắm, mắm tôm, mắm ruốc…
Thậm chí những khách nào có nhu cầu hơi độc đáo một chút như cần con rắn hổ mang, thịt chó, cá chuối, thậm chí cần cả nhộng tằm đều có thể đặt trước một ngày và các chủ hàng sẽ vận chuyển theo đường hàng không. Tuy nhiên, giá của những mặt hàng này đắt hơn rất nhiều so với giá ở Việt Nam và cộng thêm 10 USD/kg (210.000 đồng) tiền cước vận chuyển.
Mua quà quê, mua miền ký ức
Việc các doanh nghiệp Việt kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm phục vụ người xa xứ đã mở ra một chương rất mới cho cộng đồng người Việt sống ở Nga, khiến ai nấy đều có cảm giác Tổ quốc rất gần.
Nhưng, với những người Nga đã từng sống ở Việt Nam, việc tìm mua những món quà quê, đồ Việt cũng chính là cách để họ tìm về miền ký ức đã từng có ở Việt Nam.
Nhiều người nước ngoài thích lân la tìm những quầy hàng Việt Nam để mua và đặc biệt là những người ở các nước như Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia không có những quầy hàng như vậy nên vẫn thường đến các nhà hàng Việt Nam mua. Những mặt hàng mà khách Tây thường mua là nước mắm, mì chính, bánh phồng tôm và thậm chí cả mắm tôm. Còn đối với khách đến từ các nước vùng Đông Nam Á thì mua hoàn toàn giống nhu cầu của Việt Nam. Mặc dù biết rằng giá hơi cao nhưng những thứ đó không phải nơi nào cũng mua được, đặc biệt là ở Mátxcơva có tới 800 siêu thị nhưng không tìm ra những thứ này.
Điều đặc biệt, có một số món hàng Việt như măng, miến khá tương đồng với hàng của Trung Quốc, nhưng tại Matxcơva những món quà quê, đồ Việt này không gặp phải bất kỳ sự cạnh tranh nào, thậm chí người Trung Quốc cũng mua hàng của Việt Nam.
Ở Nga hiện có khoảng 5 doanh nghiệp Việt Nam rất lớn chuyên buôn bán hàng khô. Hàng khô mang lại lợi nhuận rất cao vì đơn giản giá của hàng khô không bao giờ hạ và nhu cầu tiêu thụ lớn. Ngoài ra, những món quà Việt này đều là đặc sản của Việt Nam nên giá bán thường cao hơn các thực phẩm hàng ngày. Đặc biệt vào các dịp lễ tết, quà quê người Việt là thứ không thể thiếu trong các mâm cỗ truyền thống nên tâm lý không tiếc tiền để mua bằng được những món đồ đó là điều dễ hiểu.
Thực ra người Việt sống ở Nga thường eo hẹp về thời gian. Buổi sáng họ thức dậy sớm và đã ra chợ bán hàng từ 4 - 5 giờ sáng. Trong ngày cần thực phẩm thì gọi điện đặt hàng, đến khi cuối ngày buôn bán xong, mọi người chỉ ghé qua các cửa hàng bán đồ Việt để lấy hàng đã được chuẩn bị sẵn mang về. Người Việt vẫn luôn có thói quen cả gia đình quây quần bên mâm cơm vào cuối ngày, dù chỉ là một chút canh rau muống luộc ăn với cà, hay sang hơn là nem cuốn, chả giò… nhưng đều tạo nên dư vị đậm đà của bữa cơm Việt Nam nơi đất khách quê người.
Hiện ở Nga có khoảng 7 khu chợ có lượng quà Việt được bày bán nhiều nhất: Chợ Borino lớn nhất với khoảng từ 25.000-27.000 người Việt làm việc, tiếp đến là chợ Saluvot với khoảng từ 15.000-17.000 người Việt, chợ cây số 19 khoảng từ 3.000-4.000 người Việt, chợ Kim Sơn khoảng 1.000 người Việt, chợ cây số 41 có khoảng 4.000 người Việt. Ngoài ra, tại các khu nhà ở của người Việt như khu Rư Bắc, Mê Kông cũng có các cửa hàng bán đồ Việt rất lớn, phục vụ khoảng 5.000 người Việt sinh sống.
Khó khăn nhất của việc bán những món hàng Việt này là đường di chuyển rất dài. Hiện nay hàng ở trong nước đưa sang chủ yếu bằng hàng không, bởi những món đồ tươi, sống không thể để lâu. Còn những mặt hàng như mì ăn liền, gạo nếp, gạo tám, miến, măng… được gửi bằng đường biển. Với những mặt hàng gửi qua hàng không thì bị giá cước rất cao, kiểm dịch khắt khe…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.