Đất hoang cho bạc tỷ

Thứ hai, ngày 21/10/2013 06:44 AM (GMT+7)
“Mảnh đất này trước kia là vùng hoang hóa. Từ khi ông Trịnh Huy Khuê bắt tay cải tạo trồng mía, trồng rừng, không những gia đình ông đã thu bạc tỷ, mà hàng ngàn lao động có việc làm” - người dân xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa tự hào khi nói về ông Khuê.
Bình luận 0
Bảo lãnh cho hộ nghèo

Năm 1989, ông Khuê xuất ngũ về quê và lập gia đình. Ba đứa con lần lượt ra đời. Vừa nuôi mẹ già, vừa nuôi con nhỏ, vợ chồng ông phải làm đủ nghề mà vẫn không đủ ăn. Ông nghĩ: "Mình trẻ, có sức khỏe, vậy tại sao không nhận những phần đất đồi hoang hóa kia mà làm?". Được vợ đồng thuận, ông xin nhận thầu 5ha khu đồi của xã để canh tác. Chỗ nào đất tốt, bằng phẳng, ông trồng mía, còn lại ông trồng cây lấy gỗ và xen canh các loại rau màu để "lấy ngắn nuôi dài".

Ông  Khuê là người mở đường cho ND Thọ Bình làm giàu từ  mía.
Ông Khuê là người mở đường cho ND Thọ Bình làm giàu từ mía.

Ngay vụ đầu tiên, trừ chi phí, ông thu được 20 triệu đồng. Không bằng lòng, ông nhận thêm 25ha đất đồi của xã để mở rộng sản xuất và trực tiếp ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Đường Lam Sơn. Thành công nối tiếp thành công, công việc làm ăn của ông ngày càng trôi chảy.

Có vốn trong tay, ông đứng ra ký hợp đồng bảo lãnh cho các hộ nghèo trong xóm với Nhà máy Đường Lam Sơn phát quang đồi hoang, trồng mía. Chỉ sau 10 năm, vùng đất Thọ Bình đã mở rộng thêm gần 200ha mía với 250 gia đình tham gia. Đến nay, ngoài 400ha diện tích mía với 600 hộ trồng do ông làm chủ hợp đồng, còn có 200ha diện tích rừng do ông chịu trách nhiệm tư vấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ... thuộc các xã Thọ Bình, Bình Sơn (huyện Triệu Sơn) và xã Sơn Thọ (huyện Như Thanh), giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người.

Cùng nông dân làm giàu

Ông Lê Viết Cao (xóm 11, xã Thọ Bình) phấn khởi, nói: “Những năm trước đây vợ chồng tôi làm quần quật quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Từ khi được ông Khuê giúp đỡ giống, phân bón, công làm đất, kỹ thuật trồng... đến nay, gia đình tôi có 1,5ha mía và 15ha cây lâm nghiệp. Tôi đã sắm được cả ô tô để đi rồi”.

Hiện, ông Khuê đang tạo việc làm thường xuyên cho 2.000 lao động địa phương, hàng năm cung cấp cho Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn khoảng 19.000 tấn mía nguyên liệu.


Ông Lương Sỹ Thủy, ở thôn Ba Sông, xã Bình Sơn (huyện Triệu Sơn), cho hay: “Cả nhà tôi sống nhờ vào mấy sào đất cằn cỗi, quanh năm không đủ ăn... Từ khi trồng mía cùng với ông Khuê, giờ gia đình tôi đã có nhà khang trang, tiện nghi đầy đủ, con cái được học hành tử tế”. Ở vùng đất này, hàng trăm hộ nghèo đã được ông Khuê tận tình giúp đỡ đã vươn lên làm giàu.

Theo ông Khuê, muốn thành công người trồng mía phải nắm chắc kiến thức thâm canh. Vì vậy, ông đã phối hợp với Nhà máy Đường Lam Sơn mời cán bộ kỹ thuật về tận các thôn để mở các lớp tập huấn; đồng thời phối hợp với một số trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nghiên cứu chất đất cung cấp các loại giống mía phù hợp cho năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, ông đã bỏ ra hàng tỷ đồng để mua phân bón cung cấp trả chậm cho bà con; đầu tư các loại máy móc nông cụ để phục vụ trọn gói cho các hộ trồng mía. Ông Khuê tâm sự: "Làm trang trại là vốn đầu tư ban đầu lớn nên ND rất sợ thua lỗ. Khi đã có nguồn cung, cầu ổn định, bà con mới an tâm canh tác và vững tin phát triển đồng mía của mình".

Năm 2009, ông Khuê thành lập Công ty Trịnh Thành Minh. Giờ đây, trong tay ông có 6 xe vận tải, 3 máy làm đất, 4 máy xúc, 4 máy ủi... Trừ chi phí, gia đình ông thu khoảng 700 triệu đồng/năm.

Hồng Đức - Hoài Thu (Hồng Đức - Hoài Thu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem