Tại buổi họp báo chuyên đề về Dự án Luật thuế tài sản do Bộ Tài chính tổ chức chiều 13.4, theo đề xuất do Bộ Tài chính đưa ra trong nội dung xây dựng dự án Luật thuế tài sản, đối với đất, đối tượng chịu thuế là người có đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế nhưng sử dụng kinh doanh hoặc để ở.
Các đối tượng sử dụng đất không chịu thuế như đất nông nghiệp, đất các cơ quan, trụ sở, công trình công cộng… Giá tính thuế được tính theo từng mét vuông. Với nhà chung cư được tính theo diện tích các căn hộ nhân với hệ số (hệ số với nhà chung cư để ở là 0,2; hệ số nhà chung cư để kinh doanh là 0,3).
Về giá tính thuế với nhà, căn cứ theo giá nhà từng cấp, hạng, chất lượng nhà do chính quyền cấp tỉnh ban hành hằng năm. Với nhà đã qua sử dụng, việc xác định giá trị còn lại tương tự cách tính để thu lệ phí trước bạ. Ngưỡng chịu thuế được xác định trên bảng giá chi phí xây dựng nhà (do Bộ Xây dựng ban hành) và trên diện tích nhà bình quân theo đầu người (25m2/người).
Theo đó, giá bình quân xây dựng nhà hiện là 7,3 triệu đồng/m2, nếu nhà 4 người diện tích nhà tối thiểu là 100m2, như vậy giá sàn là 730 triệu đồng. Từ tính toán đó, cơ quan soạn thảo đề xuất chọn giá sàn tính thuế với nhà có thể từ 700 triệu đồng, hoặc 1 tỷ đồng trở lên.
Theo ông Phạm Đình Thi (Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính) đất lấn chiếm vẫn phải nộp thuế. Nhưng việc nộp thuế, không có nghĩa Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp (Ảnh minh họa)
Cũng tại cuộc họp, khi PV đặt câu hỏi: “Đất không thuộc sở hữu của cá nhân, sao có thể xác định tài sản để đánh thuế?”.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) trả lời: “Vấn đề này chúng tôi từng đưa ra nghiên cứu, thảo luận. Ở đây, nói về quyền sử dụng đất, giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dài hạn cho các doanh nghiệp, cá nhân.
Trong Luật này, chúng tôi quy định kể cả đất lấn chiếm, anh cũng phải nộp thuế. Điều này có mới không? Tôi xin nói là không mới. Nhưng trong Luật cũng nêu, thu thuế không có nghĩa là xác định quyền sở hữu hợp pháp. Thuế phải nộp ở đây là anh sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình xã hội, lợi ích công cộng thì anh có nghĩa vụ phải đóng thuế cho Nhà nước để bồi dưỡng đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng việc anh nộp thuế, không có nghĩa Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp. Hai câu chuyện này rất khác nhau, không có nghĩa tôi nộp thuế thì tài sản đó là hợp pháp”.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)
Trước lo lắng của phóng viên do cơ sở dữ liệu về nhà, đất của Việt Nam chưa được cập nhật đầy đủ. Từ đây, câu hỏi đặt ra là cơ quan chức năng sẽ làm gì để tính đúng, tính đủ tiền thuế của người dân, đảm bảo công bằng?
Ông Phạm Đình Thi nói: "Khi đặt bút nghiên cứu thì đúng là đây cũng là vấn đề chúng tôi đặt ra. Với đất, ta thừa kế dữ liệu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã ổn định khoảng 5 năm nay rồi. Còn với đất nông nghiệp, ta cho vào đối tượng không chịu thuế".
Theo ông Thi, với nhà, có thể căn cứ vào việc cấp quyền sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu nhà để xác định. Với trường hợp chưa được cấp các loại giấy tờ này thì có thể căn cứ vào thực tế đang sử dụng. Vấn đề là làm sao tính đủ, đây là câu chuyện khó. Nếu một người có nhà ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, làm sao biết chủ sở hữu. Hoặc ví dụ nhà người đó ở Thành phố Hồ Chí Minh đứng tên người khác thì sao. Vấn đề này ta hiện chưa có cách gì.
"Theo tôi, quản lý nhà ở phải từng bước tuy nhiên nếu đòi hỏi ngành thuế làm được việc đó thì chắc là không", ông nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.