Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng (Tổ tư vấn) vào chiều 20-4.
TS. Vũ Viết Ngoạn Tổ trưởng Tổ tư vấn - Ảnh: Quang Hiếu
Tại buổi làm việc TS. Vũ Viết Ngoạn Tổ trưởng Tổ tư vấn cho biết các chuyên gia cảnh báo những năm tới, động lực tăng trưởng hiện nay khó duy trì tính bền vững. Vì vậy tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy tăng năng suất lao động nội ngành cần được coi là mệnh lệnh chính trị.
Tổ tư vấn dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018-2020 trên 3 kịch bản chính. Kịch bản 1, tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,71%/năm, kịch bản 2 là 6,83%/năm và kịch bản 3 là 7,47%/năm. Với 3 kịch bản được tính toán dựa trên mô hình kinh tế lượng dạng cấu trúc, Tổ tư vấn đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm tới, từ 2018-2020, ở mức 6,85%.
Cho rằng chủ nghĩa bảo hộ cùng xu hướng phản đối thương mại tự do đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây mà tiêu điểm là nguy cơ chiến tranh thương mại và tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc Tổ tư vấn kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó các nguy cơ trên.
"Chính sách kinh tế năm 2018 và các năm tiếp theo cần tiếp tục ưu tiên mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chưa tăng thuế đối với doanh nghiệp"- Tổ tư vấn kiến nghị.
Hoan nghênh các ý kiến quý báu, sát thực, Thủ tướng cho biết có nhiều ý kiến quan trọng đối với việc định hình một số khung chính sách mà Chính phủ sẽ xử lý thời gian tới.
Thủ tướng: "Thuế tài sản phải đúng đối tượng như người giàu, người có 2 nhà trở lên"
Đáng chú ý, trao đổi với thành viên Tổ tư vấn về đề xuất dự án Luật Thuế Tài sản mà Bộ Tài chính đưa ra, Thủ tướng nhấn mạnh: "Câu hỏi lớn cần đặt ra là làm sao sử dụng nhà đất tốt hơn, cần điều chỉnh đúng đối tượng như đối với người giàu, người có 2 nhà trở lên… và mức khởi điểm nào phù hợp với tình hình Việt Nam, thời điểm thực hiện Luật Thuế tài sản như thế nào cho phù hợp…".
Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục giải phóng sức sản xuất thông qua thể chế chính sách, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
"Chính sách kích cung vẫn được đặt ra trong bối cảnh hiện nay, đồng thời với đó là đẩy mạnh giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh"- Thủ tướng nhìn nhận.
Thủ tướng nhất trí động lực mới cho tăng trưởng là tiếp tục đổi mới thể chế quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, nâng đỡ doanh nghiệp thông qua giảm chi phí và thủ tục, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế trong tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng khẳng định sẽ thường xuyên gặp gỡ các nhà khoa học, trí thức để lắng nghe, đặc biệt là Tổ tư vấn.
Thế Dũng (Người lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.