Đặt vòng: Không phải “một lần là mãi mãi”

Thứ ba, ngày 22/03/2011 07:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đặt vòng tử cung là biện pháp tránh thai phổ biến đối với chị em ở nông thôn. Tuy nhiên, việc đặt vòng tránh thai không phải "một lần là mãi mãi". Chị em nên có sự chăm sóc định kỳ đối với "vật thể lạ" này trong cơ thể.
Bình luận 0

Biến chứng do chiếc vòng hơn "30 tuổi"

img

Chị em cần đến các cơ sở y tế tin cậy để được tư vấn và khám phụ khoa định kỳ.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) tiếp nhận một bệnh nhân nữ trong tình trạng đau bụng dưới dữ dội. Siêu âm cho thấy một chiếc vòng tránh thai nằm ép bên thành tử cung. Các bác sĩ đã phải phẫu thuận lấy chiếc vòng ra. Bệnh nhân là bà Đinh Thị Hải, 67 tuổi, ở thị trấn Đông Lê, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Theo lời bà kể, cách đây 30 năm, bà đã đi đặt vòng, nhưng sau đó bà vẫn có thai và sinh thêm 2 lần nữa. Bà cứ nghĩ vòng đã trôi ra ngoài.

Gần đây, bà thường xuyên bị đau lưng, đau bụng, đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên bà vẫn tưởng đó là bệnh của tuổi già nên không đi khám, cho đến khi phải đi cấp cứu vì đau bụng dữ dội. Bác sĩ đã phát hiện chiếc vòng tránh thai nằm ở vị trí dưới gan, dưới hạ sườn phải, nội tạng đã dính lại, bao quanh chiếc vòng.

Tương tự như vậy, cuối năm 2010, bà Trần Thị Trâm, 53 tuổi (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng thấy đau bụng lâm râm, khí hư ra liên tục. Bà đi khám tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư thì bác sĩ phát hiện chiếc vòng tránh thai mà bà từng đặt cách đây 27 năm, sau khi sinh con thứ 2 đã lệch khỏi vị trí ban đầu, gây chèn ép. Bác sĩ rất vất vả mới lấy được ra.

Chăm sóc "vật thể lạ"

img Phụ nữ đặt vòng tránh thai nên thường xuyên khám phụ khoa định kỳ để có sự tư vấn của bác sĩ. img

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức (Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình), đặt vòng tử cung là biện pháp tránh thai vừa rẻ tiền, vừa đơn giản mà chị em hay dùng, đặc biệt ở nông thôn. Chiếc vòng có thể là vòng nhựa hoặc mạ đồng, được đặt vào cổ tử cung để ngăn chặn sự làm tổ của trứng. Tuy nhiên, chị em không nên đơn giản hóa "chiếc vòng" mà cần tìm đến các cơ sở y tế có uy tín để việc thăm khám đúng chuyên môn, việc đặt vòng đảm bảo vệ sinh vô trùng, đúng kỹ thuật. Nếu các cơ sở không có uy tín thì rất dễ xảy ra sự cố như: Đặt vòng vẫn có thai, thủng tử cung vì việc đặt không đúng kỹ thuật, băng huyết…

Đặc biệt, trước khi đặt vòng, chị em phải được khám phụ khoa để đảm bảo mình "khỏe mạnh". Nếu đang viêm nhiễm mà đặt vòng sẽ đẩy vi trùng vào bên trong, gây viêm nhiễm vùng chậu, hoặc gây viêm dính vòi trứng, nếu sau này muốn có con sẽ khó.

Bác sĩ Đức cho biết: Không có "tuổi thọ" cố định cho các loại vòng tránh thai. Nếu là vòng nội tiết tố để ngừa thai thì chỉ vài năm là hết tác dụng, cần tháo ra để đặt cái mới. Còn nếu là loại ngừa thai "vĩnh viễn" thì có thể tồn tại an toàn trong tử cung của phụ nữ. Nhưng cho dù là vòng gì, đặt bao lâu thì việc khám bệnh phụ khoa hàng năm và "chăm sóc" chiếc vòng xem nó có đang làm đúng "chức năng, nhiệm vụ" không là việc đương nhiên của phụ nữ. Các cán bộ dân số, y tế xã - phường nên có sổ ghi chép danh sách những người đặt vòng để nhắc nhở chị em đi khám định kỳ 6 tháng hoặc lâu nhất là 1 năm/lần.

Còn nếu vòng có biến chứng thì chị em cũng có thể dễ nhận thấy bằng các dấu hiệu như: Đau lưng, đau bụng lâm râm, khí hư, huyết trắng, rong kinh bất thường. Lúc này chị em nên nhanh chóng đi khám để bác sĩ tư vấn, điều trị. Việc không chăm sóc "vật thể lạ" có thể sẽ xảy ra các trường hợp viêm nhiễm, hoặc vòng bị "lạc" lung tung, thậm chí vào cả khoang bụng sau khi làm thủng tử cung, gây đau do dính các nội tạng, đồng thời có thể gây tắc ruột và các biến chứng làm nguy hiểm đến tính mạng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem