“Bạo lực tình dục (BLTD) không chỉ tổn hại thể xác, phá hủy tinh thần của nhiều phụ nữ, mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV” – bà Phạm Thị Thanh Giang - chuyên viên Trung tâm CSAGA nhận định.
1.001… kiểu tra tấn
Chị Nguyễn Thị Thân (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) đã nhiều năm liền bị chồng “tra tấn”. “Anh ta đi làm ăn xa, khi về thường mở băng sex rồi bắt tôi thực hiện đủ trò trong đó. Không chỉ đau đớn về thể xác mà còn xấu hổ đến chết. Tôi cảm thấy mình giống như một con vật” - chị Thân tủi hổ.
Những chuyện mất mặt như vậy, chị không dám kêu với ai nên nỗi đau càng dồn nén. Chồng chị Thân lại lên mặt tự hào vì “mấy đàn ông được điêu luyện như tao”. Chị cũng đã 9 lần phải nạo phá thai vì chồng không chấp nhận cho vợ sử dụng các biện pháp tránh thai. Đã có lần chị định tìm đến cái chết nhưng thương 3 con còn nhỏ dại nên đứng trước bờ suối, chị lại gạt nước mắt quay về.
Nghiên cứu “Thực trạng bạo lực tình dục và cách ứng phó” của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) năm 2011 đối với 165 nạn nhân bị bạo lực gia đình tại một số xã ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), huyện Tân Lạc (Hòa Bình), phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) cho thấy, hơn 85% số các chị thường xuyên bị chồng và bạn tình cưỡng ép quan hệ tình dục bất cứ lúc nào mà không quan tâm đến cảm xúc hay thái độ của vợ.
Rượu cũng là nhân tố “tiếp tay” đắc lực cho BLTD. Có đến 43% số phụ nữ trong khảo sát cho biết đã bị BLTD khi chồng say xỉn. Tỷ lệ này ở phụ nữ di cư cao gấp 3 lần phụ nữ ở địa phương. Đặc biệt, 60% số chị em bị ép buộc quan hệ tình dục trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc đang đau ốm, 43% bị ép “thực hành” như trong phim khiêu dâm...
“Bạo lực gia đình đã khó phát hiện và ít phụ nữ dám lên tiếng tố cáo, BLTD lại càng khó hơn. Hầu hết chị em đều coi đó là nỗi xấu hổ, tủi nhục và chỉ dám âm thầm chịu đựng” – bà Nguyễn Vân Anh – chuyên viên Viện Nghiên cứu xã hội ISDS cho biết.
Di chứng nặng nề
Vì bị bạo hành ở lĩnh vực “khó nói, khó chia sẻ” nên nhiều chị em bế tắc tới mức có ý nghĩ tự tử, 40% số chị em đã “chết hụt” bằng các hình thức khác nhau như uống thuốc sâu, thuốc ngủ, treo cổ tự tử, nhảy cầu, nhảy xuống sông…
Ngoài ra, nếu vẫn phải sống chung với những người chồng có xu hướng BLTD, chị em luôn sợ hãi khi quan hệ tình dục, nhiều chị em đã bị tổn thương vùng kín, mệt mỏi, căng thẳng. Tuy nhiên, chỉ có 10% số chị em tới các cơ sở y tế để thăm khám do họ xấu hổ, sợ hãi. Nhiều chị em vẫn cho rằng việc “chiều chồng” vô điều kiện và không phản kháng là “nhiệm vụ” của người vợ.
Theo Báo cáo quốc gia về bạo lực gia đình Việt Nam 2010, gần 10% phụ nữ đã từng bị BLTD trong gần 60% phụ nữ đã từng bị bạo lực. Còn theo điều tra của CSAGA, hơn 83% chị em cho rằng việc họ bị ép buộc QHTD là một trong nguyên nhân khiến họ không hạnh phúc.
Điều nguy hiểm hơn là nhiều chị em gặp phản ứng mạnh mẽ của chồng khi sử dụng các biện pháp tránh thai như không dùng bao cao su, dùng vũ lực đe dọa và đánh vợ khi vợ dùng biện pháp tránh thai... Những người chồng này hoàn toàn không dùng bao cao su hoặc dùng không thường xuyên.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc CSAGA cho biết: "Chính vì nguyên nhân này khiến phụ nữ ở nông thôn có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Người chồng đi làm xa về, có quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm nhưng không dùng bao cao su khi quan hệ tình dục với vợ. Khi bị BLTD, chị em cũng thường bị tổn thương, chảy máu, dễ lây nhiễm HIV hơn… Ngoài ra, họ cũng dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác…”.
Theo bà Vân Anh, đã đến lúc chị em cần nâng cao nhận thức về BLTD, có kỹ năng ứng phó khi bị bạo lực và từ chối các hành vi tình dục không an toàn.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.