Dâu trưởng gánh gồng việc dòng họ

Thứ tư, ngày 19/10/2011 08:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngôi vị “trưởng họ” đầy vinh dự và trách nhiệm lẽ dĩ nhiên là thuộc về các đấng mày râu. Nhưng đằng sau ông trưởng họ uy nghi đó là những nàng dâu “trưởng họ” gánh gồng đủ trách nhiệm trên vai.
Bình luận 0

Ăn đứng, ngủ ngồi

Bà Nguyễn Thị Liên ở Ngọc Lý (Tân Yên, Bắc Giang) về làm dâu trưởng trong một gia đình có 7 anh chị em, trong đó có tới 5 anh em trai, khi bà mới 17 tuổi. Cậu em út lúc đó mới 3 tuổi nên bà vừa làm vợ, làm mẹ, kiêm cả vú em của em chồng. Sau đó, cứ em chồng nào dựng vợ gả chồng, một mình bà lại bươn bả lo toan. “Không kể những lo toan trước đám cưới, ba ngày cưới là ba ngày tôi gần như ăn đứng, ngủ ngồi. Chợp mắt cũng thấy mình đang chạy” - bà Liên tâm sự.

img
Việc làm cỗ đám hiếu, đám hỉ đều do bàn tay chị em cáng đáng.

Chồng bà Liên không chỉ là con trưởng mà còn là trưởng họ nên bà không chỉ lo việc cũng giỗ, lễ Tết của riêng nhà chồng mà còn phụ trách giỗ của cả họ. Giỗ bao nhiêu mâm, bà Liên đều “tung hoành ngang dọc”, lần thì chỉ đạo các em dâu, cháu dâu cùng vào bếp phụ giúp, lần thì mình bà đảm đương cả. Còn các đám cưới hàng trăm mâm, bà Liên cũng thể hiện vai trò “nội tướng” dòng họ, phân công công việc, cắt cử người nào việc đấy.

Chồng bà Nguyễn Thị Tâm (thành phố Bắc Giang) là trưởng họ và cũng là con trai độc nhất. Về làm dâu năm đầu, bà quay cuồng trong hơn 20 đám giỗ. Hai đám lớn thì mời họ hàng, làm dăm mâm cỗ. Còn các đám nhỏ cũng phải làm 2-3 mâm cho con cháu thân thích đến dự. “Ông chồng tôi mang tiếng là trưởng họ nhưng ngày giỗ vợ nhắc mới nhớ, đến bữa thì chỉnh tề quần áo, ngồi đợi vợ bê cỗ lên rồi thắp hương cúng vái. Việc trong họ cũng đợi vợ nhắc, thăm nom, đóng góp thế nào cũng “tùy vợ”.

“Trưởng ban hòa giải”

Nhà chồng bà Liên có 5 anh em trai, lại ở loanh quanh cùng làng, cùng xã, nên thường xuyên va chạm. Việc giỗ chạp cần huy động “đóng góp” cũng không thể “cào bằng” mà bà Liên phải lựa gia cảnh. Rồi bữa vợ chồng các em có chuyện xích mích, bà Liên đều phải lui tới nhỏ to, xoa dịu, phân tích thiệt hơn. Nhờ sự công bằng, độ lượng mà 4 cậu em chồng lớn bạc đầu nhưng hễ chị dâu tới “nói chuyện” đều ngồi im, gật gù lắng nghe.

Nhà bà Tâm thì có đến 6 cô em chồng. Khi bà về làm dâu, các em đều chưa lấy chồng. Vì thế, một mình bà “tả xung hữu đột” trước đủ trò trêu chọc, dò xét của các cô em. Xung khắc không ít. Nhưng đến lúc đi lấy chồng, các cô em đều rơm rớm nước mắt, nắm chặt tay chị dâu không rời. Họ hàng có việc đều tìm đến bà đầu tiên để được chỉ bảo, giúp đỡ. “Tôi giống như trưởng ban hòa giải của cả họ. Việc nào mình không làm được thì lại đứng ra nhờ người nọ, người kia” – bà Tâm cho biết.

Làm dâu trưởng, mà còn là trưởng họ thì phải gánh vác nhiều trách nhiệm mang tính truyền thống của gia đình. Vất vả rất nhiều nhưng nếu được chồng con, anh chị em ghi nhận thì đấy chính là niềm tự hào của các nàng dâu trưởng.

Ở Hà Nội, dòng họ Nguyễn Lân nổi tiếng về thành đạt. Tính đến 3 đời, con trai con gái, dâu rể, các cháu có gần 20 Giáo sư, phó Giáo sư, tiến sĩ. PGS-TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu (vợ GS-TS Nguyễn Lân Dũng) cũng đảm đương trách nhiệm làm “chị cả” của 5 cô em dâu và 2 cô em chồng. Bà trở thành "tổng chỉ huy" được các em dâu tin cậy, tín nhiệm. Ngày giỗ Tết, bà gọi điện cho từng em, nói kế hoạch, xin ý kiến, sau đó mới phân công từng người: Cô Nguyên lo hoa, cô Hải sửa soạn bàn thờ, cô Ngà mua đồ lễ...

Bà Hiếu cũng luôn khởi xướng và duy trì nề nếp tụ tập gia đình trong ngày Tết, ngày giỗ, kỷ niệm ngày cưới bố mẹ, để anh chị em gặp gỡ nhau, chia sẻ kỷ niệm nối dài yêu thương và niềm tự hào về truyền thống gia đình của dòng họ Nguyễn Lân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem