Lao đầu vào trồng lan đột biến, đã "liều" mà chưa kịp ăn nhiều đã trắng tay, bay hết nhà lầu xe hơi
Đầu tư lan đột biến, "liều" chưa được "ăn nhiều" thì nhà lầu, xe hơi đã không cánh mà bay
Thứ ba, ngày 20/04/2021 09:19 AM (GMT+7)
Nhờ cơn sốt lan đột biến đã có người tậu xe, mua nhà, nhưng cũng có không ít người cả nhà, xe đều không cánh mà bay, thậm chí mắc nợ vì sa vào săn lan quý và phải trả một cái giá đắt. Đối với những người ngoài cuộc thì đều có chung một câu hỏi: Bao giờ lan đột biến "vỡ”?
"Vua chơi lan, quan chơi trà”, nếu trước kia, hoa lan được coi là thú chơi tao nhã, cao quý của những người thật sự đam mê vẻ đẹp của lan thì hiện giờ, dưới cơn sốt của lan đột biến đâu đâu cũng thấy cảnh "nhà nhà chơi lan, người người vào lan".
Nhờ cơn sốt lan đột biến đã có người tậu xe, mua nhà, nhưng cũng có không ít người cả nhà, xe đều không cánh mà bay, thậm chí mắc nợ vì sa vào săn lan quý và phải trả một cái giá đắt. Đối với những người ngoài cuộc thì đều có chung một câu hỏi: Bao giờ lan "vỡ”?
Hồi chuông cảnh báo đầu tư trồng lan đột biến
Liên tục trong thời gian qua, rất nhiều cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ bong bóng lan đột biến có thể để lại những hệ lụy lớn đối với những nhà đầu tư.
Theo giới chuyên gia, những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ xuất hiện rầm rộ thời gian qua thực chất chỉ là chiêu trò của một nhóm người. Phần lớn các giao dịch lan đột biến tiền tỷ đều là ảo hoặc có những thỏa thuận ngầm với nhau, nhằm chiếm tiền của người chơi. Chỉ có người mua cuối cùng gánh hậu quả là có thật.
Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có công văn gửi tới lãnh đạo Hội Sinh vật cảnh các địa phương về việc khuyến cáo mua, bán lan đột biến.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng đã có cảnh báo từ rất sớm và khuyến cáo người dân thận trọng khi tham gia vào các giao dịch mua bán lan đột biến để tránh bị thiệt hại về tài chính.
Hiện nay, trên nhiều hội, nhóm, diễn đàn và các phương tiện truyền thông đại chúng đang bàn tán xôn xao về giá trị của giống lan đột biến, trong đó, có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra đối với người chơi, các cơ quan chức năng đều khuyến cáo người dân cẩn trọng, tỉnh táo khi tham gia mua bán, trao đổi về chủng loại lan đột biến.
Tại Vĩnh Phúc, việc trao đổi, mua bán phong lan nói chung và lan đột biến nói riêng cũng rất sôi động. Riêng trên mạng xã hội facebook, có ít nhất hàng chục nhóm và fanpage cho những người chơi hoa lan ở Vĩnh Phúc tham gia trao đổi, mua bán các loại lan như Hội yêu hoa lan tỉnh Vĩnh Phúc, Hội hoa lan phi điệp đột biến Vĩnh Phúc….
Trên các nhóm này, có nhiều bài viết quảng cáo lan đột biến với các dòng như lan đột biến HO (lan đột biến Hiển Oanh), lan đột biến HYT (lan đột biến Hồng Yên Thủy), lan đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ…
Theo anh B, một chủ vườn lan tại thành phố Vĩnh Yên, tuy trên địa bàn thành phố chưa ghi nhận trường hợp nào bị lừa bán lan đột biến giả nhưng ở các tỉnh, thành phố khác đã có nhiều trường hợp mua phải lan giả với số tiền bị lừa lên tới cả tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ ghi nhận một số trường hợp người bán giao nhầm cây, nhưng sau đó đã đổi lại đúng cây theo thỏa thuận, nên người mua chưa bị thiệt hại.
Anh B cũng chia sẻ: "Những người chơi và kinh doanh lan chân chính đều không muốn bị mất uy tín trong giao dịch và ảnh hưởng của những vụ lừa đảo bán lan đột biến tới thú chơi và hoạt động kinh doanh của họ; đồng thời, khuyến cáo những người mới chơi phong lan nên tìm hiểu kỹ về các giống lan để tránh bị “tiền mất, tật mang”.
Trên thực tế đã có không ít những “tai nạn” những rủi ro trong đầu tư, kinh doanh của người chơi lan đột biến do không tìm hiểu kĩ thông tin giống loài, thị trường, khiến các giao dịch đã biến thành hành động lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở rất nhiều địa phương trong cả nước.
Cụ thể, ngày 7/9/2020, Công an huyện Di Linh (Lâm Đồng) khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện bắt tạm giam 4 tháng đối với Bùi Văn Sỹ (SN 1986, trú tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình), để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sỹ rao bán lan đột biến và lừa lấy của bị hại 1,47 tỷ đồng.
Tiếp đó, tháng 11/2020, Công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết, anh Nguyễn Quang Diễn phát hiện gốc lan đột biến HO trị giá 303 triệu đồng mua từ các đối tượng rao bán trên mạng.
Tuy nhiên, cây lan đó được các đối tượng dùng keo 502 dính lại, trong giò lan chỉ có 1 thân lan loại HO, còn lại là phi điệp tím thường giá trị thấp.
Công an huyện Tân Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Bùi Văn Điệp (24 tuổi), Đinh Văn Đô (21 tuổi) và Đinh Văn Sự (31 tuổi), cùng ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình để làm rõ tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đặc biệt, trước tình trạng mua bán lan đột biến tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các loại tội phạm, Công an một số tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ làm tốt công tác quản lý, phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật đến cán bộ, đảng viên và người dân; kiên quyết không để các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo người dân vào các hoạt động lừa đảo bằng việc kinh doanh lan đột biến.
Tích cực phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn liên quan đến kinh doanh lan đột biến; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng việc mua bán lan đột biến để vi phạm pháp luật; tăng cường rà soát, quản lý các hộ kinh doanh, cá nhân trên địa bàn thường xuyên mua bán lan đột biến.
Bao giờ bong bóng lan đột biến "vỡ”?
Những ngày gần đây, giới chơi lan và người dân cả nước không khỏi bàng hoàng khi nhận thông tin vườn lan Hà Thanh (Ứng Hòa, Hà Nội) chính thức “dời cuộc chơi” và mang theo số tiền hơn 200 tỷ đồng của những người "vào lan" tại vườn.
Trước đó, từ thông tin trên mạng xã hội về thương vụ giao dịch cây lan var mang tên “Ngọc Sơn Cước” với giá 250 tỷ đồng tại tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã vào cuộc xác minh và kết quả không có giao dịch tiền mặt; thực tế 2 bên chỉ ký kết hợp đồng nhân giống 5.000 cây con khác từ cây mẹ.
Hay như vụ giao dịch mua bán lan tại tỉnh Đắc Lắk có giá trị 31 tỷ đồng được lan truyền trên mạng xã hội, khi lực lượng chức năng xác minh thì đây là thương vụ giao dịch giả, mục đích chỉ để... câu like.
Những vụ việc trên một lần nữa khiến rất nhiều người dân đặt ra câu hỏi: "Có bao nhiêu giao dịch lan đột biến với số tiền khủng đăng tải trên mạng xã hội là thật?. Hay tất cả chỉ là chiêu trò để thổi giá lan đột biến và câu like nhằm mục đích kiếm lời khác?".
Không thể phủ nhận rằng, chơi lan là một trong những thú chơi tao nhã ở nước ta. Sau bộn bề cuộc sống hằng ngày, được chăm sóc và nhìn ngắm những chậu lan xanh tốt, trăm hoa khoe sắc, mọi mệt mỏi đều tan biến.
Chia sẻ với phóng viên, nhiều người chơi lan chân chính khẳng định rằng: "Phong lan không có mức giá cố định mà nó phụ thuộc vào độ đam mê và điều kiện kinh tế của mỗi người chơi, nhưng giá trị không thể ở mức "trên trời" như nhiều giao dịch đăng trên mạng xã hội".
Anh Nguyễn Văn T - chủ một vườn lan tại huyện Lập Thạch chia sẻ: "Bản thân tôi và những người yêu hoa phong lan đều biết rằng, dù rất quý nhưng có thể khẳng định, lan đột biến không thể xuất khẩu sang nước ngoài với mức giá như vậy, do đó, dòng tiền chỉ chạy từ túi người này sang túi người kia.
Đáng buồn hơn, vì lợi nhuận, nhiều người đã biến thú chơi này thành một ngành kinh doanh, những thương vụ mua bán, trao đổi lan đột biến giá trị "khủng" tràn lan trên mạng xã hội thời gian qua đã ảnh hưởng lớn tới văn hóa, thú chơi hoa lan của những người đam mê thực thụ".
Cũng theo anh T, không như những hàng hóa mua bán thông thường, tốc độ đẻ nhánh, phát triển chóng mặt 1 cm trong vòng 2-3 ngày của lan đột biến bằng nhiều loại thuốc kích thích sẽ sớm dẫn đến cung vượt quá cầu, nguy cơ "lan vỡ trận" ngày càng tới gần.
"Đầu tư vào lan đột biến giống như một canh bạc, có người thắng và chắc chắn sẽ có người trắng tay. Vì vậy, những người đã và đang có ý định "vào lan" đột biến cần cẩn trọng" - anh T chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.