Cá nâu có thân hình dẹp, mình có nhiều đốm đen. Cá nâu sống ở môi trường nước mặn, nước lợ và sinh sống nhiều trên các tuyến kênh rạch của vùng rừng ngập mặn, các cửa sông, các đảo ven biển và các ao đầm nuôi tôm.
Cùng với con tôm, con cua, cá nâu là một trong những đặc sản có giá trị kinh tế cao của vùng đất ngập mặn ven biển ở Cà Mau.
Đặc sản cá nâu Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Lâm.
Cùng với con tôm, con cua, cá kèo, từ lâu cá nâu đã trở thành một trong những đối tượng nuôi chủ yếu của người nuôi tôm ở Cà Mau.
Cá nâu nuôi chung trong các ao đầm nuôi tôm thường không gây hại cho tôm nuôi, góp phần cải tạo môi trường nước.
Thức ăn của cá nâu là tép nhỏ, rong, tảo và phù du trong nước nên các tuyến sông rạch vùng rừng ngập mặn và các ao đầm nuôi tôm ở các huyện ven biển như Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời rất thích hợp cho cá nâu sinh sống và phát triển.
Để khai thác, đánh bắt cá nâu ở sông rạch, ngư dân Cà Mau thường đóng đáy. Riêng cá nâu nuôi trong vuông tôm, ngư dân thường giăng lưới, câu, đặt lú, mò…
Từ lâu, xung quanh khu vực biển Hòn Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) cá nâu từ biển khơi vể đây trú ẩn, sinh sôi, nẩy nở.
Những lúc biển lặng, sóng êm theo các khe đá quanh chân hòn từng đàn cá nâu bơi lội để nô đùa hoặc tìm thức ăn. Thú câu cá nâu ở biển Hòn Đá Bạc được nhiều du khách thích thú.
Thú vui câu cá nâu ở Hòn Đá Bạc ở Cà Mai. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.
Cá nâu ở Cà Mau thường to con, mập ú và khả năng sinh sản mạnh. Khi trưởng thành cá có trọng lượng bình quân từ 300 gam đến 500 gam.
Cá biệt, nhiều con cá nâu sống trong môi trường nước không bị ô nhiễm, có nhiều thức ăn, trọng lượng có thể lên đến hơn 1 kg. Hiện tại giá cá nâu loại lớn từ 100.000 đồng đến 140.000 đồng/kg.
Cá nâu Cà Mau thịt béo, mềm, ngọt, thơm ngon, ít xương và chế biến được nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như nấu canh chua, nấu lẩu, kho trái giác và nướng muối ớt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.