Đây là ngôi nhà cổ tại Tiền Giang-nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từng ở hồi đầu thế kỷ XX
Đây là ngôi nhà cổ ở Tiền Giang-nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từng ở, hoạt động cách mạng
Thứ ba, ngày 30/07/2024 05:39 AM (GMT+7)
Chúng tôi có dịp về thăm ngôi nhà nơi Bác Tôn (Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng) từng ở và hoạt động cách mạng, thuộc ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Trên nền đất cũ, ngôi nhà đã được sửa sang lại nhưng những hình ảnh, kỷ vật của Bác Tôn vẫn đang được lưu giữ cẩn thận...
Theo quyển “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Kim”, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng đưa tàu ra Côn Đảo đón Bác Tôn về đất liền.
Một trong những việc đầu tiên là Bác Tôn về xã Vĩnh Kim thăm nhà.
Tại vùng quê này, vào những năm 20 của thế kỷ XX, Bác Tôn tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cộng sản… Từ đó tổ chức Nông hội Đỏ được thành lập ở xã Vĩnh Kim vào khoảng năm 1926.
Ngôi nhà nơi Bác Tôn ở và hoạt động cách mạng là ngôi nhà của ông Trần Đình Túy (ông ngoại của Bác Tôn gái), hiện do ông Trần Năng Thân Vinh (cháu đời thứ tư của ông Trần Đình Túy) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hiếu làm chủ.
Được cán bộ phụ trách văn hóa - thông tin của xã dẫn chúng tôi đến ngôi nhà nơi Bác Tôn từng ở và hoạt động cách mạng.
Xung quanh ngôi nhà là vườn cây ăn trái xanh tươi, không khí trong lành, mát mẻ. Bên trong ngôi nhà, nhiều hình ảnh, kỷ vật được gia chủ lưu giữ cẩn thận.
Ngôi nhà cổ in đậm dấu ấn Bác Tôn (Chủ tịch Tôn Đức Thắng) từng ở và hoạt động cách mạng tọa lạc tại ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Ông Trần Năng Thân Vinh cho biết: Ngôi nhà đã ghi dấu những sự kiện liên quan đến Bác Tôn như: Nơi Bác Tôn gái (là cô giáo Đoàn Thị Giàu, tự Kim Oanh, sinh năm 1898 tại làng Kim Sơn, tổng Thuận Bình, huyện Kiến Hưng, tỉnh Mỹ Tho; nay là xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trú ngụ một thời gian sau khi mẹ qua đời (năm 1917); nơi tổ chức đám cưới của Bác Tôn và Bác Tôn gái; nơi Bác Tôn thường lui tới gây dựng phong trào cách mạng tỉnh Mỹ Tho từ những năm sau khi cưới Bác gái cho đến khi bị bắt, tù đày (1921 - 1928); nơi Bác Tôn gặp lại Bác gái và hai người con sau mười mấy năm xa cách vì bị tù đày nơi Côn Đảo (năm 1945)…
Theo quan sát của chúng tôi, ngôi nhà cổ được cất theo kiểu nhà ngói Nam bộ với kiến trúc gỗ rường mộng, bào lộng khá công phu, vách lụa gỗ, mái lợp ngói âm dương, cột to bằng gỗ căm xe hoặc gỗ lim, trong nhà có nhiều tấm biển gỗ khắc chữ Hán.
Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều chỗ đã xuống cấp, cây mục, nên gia đình ông Trần Năng Thân Vinh sửa chữa một phần (lợp lại mái tôn, nền lát gạch tàu...).
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang Lê Ái Siêm cho biết: “Ngôi nhà của ông Trần Đình Túy ở xã Vĩnh Kim là nơi Bác Tôn ở và hoạt động cách mạng, là một trong những di tích lịch sử quý báu, bởi giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là ngôi nhà ở của một nhà Nho yêu nước tiêu biểu ở Tiền Giang là ông Trần Đình Túy. Vị trí ngôi nhà nằm ở vùng đất làm nên nhiều chiến công của cách mạng, là trung tâm của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.
Ngôi nhà này còn là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến gặp gỡ những nhà trí thức để đàm đạo, bàn quốc sự…
Với những ý nghĩa lịch sử to lớn ấy, ngôi nhà đã được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2000. Theo tôi, “địa chỉ đỏ” này đáng được lãnh đạo tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho làm hồ sơ để xét công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia…”.
Bác Tôn (1888 - 1980) được biết đến không chỉ là người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà nhân cách sống của Bác Tôn đã từng được Bác Hồ khẳng định: “Đồng chí Tôn Đức Thắng, người con rất ưu tú của Tổ quốc, là một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng…”.
Ngôi nhà cổ này là nơi ghi dấu cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối người dân Tiền Giang nói riêng, cả nước nói chung.
Việc trùng tu, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa này ngoài ý nghĩa tỏ lòng tôn kính của các thế hệ hôm nay và mai sau đối với một vị lãnh tụ cách mạng tài ba của nước nhà, còn là một “địa chỉ đỏ” quý báu để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Có thể xây dựng nơi đây trở thành một điểm tham quan du lịch cho du khách gần xa khi đến Tiền Giang, góp phần giới thiệu những giá trị tiêu biểu của Bác Tôn - người cộng sản mẫu mực, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.