Bá Thước là huyện nghèo nằm ở phía tây của tỉnh Thanh Hóa, có 4 dân tộc anh em sinh sống (Kinh, Mường, Tày, Dao). Đất nông nghiệp ít, địa hình chủ yếu là đồi núi, cách trở sông suối, cộng với việc không có nghề phụ nên đời sống của người dân nơi đây rất khó khăn. Để tạo việc làm cho người dân, UBND huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và các tổ chức hội đoàn thể trong huyện rất chú trọng đến công tác dạy nghề cho ND.
|
Chị Lê Thị Thanh hiện làm nghề chăn nuôi vỗ béo trâu bò, thu lãi 2 - 3 triệu đồng/con sau 4 - 5 tháng chăm sóc. |
Nhu cầu học cao
Ông Hà Tự Nhiên - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Bá Thước cho hay, năm 2011 huyện mới nhận được nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956. Sau khi có vốn, Phòng đã khảo sát 225 thôn, bản thuộc 23 xã với tổng số 23.987 hộ/105.718 khẩu. Trong đó, 54.559 người trong độ tuổi lao động và 41.590 người có nhu cầu học nghề.
Trên cơ sở đó, Phòng xây dựng kế hoạch dạy nghề với kế hoạch mỗi năm có khoảng 4.000 lao động được học nghề. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, giáo viên, nên trong năm 2011 Phòng mới mở được 5 lớp dạy nghề nông nghiệp với 200 học viên và 7 lớp phi nông nghiệp với 210 học viên tham gia học nghề.
Theo ông Nhiên, khi mở lớp dạy nghề, Phòng LĐTBXH phải nhờ địa điểm nhà văn hóa của các thôn, bản, hoặc UBND xã, nên việc dạy, học rất khó khăn, thiếu chủ động. Từ năm 2011, ngoài hỗ trợ theo Quyết định 1956, huyện đã phối hợp Công ty Mía đường Lam Sơn dạy nghề nông cho 40 học viên, phối hợp Công ty Bình Minh dạy nghề dệt thổ cẩm cho 46 học viên. 100% học viên sau khi học nghề được nhận vào làm tại công ty.
Chị Lê Thị Thanh ở thôn 4, xã Tân Lập - một trong những người được học nghề chăn nuôi thú y, hiện đang chăn nuôi 20 lợn thịt và vỗ béo trâu, bò bán, cho biết: "Trước khi học nghề, tôi chỉ nuôi một con trâu để cày kéo và vài con lợn. Năm 2011, sau khi được học nghề, tôi đã mua trâu, bò gầy về vỗ béo, sau 4 - 5 tháng bán, trung bình mỗi con lãi 2 - 3 triệu đồng".
Khó hoàn thành kế hoạch
Ông Nhiên cho biết, huyện đã có kế hoạch hỗ trợ xây mới trung tâm dạy nghề với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng. Trong khi chờ trung tâm mới, các lớp dạy nghề vẫn phải học tạm ở các nhà văn hóa ở thôn, bản. Theo ông Nhiên, Phòng rất khó hoàn thành kế hoạch dạy nghề cho 4.000 lao động/năm vì không đủ lớp, giáo viên...
Hiện huyện Bá Thước có gần 42.000 lao động có nhu cầu học nghề, song việc dạy nghề mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.
"Giáo viên dạy nghề lương rất thấp lại phải đi xa, nên rất khó thu hút giáo viên giỏi. Tôi nghĩ với các huyện miền núi nghèo, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho giáo viên, hỗ trợ vốn, cơ sở vật chất hợp lý. Chứ như Bá Thước, ngoài vốn của Đề án 1956, chúng tôi chưa có nguồn kinh phí nào khác để dạy nghề".
Anh Bùi Văn Chiến (làng Xịa, xã Điền Trung) tâm sự: "Học nghề là rất cần thiết, nhưng giải quyết việc làm sau khi học nghề còn quan trọng gấp bội. Chúng tôi làm nông, chăn nuôi nhưng cũng rất muốn được học nghề, nhưng khi thôn, xã lấy danh sách phải theo chỉ tiêu nên nhiều người muốn nhưng vẫn chưa được học nghề".
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Xuân Phít - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập thừa nhận, việc dạy nghề đã giúp cho nhiều hộ dân có việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo. "Riêng xã Tân Lập có khoảng 300 lao động cần học nghề, tuy nhiên do kinh phí, cơ sở vật chất thiếu thốn, nên nhiều lao động chưa tiếp cận được với nghề. Nếu được học nghề bài bản, có sự hỗ trợ đầu vào và đầu ra sau khi học nghề, người dân nơi đây sẽ sớm có cơ hội thoát nghèo và làm giàu" - ông Phít nói.
Nam Tùng Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.