Dạy nghề cho xã điểm nông thôn mới: Thay đổi tư duy làm nông nghiệp

Thứ tư, ngày 17/11/2010 09:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các lớp dạy nghề cho xã nông thôn mới Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) thu hút đông đảo bà con tham gia. Họ mong muốn: Học để sản xuất nông nghiệp theo phương pháp mới.
Bình luận 0

 Dạy nghề thế mạnh

img
Nông dân Thụy Hương thực hành trồng hoa dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Thụy Hương là vùng trọng điểm về sản xuất rau và cây trồng ngắn ngày ở Chương Mỹ. Từ ngày xã tiến hành CNH-HĐH nông thôn, đã định hướng cho người dân phát triển kinh tế dựa trên những thế mạnh vốn có. Ngày 13-11, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và phát triển Bắc Bộ phối hợp với UBND xã Thụy Hương mở 5 lớp dạy nghề cho 175 lao động tại địa phương, trong đó có 2 nghề là thế mạnh của địa phương là trồng hoa, cây cảnh và trồng rau. Ông Nguyễn Hữu Nam - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thụy Hương cho biết: “Hiện cả xã có 7,5ha trồng rau an toàn. Trong quy hoạch từ nay đến năm 2015 xã sẽ nâng tỷ lệ vùng trồng rau an toàn trong toàn xã lên 50ha”. Vì vậy, các lớp học chủ yếu dạy nông dân trồng rau an toàn quy mô lớn. Nói về hiệu quả của mô hình này, ông Nam cho biết, mô hình trồng rau an toàn so với trồng rau theo kiểu truyền thống thì năng suất tăng gấp đôi, đặc biệt là đảm bảo chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.

Sản xuất nông nghiệp theo tư duy

công nghiệp

Hầu hết lao động ở xã Thụy Hương đã có việc làm, cho thu nhập khá với 2 - 3 triệu/đồng tháng. Do đó để “kéo” nông dân tới lớp học nghề là một vấn đề không hề đơn giản. Chị Nguyễn Thị Trúc, thôn Trúc Đồng cho biết: “Thường ngày, ngoài hơn 1 sào ruộng tôi và chồng cùng chạy chợ. Tính ra 4 tháng chạy chợ cũng lãi gần 20 triệu đồng. Tuy thu nhập khá nhưng không ổn định, cả năm cũng chỉ làm được 4-5 tháng. Tuy nhiên, giờ công việc nhiều sợ không có thời gian đến lớp”. Nắm bắt được tâm lý này, các lớp học đều dạy theo phương châm “học đi đôi với hành”. Ông Trần Văn Dư - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nông nghiệp và phát triển Bắc Bộ cho biết: “Chúng tôi tổ chức thực hành trên chính các mô hình của các học viên tham gia lớp học. Qua đó học viên vừa học vừa có cơ hội nâng cao kiến thức và thu nhập”.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đức Học - Chủ tịch UBND xã Thụy Hương nói: “Dạy nghề không chỉ là dạy những kiến thức cơ bản về nghề, nâng cao tay nghề mà điều quan trọng hơn là thông qua những lớp học chúng tôi muốn góp phần thay đổi tập quán sản xuất cũ của bà con”. Hiện, nông dân Thụy Hương đã có lịch theo dõi thời vụ, sâu bệnh một cách khoa học, quy chuẩn.n

Hội thi tay nghề ASEAN 8: Thái Lan đông thí sinh nhất

Theo BTC Hội thi tay nghề ASEAN 8, tổng số thí sinh dự thi Hội thi tay nghề ASEAN 8 là 220 thí sinh, trong đó các đoàn có đông thí sinh tham dự nhất là Thái Lan và Indonesia (44 thí sinh ở tất cả 21 nghề), tiếp đó là đoàn Việt Nam (38 thí sinh với 18 nghề). Ngày 15 – 11, BTC đã tổ chức cuộc họp các trưởng đoàn và các chuyên gia để thống nhất nội dung chuẩn bị cho Hội thi. Theo đó, Việt Nam và Malaysia sẽ là trưởng giám khảo của 3 nghề, chuyên gia trưởng của 4 nghề.

Công Trình

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem