Dạy nghề để... cứu nghề

Thứ ba, ngày 31/05/2011 00:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một thời gian dài, nghề kéo kén, dệt lụa truyền thống ở thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, Hà Nam bị mai một. Hội ND, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề cho người dân.
Bình luận 0

Ông Lê Văn Tiến - Bí thư thôn Từ Đài cho biết: "Từ Đài có 520 hộ với 2.200 nhân khẩu, trong đó 7,8% hộ nghèo theo tiêu chí mới, mỗi khẩu chỉ có 150m2 đất nông nghiệp. Từ lâu người dân chủ yếu sống bằng nghề ươm tơ, kéo kén, dệt lụa. Những năm 90 của thế kỷ trước, sản phẩm không bán được. Từ năm 2000 đến nay, làng nghề đã hồi phục và phát triển".

Khôi phục làng nghề

img

Công nhân làm việc tại cơ sở sản xuất lụa tơ tằm Thảnh Trang thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng.

Năm 2000, khi khôi phục lại làng nghề, cả thôn chỉ còn 8 hộ "bám" nghề. Anh Phạm Ngọc Thảnh - người tâm huyết nhất với nghề dệt tơ lụa tâm sự: "Gia đình tôi đã sống với nghề kéo kén, dệt lụa 4 đời nay. Nghề nào cũng có lúc thăng, lúc trầm. Giờ tôi tìm được đầu ra, có khả năng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Mình khôi phục, dạy nghề là để giữ lấy cái nghề của ông cha và tạo công ăn việc làm cho bà con".

Năm 2000, anh Thảnh vào Sài Gòn học hơn 6 tháng về cách vận hành máy, kỹ thuật dệt tiên tiến và các mẫu mã ưa chuộng hiện nay… Có kiến thức, kinh nghiệm, anh về vay tiền ngân hàng, gia đình, bạn bè xây dựng cơ sở sản xuất lụa tơ tằm Thảnh Trang, với 6 đầu máy xe, 2 máy đậu, 2 máy dạo, trị giá 800 triệu đồng và tuyển con em trong làng, xã vào vừa học vừa làm.

Sống khỏe với nghề

img Năm 2010, xã mở 10 lớp tập huấn và 1 lớp dạy nghề kỹ thuật trồng trọt cho khoảng 200 ND; đồng thời phối hợp với cơ sở anh Thảnh đào tạo nghề kéo kén, dệt lụa cho 100 ND. Những người học nghề truyền lại cho người nhà. Hiện xã có khoảng 1.000 lao động làm nghề kéo kén, dệt lụa . img

 Ông Lương Văn Chiểu - Chủ tịch Hội ND xã Chuyên Ngoại

Anh Thảnh cho biết: Từ khi thành lập đến nay, cơ sở đã đào tạo cho hơn 100 lao động và giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động và 200 lao động làm tại nhà, với thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng.

Không chỉ dạy nghề miễn phí, anh còn hỗ trợ mỗi học viên 1-1,5 triệu đồng/tháng trong 3 tháng đầu. Sản phẩm tơ lụa của anh chủ yếu xuất khẩu đi Thái Lan, Lào. Mỗi tuần anh xuất khoảng 1 tấn tơ lụa. Doanh thu khoảng 1,2-1,5 tỷ đồng/năm. Vừa qua, Thái Lan xảy ra bạo loạn, một số bạn hàng cắt hàng, nhưng nay họ đã ký hợp đồng trở lại. Không chỉ tạo việc làm cho người dân trong xã, cơ sở của anh Thảnh còn nhận bao tiêu sản phẩm tơ kén thô cho cả các xã lân cận.

Bác Dương Thị Anh Thơ, xã Mộc Nam cho biết: "Nhà tôi làm nghề ươm tơ lâu rồi, nhưng vì không có đầu ra nên phải bỏ. Nay anh Thảnh nhận bao tiêu toàn bộ đầu ra, xã tôi nhiều nhà đã quay lại làm nghề. Kéo kén mỗi ngày cũng được 100 - 150 nghìn đồng. Cứ như thế này thì "ngon" hơn làm ruộng".

Em Ngô Thanh Phúc, thôn Từ Đài, nhà nghèo lại đông anh em, học hết THCS, em xin vào làm ở cơ sở anh Thảnh. Phúc chia sẻ: "Làm ở đây công việc vừa nhẹ, lại gần nhà nên đỡ tiền thuê trọ, nên mỗi tháng em lĩnh gọn 3 triệu đồng. Hết ca, em nhận hàng về làm thêm, nên cũng đủ tiền chi tiêu hàng ngày".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem