Tiềm năng lớn, khai thác còn hạn hẹp
Mới đây, trong một hội nghị tổng kết của Bộ LĐTBXH về hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, nhiều đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh dạy nghề phi nông nghiệp, trong đó có dạy nghề làm du lịch cộng đồng, nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng quê.
Chị Thào Thị Sung đang dạy học sinh nghề thêu ren. Ảnh: A.T
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), năm 2017, tổng lượng du khách đi du lịch ở 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đạt 24 triệu lượt, doanh thu đạt 18.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016. Riêng tỉnh Lào Cai tăng đạt 3,5 triệu lượt, tổng doanh thu hơn 9.400 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2016. Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng việc khai thác thế mạnh này chưa được bao nhiêu, nguyên nhân là do người dân chưa được đào tạo nghề làm du lịch bài bản.
|
Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cũng thừa nhận, ngành du lịch cộng đồng hay du lịch nông nghiệp của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa khai thác hết được thế mạnh này, do chưa có cơ chế, chính sách, đề án cụ thể.
Riêng trong lĩnh vực dạy nghề, ông Tiến cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã bắt đầu bổ sung danh mục nghề cần dạy để nông dân có thể khởi nghiệp bằng du lịch cộng đồng, thế nhưng điều đó vẫn chưa đủ.
“Chúng ta mới đơn thuần dạy nghề như nấu ăn, dọn dẹp phòng ốc, hướng dẫn viên du lịch... mà chưa dạy cho nông dân những kỹ năng mềm để họ làm du lịch một cách chuyên nghiệp. Vấn đề này chúng ta đang làm rất yếu” - ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, cần dạy cho nông dân kỹ năng marketing sản phẩm du lịch của họ, dạy họ cách làm du lịch nông nghiệp cần có gì, cách thức đa dạng hóa các tour du lịch nông nghiệp...
Chị Thào Thị Sung, (36 tuổi ở bản Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai) là một trong những người tiên phong trong hoạt động phát triển du lịch cộng đồng. Kể từ năm 2000, chị Sung đã thành lập các tổ hợp dệt thổ cẩm, dạy nghề để chị em phụ nữ trong thôn bản làm nghề, từ đó phát triển làm du lịch cộng đồng.
“Chị em có nghề, được tăng thu nhập. Thêm vào đó, có tổ hợp dệt, chúng tôi thành lập HTX và từ đó phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ làm du lịch, sản phẩm của chúng tôi bán chạy hơn. Nhiều sản phẩm còn được giới thiệu đi khắp nơi. Điều đó góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con” - chị Sung nói.
Tuy nhiên, cũng theo chị Sung, cái khó hiện nay là nông dân như chị mới chỉ được đào tạo kỹ thuật làm nghề thêu, dệt. Giờ đây, chị và các chị em muốn được học thêm kỹ năng làm du lịch cộng đồng như: Đón khách, nấu ăn, chăm sóc khách hàng, tiếp thị sản phẩm, dọn buồng... nhưng vẫn chưa có một lớp nào dạy những nghề này tại địa phương.
Dạy nghề xuất phát từ nhu cầu của người dân
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NNPTNT) cho rằng, để phát triển được du lịch nông thôn, việc đầu tiên cần là dạy nghề cho nông dân. Có “định nghĩa” về du lịch cộng đồng, người dân trong cộng đồng mới khai thác hết được thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch.
Ông Thịnh cho biết, Bộ NNPTNT đang triển khai đề án dạy nghề gắn mỗi phường, xã một sản phẩm. Theo đó, mỗi địa phương sẽ tìm ra một thế mạnh phát triển kinh tế để tập trung dạy nghề.
Ông Thịnh lấy ví dụ: Sa Pa lâu nay được biết đến như một thị trấn giàu tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Du lịch nông nghiệp, văn hóa là đặc trưng, mũi nhọn trong phát triển kinh tế nơi đây. Để tiếp tục khai thác lợi thế này, địa phương phải xây dựng một chiến lược dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển kinh tế du lịch của địa phương.
“Ngoài việc dạy nghề nông nghiệp đơn thuần như trồng trọt, chăn nuôi, địa phương cần tăng cường dạy nghề để nông dân làm du lịch, như nấu ăn, dọn dẹp buồng phòng, kỹ năng tiếp thị sản phẩm du lịch...” - ông Thịnh nói.
TS Đào Thế Anh (Hội Khoa học phát triển nông thôn) cho rằng, dù đã có đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, nhưng thực tế chương trình dạy nghề vẫn chưa phù hợp. Rất nhiều vùng quê có lợi thế để làm du lịch nhưng địa phương lại không biết tận dụng, nông dân phải “tự bơi” để học nghề, làm nghề.
Để dạy nghề giúp nông dân làm du lịch bài bản, theo ông Thế Anh, cần có chiến lược và chính sách dạy nghề bài bản, khoa học, xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương và người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.