ĐBQH: Cán bộ chạy ra nước ngoài hay sao mà không kê khai tài sản?

Lương Kết Thứ tư, ngày 06/09/2017 11:11 AM (GMT+7)
“Cơ quan nào cũng thấy tham gia, được phân công phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhưng chẳng biết anh nào chống thật, anh nào chống giả, chống tham nhũng hay chống lưng nhau. Vì vậy, đề nghị cần có mô hình PCTN một cách hiệu quả hơn nữa” - ĐBQH Vũ Trọng Kim nói.
Bình luận 0

img

ĐBQH Vũ Trọng Kim (Ảnh: VOV).

Sáng ngày 6.9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể cho ý kiến vào báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ.

Góp ý vào báo cáo, ĐBQH Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Việc báo cáo đưa phụ lục thống kê hàng triệu số đảng viên kê khai tài sản nhưng chỉ phát hiện 3 trường hợp vi phạm là không nói lên được điều gì nên cần bỏ phụ lục này.

“Đề nghị rút ra khỏi báo cáo phụ lục này vì không nói lên được cái gì cả. Đảng viên thì phải kê khai tài sản, hơn 99% kê khai còn những anh còn lại thì sao? Đã chạy đi nước ngoài rồi hay sao mà không kê khai tài sản, thu nhập? Nên bỏ phụ lục này thay vào đó là cập nhật phụ lục về những đại án, về BOT…” - ĐB Kim nói.

ĐB Kim cũng cho rằng con số báo cáo PCTN đưa năm 2017 chỉ xử lý 25 người đứng đầu là chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Vẫn theo ĐB Vũ Trọng Kim, ở Trung ương, Tổng Bí thư đang chỉ đạo rất quyết liệt việc PCTN. Tuy nhiên hiện nay có quá nhiều cơ quan làm nhiệm vụ PCTN nhưng hiệu quả không rõ ràng, nhiều vụ giải quyết nhiều năm không xong, chưa thiết lập được mô hình cơ quan chống tham nhũng độc lập.

“Cơ quan nào cũng nói phòng chống tham nhũng, nhưng anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật anh nào chống giả. Vì vậy phải sớm tổ chức ra đơn vị chống tham nhũng chuyên trách, làm việc có hiệu quả, không để bị níu kéo, trì trệ…" - ĐB Kim nói.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, nếu nhìn lại các vụ án về tham nhũng đang điều tra, xét xử thì đa phần đã xảy ra cách đây nhiều năm như vụ Hà Văn Thắm từ 2009, Trịnh Xuân Thanh cũng thời điểm 2009, vụ Vinashin, Phạm Công Danh cũng ở giai đoạn đó.

Theo tướng Vương, qua các vụ việc trên nổi lên một số vấn đề như: Việc thực hiện luật phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả; đạo đức công vụ của cán bộ trong một số lĩnh vực yếu kém, lợi ích nhóm, cầm tiền chia chỗ này, chỗ kia; kiểm toán nội bộ và thanh tra chuyên ngành chưa đạt hiệu quả; thiếu công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan...

“Đơn cử như sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - vụ án đang điều tra thấy việc thành lập doanh nghiệp, chỉ định thầu không đúng quy định, nhất là sai phạm trong tổng thầu"- tướng Vương cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem