ĐBQH đề nghị hạn chế hình ảnh thể hiện nhân vật là soái ca trên phim
ĐBQH đề nghị hạn chế hình ảnh nhân vật là những soái ca trên phim
PVCT
Thứ năm, ngày 28/10/2021 17:59 PM (GMT+7)
"Tôi đề nghị cần lưu ý quan tâm để hạn chế đến mức thấp nhất trong các tác phẩm điện ảnh những hình ảnh thể hiện nhân vật là những người thành đạt trong xã hội, những người hùng, thậm chí những soái ca trên màn ảnh", ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nói khi góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Chiều 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Phát biểu góp ý, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng:
Hiện nay công nghiệp điện ảnh chủ yếu dựa trên 4 trụ cột quan trọng là sự sáng tạo, sản xuất tác phẩm, phát hành và phổ biến phim và cuối cung là bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm. Trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) về cơ bản định hướng phát triển 4 nội dung nêu trên.
ĐB Hoa cho hay, lần đầu tiên, dự thảo luật đưa ra khái niệm công nghiệp điện ảnh, trong đó có đề cập tới phim trường điện ảnh. Tuy nhiên, đưa khái niệm vào luật cần có những quy định tương ứng cụ thể, phát triển công nghiệp điện ảnh trong một thị trường cạnh tranh, minh bạch, bảo hộ doanh nghiệp điện ảnh nội một cách công khai theo những cam kết quốc tế.
"Bên cạnh sự quan tâm tới cơ chế ưu đãi thuế, đầu tư thì cần quan tâm hơn tới cơ chế nhà nước đặt hàng, thu mua sản phẩm , ưu tiên đưa phim tới khán giả.
Bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là phim đầu tiên do Nhà nước đặt hàng, hãng phim tư nhân góp vốn sản xuất. phim lập kỷ lục doanh thu khi 80 tỷ đồng trong một tháng. Đây là minh chứng cho tiềm năng phát triển của công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Cần chú trọng hơn với phim sản xuất và cung cấp dịch vụ sản xuất cho nước ngoài vì việc này góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh và các ngành dịch vụ liên quan, tạo nguồn thu cho ngân sách, đồng thời quảng bá đất nước, con người Việt Nam, góp phần phát triển du lịch", ĐBQH Mai Thị Phương Hoa góp ý.
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa đề nghị thêm, cần lưu ý quan tâm để hạn chế đến mức thấp nhất trong các tác phẩm điện ảnh những hình ảnh thể hiện nhân vật là những người thành đạt trong xã hội, những người hùng, thậm chí những soái ca trên màn ảnh.
"Những người này là thần tượng của nhiều thanh, thiếu niên và thể hiện các cảnh hút thuốc lá hoặc uống rượu trong các phim gây cách hiểu lệch lạc cho thanh thiếu niên, gián tiếp cổ súy cho hút thuốc lá, uống rượu bia", ĐB Hoa nói.
ĐBQH Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) băn khoăn các chính sách ưu đãi trong sản xuất phim trong nước như dự thảo Luật có thực sự giúp điện ảnh Việt Nam phát triển đột phá hay không.
Dự thảo Luật nêu, Nhà nước có ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng cho các nhà sản xuất trong nước tuy nhiên không có quy định cụ thể, theo ĐB "hoàn toàn không có giá trị khuyến khích....
Về thu hút tổ chức, người nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam nêu trong dự thảo, theo ĐB Vân cũng chưa có hành lang pháp lý mang tính đột phá nào.
"Cần phải rõ ưu đãi ra sao, hấp dẫn thế nào, thủ tục ưu đãi có minh bạch, thuận lợi và nhanh chóng hay không. Luật Điện ảnh nếu thông qua với chính sách ưu đãi theo hướng như vậy chắc chắn sẽ là lời kêu gọi hấp dẫn để mời chào nhà sản xuất phim nước ngoài", ĐB Vân nói.
ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) đánh giá, điện ảnh là một ngành kinh tế, là sản phẩm của công nghiệp, nhưng cũng là sản phẩm đặc thù vì thuộc về văn hóa.
Người làm diễn viên là lao động có tri thức, kiến thức, có tài năng, năng khiếu, đam mê nghệ thuật, có khả năng sáng tạo, với yếu tố về ngoại hình, giọng nói để biểu cảm và thể hiện nhân vật. Diễn viên điện ảnh là người làm văn hóa, người của công chúng, có sức ảnh hưởng rộng nên phải chú trọng xây dựng hình ảnh, hành vi phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.
Do đó, nữ ĐBQH này đề nghị bổ sung quy định quyền, nghĩa vụ của diễn viên điện ảnh trong dự thảo luật, trong đó quy định diễn viên có quyền hay không cho phép những cảnh quay trong phim được đóng thế ở cảnh mạo hiểm hoặc cắt ghép những hình ảnh nhạy cảm.
Đồng thời quy định, diễn viên điện ảnh phải chấp hành những quy định pháp luật và chuẩn mực nghề nghiệp, nghĩa vụ xây dựng hình ảnh, đảm bảo thuần phong mỹ tục khi tham gia sản xuất, phát hành phổ biến phim.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.