ĐBQH: Làm sao chọn được cô giáo trẻ, đẹp, có sức khỏe, năng lực

Lương Kết Thứ năm, ngày 15/11/2018 13:34 PM (GMT+7)
Theo Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng, ở cấp giáo viên mầm non không nhất thiết phải đào tạo 4 năm, có thể 2,5 - 3 năm, cần chọn được cô giáo trẻ, đẹp, có sức khỏe, năng lực và năng khiếu để các cháu được tiếp cận học vấn ngay từ thời còn trẻ thơ.
Bình luận 0

img

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ). Ảnh: quochoi.vn

Sáng nay (15.11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Đề cập tới công tác đào tạo giáo viên, chuẩn trình độ, chế độ với nhà giáo, đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, cần phải đầu tư cho “máy cái” của giáo dục, đó là các trường sư phạm.

“Cần chọn người có phẩm chất, năng lực vào các trường sư phạm. Phải nâng cao vị thế và có chế độ ưu đãi rất cao với nhà giáo, thực hiện hướng chuẩn cho giáo viên, phương thức đào tạo tiến tới giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đều có trình độ đại học”, đại biểu Thưởng nói.

Theo đại biểu Thưởng, với giáo viên mầm non không nhất thiết phải đào tạo 4 năm, có thể 2,5 - 3 năm. “Làm sao chọn được cô giáo trẻ, đẹp, có sức khoẻ năng lực, năng khiếu để các cháu có điều kiện tiếp cận ngay từ khi lúc trẻ thơ đối với nền học vấn của mình sau này”, đại biểu Thưởng nói.

Đại biểu Thưởng nhận định chất lượng dạy học hiện nay chưa cao, rất chậm đổi mới. Cụ thể là nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm, nhẹ về dạy kỹ năng sống và làm người, hướng nghiệp. Chương trình sách giáo khoa hiện nay quá nặng, học sinh khó tiếp thu. Theo ông, vấn đề này có nguyên nhân từ người lớn. Người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào bộ óc còn non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành áp lực, gánh nặng quá lớn.

Ông Thưởng cho rằng, không thể bắt trẻ học để trở thành “ông nọ bà kia” khi mà các cháu không thích và không đủ năng lực. “Thử hỏi có mấy học sinh giỏi văn quốc gia trở thành nhà văn, nhà thơ lớn? Phải cho các em phát huy năng lực một cách hợp lý nhất”, đại biểu Thưởng nói.

Đề cập vấn đề chuẩn với giáo viên THCS, đại biểu Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) băn khoăn việc người không tốt nghiệp ngành sư phạm, chỉ tốt nghiệp chuyên ngành khác nhưng có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm lại có cơ hội được tuyển dụng vào ngành giáo dục như những sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm.

Theo đại biểu Hà, một người theo ngành sư phạm phần lớn đều có tình cảm và khả năng trong ngành nghề này, họ được đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản trong nhiều năm học. Trong khi đó, người tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong vòng 3 tháng liệu họ có nắm bắt và hình thành kỹ năng nghiệp vụ sư phạm hay không.

“Chúng ta lý giải là thu hút người giỏi ngoài sư phạm, tuy nhiên đặt lại vấn đề, nếu những người thực sự giỏi thì họ làm đúng ngành họ học chứ sao lại bỏ ngành nghề mà họ đã theo. Học sinh thời nay có sự phát triển mạnh mẽ và tâm lý rất phức tạp, giáo viên ngoài kiến thức chuyên môn cần có tác phong và nghiệp vụ sư phạm được đào tạo bài bản. Tôi nghĩ nếu chính sách này được triển khai thì không những không tuyển được người giỏi vào ngành sư phạm mà có thể nảy sinh tiêu cực trong tuyển dụng”, đại biểu Hà nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị quy định chỉ sử dụng giáo viên tốt nghiệp sư phạm chính quy vào giảng dạy, không tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp ngành khác sau đó bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để giảng dạy, nhằm đảm bảo giáo viên có kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, được đào tạo chuyên sâu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem