ĐBQH Nguyễn Chu Hồi: Nuôi trai lấy ngọc là hướng kinh tế biển hiệu quả

T.Q Thứ năm, ngày 20/01/2022 21:41 PM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 – 2026 cho biết, nuôi trai lấy ngọc và phát triển ngành ngọc trai hiện đang là một hướng kinh tế biển hiệu quả của Việt Nam.
Bình luận 0
Việt Nam có tiềm năng lớn trong nghề nuôi trai lấy ngọc - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 – 2026 cho biết, nuôi trai lấy ngọc nằm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.

Điều kiện thuận lợi để nuôi trai lấy ngọc

Tham dự tọa đàm "Hiện trạng, thách thức và cơ hội phát triển ngành ngọc trai Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 – 2026 cho biết, nuôi trai lấy ngọc nằm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia có biển và tiềm năng lớn. Tại Việt Nam, đây đã trở thành nghề truyền thống.

Nhìn lại trong tiến trình lịch sử, đặc biệt với các quốc gia từ triều đại phong kiến, đồ đá quý hay những đồ tương tự được sử dụng nhiều trong các sinh hoạt của các vương triều, và ngọc trai cũng được dùng phục vụ cho những mục đích này. Nước ta cũng có lịch sử phong kiến dài và chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, trong cách sinh hoạt của các vương triều.

Theo ông Hồi, Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc nuôi trồng trai lấy ngọc với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhất là bờ biển kéo dài, lại nằm trong vùng nền ấm, thích hợp với việc nuôi trai. Dù có sự khác nhau về vùng miền, nhưng đó lại là lợi thế.

Thời gian vừa qua, ngành nuôi trai tại Việt Nam đã phát triển và có thương hiệu trên thị trường thế giới. Đồng thời, Việt Nam cũng là thị trường có nhu cầu tiêu thụ ngọc trai lớn.

Vì vậy, theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nếu phát triển tốt, đúng hướng, ngành nuôi trai không chỉ thỏa mãn được nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tạo thương hiệu riêng.

Ở Việt Nam, thời gian qua, ngành nuôi trai lấy ngọc phát triển tập trung hướng tới một số đối tượng khách hàng. Mỗi đối tượng lại có một loại ngọc trai khác nhau, ví dụ ngọc trai hình tròn, hình oval...

Trong 15 năm gần đây, theo Viện Tài nguyên môi trường biển ở Hải Phòng, Việt Nam không chỉ có trai lấy ngọc, mà còn điệp (nhuyễn thể hai mảng vỏ cùng họ với trai) mang ngọc. Điệp cùng họ nhà trai, nhưng vỏ mỏng dẹt hơn nên ngọc cũng có hình thù theo khuôn mảnh vỏ, có nét đẹp riêng. Điệp mang ngọc tự nhiên có kích thước nhỏ hơn trai cấy ngọc và loại này rất quý hiếm. Thậm chí, các nhà nghiên cứu không tiết lộ nơi phân bố loại ngọc này vì nếu công bố, sẽ có thể bị khai thác quá đà, không thể duy trì tự nhiên.

Việt Nam có tiềm năng lớn trong nghề nuôi trai lấy ngọc - Ảnh 2.

Trai được Công ty Ngọc trai và Trang sức An Phú cấy ngọc nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên ở vùng biển Quảng Ninh.Ảnh: Công ty An Phú

Cần quản lý theo chuỗi

"Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, ngành nuôi ngọc trai nếu phát triển đúng hướng thì đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Đòi hỏi sự khéo tay, khéo mắt của người nuôi, bởi nó tác động vào từ khâu nuôi khá lớn. Đồng thời, muốn khai thác tự nhiên tốt thì cần bảo tồn tốt",PGS.TS Nguyễn Chu Hồi khẳng định và cho biết thêm, hiện nay, ta chủ yếu chưa nghĩ đến chuyện bảo tồn các khu có tiềm năng nuôi trai lấy ngọc.

Cũng theo ông Nguyễn Chu Hồi, để nuôi trai lấy ngọc hiệu quả cần chú ý đến khâu nuôi, vừa phát triển nhưng phải quản lý theo chuỗi. Cần phát triển kỹ thuật từ khâu nuôi đến khâu chế biến. Nuôi đã tốt rồi nhưng nếu chế tác kém thì cũng không đạt được giá trị kinh tế cao.

"Khi ta quan niệm nó là một ngành thì nó phải phát triển theo chuỗi và phải có sự tham gia, quản lý của nhà nước. Ngoài ra, muốn phát triển ngành thì phải toàn diện hơn. Quản lý nhà nước phải có cơ chế, chính sách để khai thác được tiềm năng, đi đúng hướng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chắp cánh cho những công ty làm bài bản từ vùng nuôi cho tới tạo tác hoàn thiện sản phẩm", ông Hồi nói.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng chỉ ra thực trạng, hiện nay trên thị trường có nhiều ngọc trai giả làm mất niềm tin của người tiêu dùng, khách hàng, nếu cứ như thế thì làm sao chúng ta có thể đưa ngành ngọc trai này phát triển được.

Ngành ngọc trai của Việt Nam rất tiềm năng, dồi dào, tuy nhiên việc tổ chức sản xuất, lựa chọn công nghệ của các khâu cho đến duy trì và hình thành chuỗi sản xuất, đến vai trò của các cơ quan quản lý của nhà nước; Vấn đề điều tiết và cạnh tranh để tạo ra giá trị của thị trường phải chuẩn bị tốt hơn.

"Còn thành tựu mà mình đạt được cho đến ngày hôm nay, trong đó có nỗ lực của những doanh nghiệp như An Phú(Công ty Ngọc trai và Trang sức An Phú) tôi cho là rất đáng khen ngợi, đó còn là tự phát, từ sự nỗ lực của các doanh nhân cực kỳ lớn.

Tôi hy vọng dần dần việc sản xuất ngọc trai này nó sẽ phát triển lớn mạnh thành một ngành, có những công ty, doanh nghiệp chuyên làm ngọc trai từ A-Z, họ cung cấp vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho người dân nuôi và thu mua sản phẩm theo đúng mong muốn của mình và đầu tư công nghệ cho người chế tác nhằm tạo ra sản phẩm ngọc trai cuối cùng đẹp nhất", ông Hồi nhấn mạnh.

Thực tế hiện nay, đối với con trai, ngay cả ngành thủy sản chưa thực sự coi nó là một đối tượng chính. Trong khi đó, tại nhiều nước chuyên nghiệp, họ coi con trai là một đối tượng chính đi thành một ngành theo đúng nghĩa của nó thì nuôi trai lấy ngọc và phát triển ngành ngọc trai cũng là một hướng kinh tế biển hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nuôi trai lấy ngọc là hướng đi rất tiềm năng và hiệu quả ở Việt Nam. Trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có 6 lĩnh vực ưu tiên nuôi trai lấy ngọc mới được ghép vào lĩnh vực nuôi biển theo nghĩa chung thôi chứ chưa thành một ngành kinh tế. "Tôi cho rằng nếu nó thành một ngành kinh tế sẽ rất quan trọng, nếu có hướng đi đúng chúng ta có thể giúp phát triển thành một ngành thực thụ.

Qua đó có thể giúp chúng ta phát triển văn hóa biển đặc thù Việt Nam, trong đó ngoài các văn hóa ứng xử, các duy trì khảo cổ, các tâm linh biển thì đây là các giá trị. Từ đó sẽ giúp văn hóa ngọc trai hình thành, phát triển thịnh vượng hơn trong thời gian tới", ông Hồi khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem