ĐBQH: "Nhà nhà đào tạo thủ tướng, trường trường đào tạo bộ trưởng"

Ngọc Lương Thứ hai, ngày 11/06/2018 18:06 PM (GMT+7)
“Ai được sinh ra trong cuộc sống này cũng muốn mình là người tốt, người giỏi. Nhìn thẳng vào sự thật, ta thấy hiện nay, nhà nhà đào tạo thủ tướng, trường trường đào tạo bộ trưởng”, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều nay (11.6).
Bình luận 0

img

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (ảnh VPQH).

Chiều nay (11.6), Quốc hội thảo luận tại hội trường cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Góp ý vào cho dự thảo Luật, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp đã đề nghị luật này phải được sửa toàn diện với tinh thần không vội vàng, có thể xem xét qua 3 kỳ họp để ban soạn thảo có thời gian điều kiện nghiên cứu, tiếp thu nhằm đảm bảo hiệu quả khi cho ra lò một sản phẩm không theo tư duy nhiệm kỳ.

“Bác Hồ có nói: Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tôi nhận thấy, Bộ GD-ĐT thời gian gần như buông lỏng hai chữ giáo dục mà chỉ lao vào tập trung cho hai chữ đào tạo”, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nói.

Theo đại biểu Ksor H’Bơ Khăp, chúng ta có từng nghĩ, tại sao đất nước đang ngày một phát triển mà đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp. Nguyên nhân từ đâu, do ai và ai là người phải chịu trách nhiệm cho mâu thuẫn này.

“Bản thân tôi nhận thức đây không phải trách nhiệm của riêng ai. Ai được sinh ra trong cuộc sống này cũng muốn mình là người tốt, người giỏi. Nhìn thẳng vào sự thật, ta thấy hiện nay, nhà nhà đào tạo thủ tướng, trường trường đào tạo bộ trưởng. Và kết quả là, học sinh chưa vào lớp 1 đã thuộc bảng cửu chương và nói tiếng nước ngoài như gió để thi tuyển đầu vào lớp 1. Lên cấp 2 thì giỏi toàn diện cả văn toán, ngoại ngữ với thang điểm tuyệt đối. Vào cấp 3 thì thuộc sử người như chính mình được sinh ra và lớn lên tại xứ sở ấy nhưng chả mảy may suy nghĩ cha ông đã đổ máu để giành độc lập dân tộc…”, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nói.

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung tại điều 29 khoản 2 quy định: Mỗi học sinh có thể có nhiều sách giáo khoa, cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa được sử dụng ổn định trong giảng dạy học tập. Tuy nhiên, cũng tại khoản 3 điều này lại quy định: "Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập.

“Nội dung quy định như trên là mâu thuẫn khó áp dụng trong thực tế. Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa lại cho phù hợp, đồng thời cần có quy định cụ thể trong luật thời gian ổn định của sách giáo khoa là bao lâu, tránh tình trạng thay sách giáo khoa liên tục gây khó khăn cho thầy cô trong biên soạn giáo án, chương trình giảng dạy thiếu ổn định, đặc biệt là lãng phí tiền của dân khi các bộ sách không được sử dụng lại”, đại biểu Hải bày tỏ.

Cũng nói về sách giáo khoa, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa –Vũng Tàu) cho rằng, dự thảo Luật quy định một môn học có thể có nhiều sách giáo khoa và cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng. Khi có nhiều bộ sách giáo khoa thì ai được quyền chọn sách giáo khoa cho từng lớp, từng cấp học, từng môn, e rằng việc chọn nhiều sách dẫn đến "đa thư loạn mục", không đảm bảo tính thống nhất và ăn khớp của toàn nền giáo dục. “Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm, nếu mỗi trường chọn một bộ sách giáo khoa thì ngành giáo dục có đảm đương nổi nhiều công việc, trong đó có việc tập huấn cho giáo viên của từng trường hay không? Theo tôi Bộ GD-ĐT phải khảo sát và có sách giáo khoa chuẩn theo vùng, miền, khu vực”, đại biểu Tuấn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem